Nguy cơ thảm họa môi trường
Tại Quảng Nam, dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa dừng và đã lan rộng thêm một số nơi. Xuất hiện từ giữa tháng 5 đến nay, mỗi ngày, thiệt hại mỗi lớn. Ngay sáng hôm qua, 31.7, theo clip được đồng nghiệp chúng tôi gửi về, xác heo chết bị vứt xuống mương, dọc quốc lộ 1, đoạn qua Bình An (Thăng Bình).
Sự vào cuộc của chính quyền và người dân, có chỗ chưa quyết liệt. Yêu cầu “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ ngay từ khi dịch mới xuất hiện ở nước ta hồi tháng 2, xem ra không được chính quyền các địa phương (đặc biệt là chính quyền xã, nơi sát dân nhất) đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng để thực hiện nghiêm chỉ đạo này.
Hôm 29.7, Báo Quảng Nam đăng tải bài viết về việc xã Bình Triều (Thăng Bình) làm sai khi “ứng trước tiền của dân” để trả cho lực lượng chở heo bệnh đi tiêu hủy. Dân phản ứng, huyện kịp thời ra công văn chấn chỉnh, Bình Triều ngưng ngay việc làm này. Tuy nhiên, số tiền 125 triệu đồng đã để dân phải trả theo lý giải thật như đùa là “ứng trước” đó thì vẫn chưa thể ngày một ngày hai trả lại cho dân. Ai từng “cắc ca cắc củm” (chữ dùng của bà con) nuôi được vài con heo, tiền học tiền ăn của con cái trông chờ cả vào đó, mới thấu nỗi “của đau con xót” của nông dân. Nhà nước hỗ trợ phần nào cho người chăn nuôi ở đâu chưa thấy, lại thấy trước mắt mất thêm tiền thì bảo sao không có chuyện dân kéo vứt bừa đâu đó.
Ngoài Thăng Bình thì ở Quế Sơn, tình trạng người dân thiếu ý thức, vứt xác heo chết cũng xảy ra. Nên chuyện đáng lo hơn, là hiển hiện nguy cơ về một thảm họa môi trường. Ở những vùng dịch cũ và mới đang lan rộng, cùng với việc xác heo bệnh bị quăng bừa ra mương ra sông thì quy trình chôn lấp vẫn chưa được thực hiện đúng.
Có thể thấy chính quyền các xã gần như không quán xuyến nổi việc chôn lấp. Còn nhớ trong một cuộc họp liên quan đến phòng chống dịch, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT từng đề xuất huy động lực lượng vũ trang vào việc chống dịch. Điều này, có lẽ là nên, trong tình hình cấp bách hiện nay, để tránh lặp lại tình trạng hoặc là “xã không đủ người chở heo đi chôn nên huy động lao động thời vụ, và dân trả tiền cho những người này, coi như là cách ứng trước của xã” như ở Bình Triều; hoặc là lén vứt ra môi trường hay chôn lấp sơ sài đều sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt và cả nước ngầm.
Những đợt dịch trước đây, như dịch heo tai xanh, trong vòng hơn 1 tháng là Quảng Nam cơ bản khống chế dịch. Nhưng đợt này, từ giữa tháng 5 đến nay, dịch vẫn không có dấu hiệu chững lại. Không so sánh vì mỗi loại dịch có cách ứng phó khác nhau. Nhưng điều đó cũng cho thấy nhiều lỗ hổng trong công tác phòng, chống dịch cần được “điểm huyệt” chỉ ngay để chấn chỉnh rốt ráo. Xin dẫn lại lời của tư lệnh ngành nông nghiệp, rằng “nếu nơi nào để dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng mà không phòng, chống chủ động, kịp thời thì người đứng đầu tỉnh phải chịu trách nhiệm”. Hẳn chưa cần truy trách nhiệm… xa quá như vậy; nhưng nếu không có giải pháp mạnh tay hơn, để mầm bệnh phát tán càng lúc càng rộng, gây nên thảm họa môi trường cũng như kiệt quệ kinh tế của nông hộ, thì chính quyền làm sao nói với dân đây?