Biết đủ là đủ!
Một người đàn ông làm bảo vệ cho quán cà phê ở Sài Gòn bị đối tượng xấu dàn cảnh, lấy mất chiếc xe của khách, ông không có tiền đền. Tai ương trong cơn bĩ cực của ông được truyền đi và sau đó, cộng đồng mạng đã gom góp giúp đỡ. Ông đủ tiền đền xe cho khách. Số còn dư ông đem tặng lại cho các em nhỏ mồ côi, tịnh xá, nhà tình thương và chỉ giữ lại một ít. Sau, có người đến giúp đỡ tiếp, ông bảo ông đủ rồi, nên giúp cho những trường hợp khó khăn hơn. Theo một tờ báo mô tả, hoàn cảnh của ông: ông làm bảo vệ, vợ bán vé số, nuôi 1 con bị trầm cảm và 2 cháu ngoại.
Cái chữ “đủ” của người đàn ông ấy, thật đáng nể. Nó khiến tôi thấm thía chuyện biết đủ là đủ. Thuở mới lớn, đọc kinh sách Phật, thấy dạy “tri túc” (biết đủ) đã muốn tu tập và bây giờ vẫn phải tu tập mỗi ngày, bởi nói thì dễ nhưng làm quả gian nan. Tham - sân - si luôn dễ kéo con người ta lưu vong trên chính bản thể của mình. Người ta tham thêm một chút gì, chẳng rõ, hệ lụy là những chuyến xe oan nghiệt vẫn “giết người hàng loạt”? (tự đau đớn hỏi, người trong đoàn đưa tang ở Vĩnh Phúc, đoàn người đi bộ ở Hải Dương chết một cách oan ức, làm sao để chấm dứt trong tương lai?). Người ta tham thêm nhiều chút gì, mà tai tiếng vấy bẩn chốn thiền môn? Người ta tham thêm chút gì, mà vướng vòng lao lý, để lại nhiều khoảng trống nghi ngờ và mất lòng tin của dân? Há chẳng phải họ không biết đủ hay cây roi pháp quyền không đủ điều chỉnh tới những góc khuất đó?
Xưa, nhớ thuở mới mò mẫm học đàn, thầy dạy bảo tôi, dây chùng quá không thành tiếng, căng quá thì đứt, căng vừa phải mới có được thanh âm mình muốn. So dây thành ra là bài học khó nhất với kẻ tập tành chơi đàn là tôi. Nó tương tự bài học “thiểu dục - tri túc” mà một người bạn trụ trì ngôi chùa ở Huế thường chia sẻ với tôi. Làm sao đừng đẩy mình vào chốn cực đoan, quá lạc đường vào một thái cực? Tin tức mỗi ngày cứ đầy ra đó, không đọc thì lạc điệu, mà đọc thì làm sao để tự tiếp năng lượng tiêu cực hay tích cực mỗi ngày? Tương tác trên mạng xã hội cũng có kiểu tích hợp số học rất vi diệu, bạn quan tâm thông tin gì nhiều, thì khoảng trời của bạn đầy và gần như chỉ những thứ xoay quanh đó. Chính trị. Thời trang. Sắc dục. Mua bán. Học hành… Bạn cần gì thì sẽ có “trường rủ rê” bạn ở đó. Tri túc sẽ bớt khổ, thanh thản, an lạc. Làm sao đủ tri túc để dừng lại? Bởi tri túc cũng như hạnh phúc, mỗi người có một khái niệm khác nhau, nên đủ của người này chưa chắc là đủ của người khác.
Trở lại với câu chuyện người đàn ông ở Sài Gòn. Chuyện nhỏ thôi nhưng khiến tôi hàm ơn, vì sực nhớ câu này của Rabindranath Tagore: Để những ai nhìn đời toàn gai góc/ Còn cơ may trông thấy được hoa hồng. Cách cho của những người không quen biết với ông đã tiếp thêm năng lượng tích cực cho tôi mỗi ngày. Chuyện ông nhân lên tình yêu thương ở đời, bằng cách tiếp tục cho đi có sức lay động hơn cả trăm trang sách dạy làm người tử tế. Nó đâu hẳn là bởi ít hay nhiều tri thức mà có được.
C.B.L