Báo chí đồng hành với quê hương
Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Nhà báo tỉnh (1999 - 2019) và 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2019), sáng qua 5.6, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Báo chí Quảng Nam đồng hành cùng sự phát triển của quê hương” nhằm nhận diện rõ xu thế phát triển, những thách thức cần vượt qua để thay đổi, thích ứng với thời cuộc, trong khi vẫn làm tròn sứ mệnh của báo chí mà công chúng tin cậy, giao phó.
Lớn lên cùng quê hương
Báo cáo đề dẫn buổi tọa đàm, nhà báo Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cho biết, ngày mới thành lập (năm 1997), cả Báo Quảng Nam và Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh, mỗi đơn vị chỉ có vỏn vẹn 15 người. Cơ sở vật chất, trang thiết bị gần như là con số không.
Để xuất bản các sản phẩm báo chí, cả hai đều phải nhờ cậy sự hỗ trợ về thiết bị, máy móc của các đơn vị bạn ở Trung ương và Đà Nẵng. Hội Nhà báo tỉnh thành lập 2 năm sau đó (tháng 7.1999) cũng chỉ có 13 hội viên, sau đại hội (tháng 1.2000), hội cũng chưa có trụ sở, không biên chế và kinh phí hoạt động.
Sau hơn 22 năm tái lập tỉnh và 20 năm thành lập Hội Nhà báo tỉnh, báo chí và đội ngũ làm báo Quảng Nam đã có bước tiến dài, phát triển vượt bậc về nhiều mặt. Chỉ riêng nguồn nhân lực, theo thống kê, số lượng người làm việc trong các cơ quan báo chí và hệ thống truyền thanh, truyền hình, bản tin chuyên ngành của cả tỉnh hiện trên dưới 500 người; trong đó hơn 130 người được cấp Thẻ nhà báo, hơn 180 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong chặng đường vừa qua, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo của tỉnh đã luôn đồng hành với quá trình phát triển của quê hương, đóng góp đáng kể vào những thành tựu chung của tỉnh.
Đội ngũ những người làm báo và hội viên Hội Nhà báo tỉnh ngày càng trưởng thành về mọi mặt, thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và đời sống báo chí hiện đại. Đặc biệt, điều đáng quý là hơn 22 năm qua, không có phóng viên, biên tập viên, hội viên nào bị kỷ luật do vi phạm đạo đức người làm báo.
Nhà báo Mai Tư, Giám đốc Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh cho biết, đến nay đài đã phát triển nguồn nhân lực gần 120 người (trong đó có 79 đảng viên), có bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ được đạo đức người làm báo, chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng nhiệm vụ sản xuất, truyền dẫn và phát sóng các chương trình truyền hình.
Đài không chỉ kịp thời thông tin các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần thúc đẩy việc chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành trong tỉnh mà còn sớm có định hướng xây dựng một kênh phát thanh - truyền hình mang đậm bản sắc xứ Quảng.
Ngoài ra, đài hiện có trên 40 chuyên mục cộng tác của các sở, ngành và 18/18 huyện, thị xã, thành phố có trang truyền hình địa phương trên sóng đài tỉnh.
Nhiều trăn trở và thách thức
Theo nhà báo Lê Văn Nhi, sự chuyển đổi các giá trị xã hội và sự bùng nổ của “báo chí công dân” đang đặt không ít cơ quan báo chí và người làm báo vào những vòng xoáy lớn mà có lẽ khởi đầu từ chỗ báo chí hiện không còn giữ vị thế là người độc quyền đưa tin. Đây là nguồn cơn của những thay đổi trong đời sống báo chí, khiến xã hội ngày càng có những nhìn nhận, đánh giá khác về báo chí và người làm báo.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng về khoa học công nghệ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đã và đang đem lại quá nhiều tiện ích cho các nhà báo về công cụ, điều kiện thuận lợi để hành nghề. Nhưng mặt trái là ngày càng xuất hiện nhiều hơn các nhà báo “sa lon”, các “nhóm báo chí” chủ yếu tác nghiệp bằng bàn phím, những sản phẩm báo chí y hệt nhau xuất hiện đồng thời trên nhiều tờ báo.
