Bảo vệ động vật hoang dã: Trải nghiệm "VƯỜN THÚ" Kenya

HÀ QUANG 03/07/2019 13:42

Là phóng viên của Ban Khoa giáo (Đài Truyền hình Việt Nam), Hồ Vĩnh Phú có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động vì môi trường và bảo vệ động vật hoang dã. Chị và đồng nghiệp vừa có chuyến đi Kenya để thực hiện những thước phim về phòng chống buôn bán động vật hoang dã. Hồ Vĩnh Phú chia sẻ hành trình thú vị này với Báo Quảng Nam.

Phóng viên Vĩnh Phú (trái) cùng người dân Maasai chia sẻ về nỗ lực bảo vệ ĐVHD. Ảnh: NVCC
Phóng viên Vĩnh Phú (trái) cùng người dân Maasai chia sẻ về nỗ lực bảo vệ ĐVHD. Ảnh: NVCC

Kenya được mệnh danh là xứ sở của thiên nhiên hoang dã, hẳn Vĩnh Phú đã có những cảm xúc đặc biệt khi đến nơi này?

Những đàn linh dương, ngựa vằn… trong các đồng cỏ rộng lớn đã thu hút cái nhìn đầu tiên của chúng tôi khi vừa đặt chân đến xứ sở Maasai Mara. Ở đây đang có 5 loài thú lớn hay còn gọi là big five gồm sư tử, báo, voi, tê giác, trâu rừng, đang được pháp luật Kenya bảo vệ nghiêm ngặt. Đoàn chúng tôi đã có thời gian ngắn trải nghiệm tại vùng đất huyền thoại của các loài động vật hoang dã (ĐVHD) và trò chuyện với người dân thuộc tộc người Maasai. Chứng kiến tận mắt những đàn thú di chuyển trong tự nhiên và cuộc sống hoang dã của chúng làm chúng tôi nhận ra rằng các loài ĐVHD có cuộc sống riêng và chúng ta cần tôn trọng cuộc sống của chúng.

Tác nghiệp ở một “môi trường” như vậy quả là một trải nghiệm thú vị. Bạn có thể chia sẻ vài hoạt động chính của mình và đồng nghiệp tại Kenya?

Kenya là điểm dừng chân của rất nhiều chuyến bay đến khu vực châu Á, do vậy đây cũng là điểm trung chuyển về buôn bán ĐVHD. Tại Kenya, ngoài thực hiện các phóng sự về nỗ lực bảo vệ thiên nhiên hoang dã, chúng tôi còn đến thăm một số tù nhân người Việt tại Nairobi bị bắt và kết án do tàng trữ sản phẩm có liên quan đến ĐVHD (do mang theo trong người những chiếc vòng làm bằng ngà voi và móng vuốt sư tử). Hiện họ đã thụ án xong và quay trở về Việt Nam, tuy nhiên những năm tháng khi ở trong nhà tù tại Kenya là những ký ức không thể quên đối với họ.

Thông điệp “Đừng động đến loài voi”.
Thông điệp “Đừng động đến loài voi”.

Với lợi nhuận được đánh giá không thua gì buôn lậu vũ khí, ma túy và buôn bán người, vấn nạn buôn bán ĐVHD đang ngày càng diễn biến phức tạp. Việt Nam không chỉ bị coi là một quốc gia tiêu thụ ĐVHD mà còn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới trung chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia. Nhiều công dân Việt Nam đã bị bắt giữ trong và ngoài nước vì có liên quan đến loại hình tội phạm rất nghiêm trọng này. Nhiều bằng chứng cho thấy việc buôn bán ĐVHD hiện nay không chỉ tăng về quy mô mà cả số lượng. Chúng tôi may mắn “kiểm chứng” được thông tin đó từ “vườn thú” Kenya - nơi ĐVHD được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng cũng đang đứng trước các thách thức với loại tội phạm này. 

Vậy Kenya nỗ lực như thế nào để bảo vệ “vườn thú” của mình?

