Bài học từ hệ sinh thái khởi nghiệp TP.Hồ Chí Minh
(QNO) - Được mệnh danh là địa phương năng động nhất Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh có nhiều ưu thế trong việc thu hút nhà đầu tư và ươm mầm những ý tưởng sáng tạo. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, đây là nơi hội tụ đầy đủ điều kiện để các startup hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Môi trường năng động
Vốn đam mê sáng tạo công nghệ, Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (SN 1996, quê ở tỉnh Phú Yên) khi còn học lớp 12 đã chế tạo thành công K-Bot WiFi Robot, còn được gọi là robot tin học lập trình điều khiển qua wifi. Sản phẩm này được trao giải nhất phần mềm sáng tạo khối THPT tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc diễn ra tháng 8.2013.
Sau đó, Khánh thi đậu vào Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh. Tại đây, anh bắt đầu hình thành ý tưởng khởi nghiệp chế tạo ra thiết bị công nghệ phục vụ đời sống; đồng thời được vào làm việc tại Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ - Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (ITP). Sau 2 năm nghiên cứu, Khánh và đồng sự cho ra mắt sản phẩm iNut.
“iNut ban đầu có tên là iNút, tức là “Nút trí tuệ” có kết nối internet. Ý tưởng xuất phát từ việc số hóa các thiết bị trong nhà trở nên thông minh hơn. Sản phẩm iNut hiện tại ứng dụng rộng rãi với quy mô lớn trong ngành nông nghiệp thông minh như nuôi yến và trồng nấm. Cụ thể với iNut, nhà sản xuất có thể điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng ngay trên chiếc điện thoại thông minh. Hiện tại hơn 600 sản phẩm iNut đã được bán ra thị trường” - anh Khánh chia sẻ.
Theo ông Lê Nhật Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, câu chuyện khởi nghiệp của Khánh chỉ được nhiều người biết khi sản phẩm đã tung ra thị trường. Còn trước đó, những khó khăn, thử thách mà Khánh gặp phải, đều có sự đồng hành, giúp đỡ của thầy cô, cán bộ Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và ITP. Và Khánh chỉ là một trong rất nhiều sinh viên của đơn vị khởi nghiệp trong lúc còn đang học.
“Thế mạnh của ITP là được nằm trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và có được nhiều nguồn nhân lực từ đây. Những startup chất lượng xuất hiện; đồng thời có những thầy cô năng lực chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu của các startup. Ngoài ra, ITP còn liên kết với những đầu mối hỗ trợ khởi nghiệp khác, các startup cần gì thì mình sẽ hỗ trợ. Ví dụ, họ cần thành lập công ty hoặc kêu gọi nhà đầu tư thì mình sẽ kết nối giúp họ” - ông Quang nói.
Tận dụng điều kiện, thế mạnh ở mỗi tỉnh thành
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.Hồ Chí Minh (BSSC), TP.Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều thế mạnh để hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Đầu tiên là nơi đây có rất nhiều trường đại học, thanh niên ở những tỉnh thành có tâm lý hướng ngoại thường chọn nơi đây để học tập và làm việc. Chính vì thu hút nhiều bạn trẻ muốn lập nghiệp, khởi nghiệp nên tâm lý thị trường ở đây cũng rất cởi mở và sẵn sàng chấp nhận cái mới. Vì vậy, nơi đây là môi trường tốt để các startup lựa chọn phát triển.
Thứ hai, chính vì môi trường như vậy nên các nhà đầu tư, quỹ đầu tư rót vốn vào TP.Hồ Chí Minh cũng nhiều hơn. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nơi đây cũng có nhiều cơ chế đặc thù hơn so với các tỉnh thành khác trên cả nước, do đây là lò đào tạo nên sẽ có những chính sách được ưu tiên, được thí điểm để khuyến khích, tạo hành lang.
Đặc biệt, các trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh tập trung nhiều giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, nhà nghiên cứu. Và kể cả truyền thông báo chí tập trung cho lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại đây cũng thu hút được bạn đọc nhiều hơn. Điều quan trọng nhất, trong khối hệ sinh thái khởi nghiệp năng động này còn có rất nhiều hệ sinh thái khởi nghiệp vừa và nhỏ khác như BSSC, ITP, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-TC) hay Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao...
Cũng theo bà Hằng, nói như vậy, không phải khẳng định rằng TP.Hồ Chí Minh là nơi duy nhất ở Việt Nam có thể giúp đỡ cho các startup khởi nghiệp, mà ở những tỉnh thành khác như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... vẫn có thể lựa chọn hướng đi khác cho hệ sinh thái khởi nghiệp của từng địa phương. Bỏ qua những điểm mạnh như môi trường sống, thị trường năng động thì ở các tỉnh thành này hoàn toàn vẫn có thể học hỏi, tranh thủ tận dụng những điều kiện khác như cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tại địa phương, tổ chức các diễn đàn kêu gọi nhà đầu tư, kêu gọi chuyên gia về tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Thay vì câu chuyện phải nghĩ đến khởi nghiệp với công nghệ cao thì tôi nghĩ, các tỉnh thành như Quảng Nam có thể tự xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho địa phương mình bằng những điều kiện, thế mạnh mà TP.Hồ Chí Minh không có được. Ví dụ, khuyến khích hỗ trợ những mô hình khởi nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao nhờ tận dụng điều kiện đồng bằng rộng lớn, khởi nghiệp những mô hình du lịch thông minh tại những địa điểm, di tích nổi tiếng như Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm - điều mà xã hội đang cần. Tuy nhiên, các cấp chính quyền, cũng như những đầu mối hỗ trợ khởi nghiệp ở địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa, thúc đẩy các startup quyết liệt hơn thì hệ sinh thái khởi nghiệp mới có thể phát triển bền vững” - bà Hằng nói.