“Lười biếng về tư duy, ngại lăn lộn ở cơ sở, “ăn xổi” về thông tin, hời hợt trong đánh giá, xác định bản chất sự kiện; thiếu cái nhìn nhân văn với cuộc sống, phải chăng đang là căn bệnh của báo chí hiện đại?” - nhà báo Lê Văn Nhi đặt vấn đề.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam cho rằng, môi trường tác nghiệp của báo chí hiện nay đặt ra nhiều thách thức cho tất cả loại hình báo chí. Những loại hình truyền thống (nhất là báo in, báo nói), luôn thường trực phải trả lời câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại?” khi người đọc giờ đây có phương tiện tiếp cận thông tin nhanh hơn, tiện ích hơn. Còn những loại hình báo chí mới (như báo mạng, tạp chí điện tử, báo chí đa phương tiện), lại phải cuốn vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với “báo chí công dân” trên mạng xã hội về cách thức đưa tin, tần suất đưa tin (24/24h), phương tiện đưa tin… Bên cạnh đó, thực trạng các nhà báo, tờ báo chính thống đang bị mạng xã hội và “báo chí công dân” “dắt mũi”, làm chậm chân trong việc định hướng dư luận.
Bên cạnh sự thay đổi, nâng cao chất lượng hoạt động từ phía cơ quan báo chí, lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh cho rằng, để báo chí của tỉnh làm tốt hơn vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương làm tốt việc cung cấp thông tin cho báo chí, góp phần hạn chế thông tin không chính xác gây ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển của Quảng Nam.
Báo chí Quảng Nam và câu chuyện quy hoạch
Tại buổi tọa đàm “Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của quê hương”, đại diện các tạp chí trong tỉnh đã trình bày tham luận về những đóng góp đối với sự phát triển, đồng thời bày tỏ những tâm tư, tình cảm và cả sự băn khoăn, trăn trở trước vấn đề quy hoạch, sắp xếp báo chí theo chủ trương “Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 1 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí”, như Quy hoạch báo chí phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 3.4.2019. Ông Võ Văn Thơ - Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, mục tiêu sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Đồng thời khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí. Nhà báo Võ Thị Thanh Vân - Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Quảng Nam nêu quan điểm: “Quảng Nam tuy không phải là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ nhưng lại là địa bàn trọng điểm về văn hóa - du lịch, tỉnh duy nhất sở hữu hai Di sản văn hóa thế giới là Hội An, Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, lại nằm cạnh đô thị lớn Đà Nẵng và một số trung tâm du lịch lớn của miền Trung như Huế, Quảng Bình... Một tạp chí chuyên ngành để phục vụ cho lĩnh vực văn hóa, du lịch không chỉ góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho thế hệ trẻ mà còn cho lực lượng lớn là du khách tham gia quảng bá, giới thiệu về văn hóa du lịch, rõ ràng là rất cần thiết”. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Hữu Sáng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, việc quy hoạch báo chí đối với Tạp chí Văn hóa Quảng Nam có khi là thách thức nhưng vừa là cơ hội lớn. Bởi nếu bảo vệ được quan điểm đối với Quảng Nam cần có một tạp chí chuyên ngành về văn hóa, thì thách thức lại trở thành cơ hội. Bởi nếu giữ được quan điểm này thì tạp chí sẽ trực thuộc UBND tỉnh thay vì thuộc Sở VH-TT&DL thì tầm vóc hoạt động và điều kiện sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, khi chưa có quy định mới thì tạp chí cần tiếp tục duy trì hoạt động ổn định. Trước những băn khoăn về quy hoạch báo chí, nhà báo Lê Văn Nhi cho rằng, Sở TT-TT cần sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành một kế hoạch cụ thể để định hướng việc tổ chức lại các cơ quan báo chí từ bộ máy đến sản phẩm báo chí cho đến mặt tài chính.