Sắp xếp thôn ở Tây Giang: Hợp truyền thống, được lòng dân

ĐÌNH HIỆP 02/04/2019 13:25

Những ngày cuối tháng 3, nhân dân huyện Tây Giang sôi nổi tổ chức lễ thành lập và đặt tên cho thôn mới.

Cán bộ nhân dân thôn Pứt và Apool (xã Ga Ry) dự lễ sáp nhập thôn mới. Ảnh: ĐÌNH HIỆP
Cán bộ nhân dân thôn Pứt và Apool (xã Ga Ry) dự lễ sáp nhập thôn mới. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Triển khai thuận lợi

Phòng Nội vụ huyện Tây Giang cho biết, thực hiện đề án sắp xếp thôn đã được phê duyệt, toàn huyện có 70 thôn và 20 thôn tự quản được sắp xếp còn 63 thôn. Đến hết tháng 3 đã có 9 thôn làm lễ công bố quyết định sắp xếp thành lập thôn mới gồm: Cr’toonh, L’gôm (xã A Vương), Axur (xã Dang), Aró, Nal (xã Lăng), Ariing, Ki’nonh (xã A Xan), Pứt (xã Ga Ry) và Cha’lăng (xã Ch’Ơm). Có 8 thôn tự quản sáp nhập vào thôn chính hoặc thành lập thôn mới; 11 thôn thực hiện việc đổi tên, gồm: Xa’ơi, Ga’lâu, Bhlố (xã A Vương), Axoo, Anonh (xã A Nông), Arâng, Ga’nil, T’râm (xã A Xan), Da’ding (xã GaRy), H’juh, Dhung (xã Ch’Ơm).

Ông Hồ Văn Tịnh - Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Tây Giang cho biết, về nhân sự các chức danh ở những thôn thực hiện việc công bố sáp nhập, sắp xếp cơ bản đảm bảo theo quy định. Huyện đã chỉ đạo cho các địa phương thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị 30 của Tỉnh ủy, trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại thôn phải gắn với sắp xếp bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ, uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm để  hoạt động hiệu quả, hợp nhất chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Các chế hỗ trợ cho các cán bộ thôn thôi việc cũng triển khai kịp thời “hợp lý, hợp tình” nhằm động viên, ghi nhận những đóng góp của họ đối với địa phương trong những năm qua. Cũng theo ông Tịnh, trước đó các thủ tục, quy trình sát nhập đã được hướng dẫn rất cụ thể đến từng thôn; công tác tuyên truyền, vận động cũng được triển khai thường xuyên. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy còn cử các đồng chí ủy viên về các thôn dự lễ công bố thành lập thôn mới và chỉ đạo hướng dẫn cụ thể từng khâu thực hiện quy trình, không để xảy ra sai sót… Việc sắp xếp thành lập thôn mới ở Tây Giang diễn ra thuận lợi. Kết quả này là do địa phương triển khai phù hợp nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Hợp truyền thống, được lòng dân

“Sau sắp xếp, bộ máy ở cơ sở đã bớt cồng kềnh, giảm phần nào gánh nặng ngân sách Nhà nước. Chúng tôi hy vọng khi thôn mới đông dân hơn, các hoạt động kinh tế, xã hội sẽ sôi nổi, phong phú, hiệu quả hơn. Nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình công cộng, dân sinh cũng sẽ tập trung hơn. Từ đó, đời sống văn hóa, tinh thần người dân sẽ ngày càng khởi sắc hơn”. (Ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang)

Dự lễ công báo sắp xếp, sáp nhập thôn Bhalừa vào thôn Nal (xã Lăng), già làng Bríu Roon rất vui. Già Roon bảo, Nal và Bhalừa là 2 thôn có truyền thống xa xưa, phần lớn cư dân là người Cơ Tu định cư từ lâu đời. Họ sống yêu thương, đùm bọc với nhau. Bây giờ hai thôn nhập thành một thì càng vui hơn, phù hợp với truyền thống, đồng điệu nếp sinh hoạt văn hóa. “Ngày xưa người Cơ Tu có tục Rơving (đoàn kết). Nhân dân trong thôn đoàn kết nhau, hay thôn này đoàn kết với thôn khác để chống lại thiên tai, địch họa, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Chủ trương của Đảng sáp nhập thôn để tinh gọn bộ máy nhà nước cũng là cách làm hay để củng cố thêm tình đoàn kết, cùng nhau xây dựng nông thôn mới, thôn nông thôn kiểu mẫu” -  già Roon nói.

Ông Bhling Hùng - Chủ tịch UBND xã Lăng cho biết, xã đã hoàn thành công tác sắp xếp 4 thôn để thành lập 2 thôn mới. Như vậy, sau khi sáp nhập thôn, xã Lăng còn 5 thôn, giảm được 2 thôn. Ông Hùng chia sẻ, việc sáp nhập này không làm thay đổi địa giới đơn vị hành chính cấp xã. Các thôn trong diện sáp nhập có vị trí liền kề nhau, địa hình không bị chia cắt phức tạp, nên thuận tiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của nhân dân. Đặc biệt các phong tục, tập quán sinh hoạt cộng đồng bao đời nay không bị ảnh hưởng.

Cũng như xã Lăng, đến nay 3 xã vùng cao (Ga Ry, A Xan, Ch’Ơm) cũng đã hoàn thành việc sáp nhập thôn theo thời hạn được giao. Ông  Pơloong Năng - Bí thư Đảng ủy xã Ch’Ơm cho hay, là xã xa xôi nhất huyện, địa bàn rộng và bị chia cắt nên công tác sắp xếp sáp nhập thôn của địa phương đôi lúc gặp khăn, có điều còn lúng túng, nhất là về nhân sự.  “Khi cơ cấu nhân sự bầu làm trưởng thôn, dù họ chưa phải là đảng viên nhưng chúng tôi nhận thấy là người trẻ tuổi có trình độ, năng lực, lý lịch tốt nên vẫn ưu tiên, sau này đủ điều kiện chính trị sẽ tiếp tục bầu vào chức danh Phó Bí thư chi bộ. Ngoài 2 thôn trên, nhìn chung nhân sự tại các thôn sau sắp xếp cơ bản đảm bảo theo quy định”.

ĐÌNH HIỆP

ĐÌNH HIỆP