Trong hành trình của mình, tôi được gặp gỡ và trò chuyện với ông Paul Mbugua, người phát ngôn của Cơ quan bảo tồn thiên nhiên Kenya (Kenya Wildlife Service - KWS). Ông cho biết KWS là cơ quan trực thuộc chính phủ có chức năng quản lý và bảo tồn ĐVHD. Đây là cơ quan có trách nhiệm thực thi và đảm bảo thực thi Đạo luật quản lý và bảo tồn ĐVHD đã được phê chuẩn năm 2013. Pháp luật của Kenya đã có sự thay đổi cơ bản, trong đó đặc biệt là những hình thức xử phạt rất mạnh mẽ và nghiêm khắc với những đối tượng bị phát hiện phạm tội liên quan đến ĐVHD, đặc biệt nếu là các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, hình phạt có thể lên đến tù chung thân và số tiền phạt lên tới 20 triệu Shilling Kenya (tương đương khoảng 4,4 tỷ đồng). Những nhà làm luật Kenya tin rằng, với khung hình phạt nặng như vậy, những kẻ có ý định săn trộm ĐVHD sẽ phải chùn bước. Bên cạnh đó, họ cũng trao quyền cho các cộng đồng và xác lập vai trò của cộng đồng, họ chính là những người chủ thực sự trong việc bảo tồn ĐVHD.

Đất nước Kenya đang tập trung vào việc thay đổi nhận thức và thái độ đối với ĐVHD cũng như thúc đẩy để ngày càng có nhiều cộng đồng và cá nhân tham gia công tác bảo tồn. Đoàn phóng viên đã làm việc với Wildlife Direct (một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Kenya). Sứ mệnh của họ là đóng góp trong việc bảo vệ, bảo tồn các loài động vật hoang dã tại Kenya cũng như tại châu Phi. Wildlife Direct đã xây dựng nhiều chiến dịch bảo vệ ĐVHD, chẳng hạn chiến dịch Hands off our elephants (Đừng động đến loài voi) để thông tin và cảnh tỉnh người dân Kenya cũng như người dân trên toàn thế giới về những thách thức và mức độ sụt giảm nghiêm trọng của loài voi châu Phi. Ngoài ra họ cũng đang triển khai nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan chính phủ để tổ chức các buổi hội thảo hoặc các khóa đào tạo về bảo tồn cho cộng đồng.

Nhận định của bạn về vấn đề bảo vệ ĐVHD ở Việt Nam?

Tôi đồng tình với ý kiến của bà Hoàng Bích Thủy - Giám đốc chương trình Việt Nam thuộc Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), cho rằng “nguy cơ cao nhất đối với các loài ĐVHD chính là nạn buôn bán trái phép vì mục đích thương mại ở quy mô lớn. Ở góc độ cá nhân sử dụng sản phẩm ĐVHD để chữa bệnh chẳng hạn, chúng ta hãy tìm hiểu các loại thuốc thay thế khác, dễ tìm hơn, rẻ hơn, được khoa học công nhận và không vi phạm pháp luật”.

Các bạn có thể thấy, mặc dù các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ rõ sừng tê giác không có nhiều công dụng chữa bệnh như lời đồn thổi nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng trả giá cao, dùng thử và có thể không nhận được kết quả như mong đợi. Đó là chưa tính đến bản thân các loài ĐVHD hay sản phẩm của chúng trong quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến có thể đã bị nhiễm nhiều loại virus và bệnh, gây tác dụng ngược tới sức khỏe con người. Và tôi cho rằng, mỗi cá nhân chúng ta đều có thể góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan đến sự tuyệt chủng của nhiều loài hoang dã bằng cách thay đổi nhận thức và hành vi sử dụng sản phẩm từ chúng, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm và ưu tiên bảo vệ theo Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) hoặc các văn bản luật quốc gia.

Từ chuyến đi Kenya, chúng tôi thấy rằng các quốc gia đều có thể học hỏi về việc tôn trọng, sống hài hòa với thiên nhiên, các loài hoang dã và nâng cao vai trò tham gia của cộng đồng địa phương, đi kèm với hình phạt nghiêm khắc đối với những vi phạm. Từ ngày 1.1.2018, Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã bắt đầu có hiệu lực. Bộ luật này được kỳ vọng sẽ tạo nên những chuyển biến đáng kể, củng cố hành lang pháp lý nhằm bảo vệ tốt hơn các loài ĐVHD ở Việt Nam do đã điều chỉnh tăng mức hình phạt đối với các cá nhân hay tổ chức vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Cảm ơn Vĩnh Phú, chúc bạn tiếp tục gặt hái thành công và có thêm những chuyến đi thú vị!

HÀ QUANG