Gắp điểm bỏ tay người
Tuần qua, vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang được hâm nóng lại trên công luận, có ý kiến đề nghị truy xét tới cùng trách nhiệm của ngành giáo dục và quan chức địa phương có dính líu.
Ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang làm gì mà cho tới khi nhà báo hỏi mới “gọi điện thoại” yêu cầu kiểm điểm việc xảy ra đã qua cả năm? Ông cũng có con được nâng điểm mà vẫn quanh co để “dư luận phán xét”, lại nêu nghi ngờ ai đó chơi xấu lãnh đạo bằng cách nâng điểm cho con ông.
Với ngành giáo dục, một số người tham gia trực tiếp có chứng cứ đã bị bắt, còn người đứng đầu ngành ở địa phương và cả trung ương thì chỉ “nhận trách nhiệm ” rồi sao nữa? Liên quan đến vụ việc nêu trên, có đại biểu Quốc hội đã nói thẳng “không ai gắp điểm bỏ tay người”, và ngoài chuyện nhận trách nhiệm còn cần phải xử lý nghiêm minh.
Thực ra chuyện xử lý gian lận thi cử không khó. Ngay từ thời xa xưa đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm. Ví như triều vua Lê Thánh Tông, đã có quy định rất rõ việc xử lý sai phạm trong việc thi cử. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: “Tháng 7, mùa thu (1485). Định rõ lại sắc lệnh về việc thi khảo để miễn tuyển. Nhà vua lấy cớ rằng, năm trước, thi khảo học trò, người nào dự trúng sẽ được miễn tuyển, lúc ấy có nhiều người mang vụng trộm văn bài cũ hoặc nhờ người khác đi thi thay mình, thành ra số người dự trúng có đến hàng vạn, việc thi cử như thế rất là nhũng lạm, bèn ra sắc lệnh cho hai ty Thừa chính và Hiến sát các xứ: từ nay thi khảo học trò cần phải được người văn hay chữ tốt, sau khi đã lấy cho dự trúng rồi, đến khi phúc hạch lại, nếu còn có người nào không làm được bài để quyển giấy trắng, hoặc người nào làm bài không thành văn lý, thì viên quan đề điệu và giám thí niêm phong quyển lại tâu hặc về triều đình. Nếu xét thấy xứ nào có từ một người đến bốn, năm người phạm trường quy như thế, thì viên quan thừa chính và hiến sát xứ ấy sẽ phải luận vào tội biếm chức hoặc bãi chức, còn bản thân người phạm tội trường quy ấy sẽ phải tội đồ”.
Việc nghiêm trị kẻ gian lận thi cử định ra là vậy nhưng vua Lê Thánh Tông vẫn chưa yên tâm nên tiếp tục ở kỳ thi cấp cao hơn là thi hội tháng 4 năm 1499, vua dụ rằng: “Phép chọn lấy sĩ tử của quốc gia ta làm theo phép đời cổ, đã đầy đủ lại rõ ràng; nhưng phép lập lâu ngày, sau sinh ra tệ: kẻ thường tài được lạm tuyển, người thực học còn bị bỏ rơi, việc thủ xả phần nhiều không làm hài lòng bọn sĩ tử. Nếu phép thi cử không nghiêm, thì không làm thế nào ngăn ngừa được thói cầu may mà tuyển lấy nhân tài chân chính được”. Để phòng chuyện thi cử không nghiêm vua ban ra nhiều điều cấm, trong đó có điểm đặc biệt là “các quan chấm thi nếu viên nào có bà con thân thích dự thi, đều được hồi tị”. (Hồi tị là tránh đi, chuyển đi nơi khác).
Đến thời mạt Lê, dù có nhiều chuyện nhũng nhiễu nhưng với việc thi cử vẫn còn giữ quy định các quan đi coi thi “không được phép nói chuyện với thí sinh hay nhận quà biếu”… Còn “các ông tiến sĩ (đi chấm thi- NV) ở biệt lập với các huyện quan và trong một khoa thi hai bên không được giao tiếp với nhau. Các cửa đều có người canh và ai ra vào đều bị khám xét rất ngặt, cấm không được mang giấy má sách vở, ai trái lệnh sẽ bị nghiêm phạt và mất chức”(theo S.Baron, trong cuốn A Description of the Kingdom of Tonqueen).
Ngày nay, phương tiện phục vụ thi cử đã hiện đại nhưng ai dám chắc không còn gian lận nên vẫn cần pháp luật có chế tài xử lý. Chúng tôi e rằng nếu xử không rốt ráo vụ gian lận vừa kể như… “án lệ” thì khó răn đe sai phạm tương tự có thể diễn ra chuyện “gắp điểm bỏ tay người”, và “gắp lửa” cho dư luận bỏng rát.