Khu dân cư không có hộ nghèo, nhìn từ Điện Ngọc

KHÁNH LINH 22/03/2019 02:12

(QNO) - Chỉ trong thời gian ngắn, số hộ nghèo ở phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn giảm đáng kể. Có được kết quả này, ngoài nỗ lực của người dân phải kể đến sự đồng bộ nhiều giải pháp của các đoàn thể, chính quyền địa phương.

Chị Lê Thị Uyên đã thoát nghèo
Gia đình chị Lê Thị Uyên (khối phố Ngân Hà) thoát nghèo đầu năm 2019. Ảnh: K.L

Đăng ký thoát nghèo

Đầu năm nay, chị Lê Thị Uyên (khối phố Ngân Hà) chính thức thoát nghèo. Nhìn lại khoảng thời gian hơn 10 năm kể từ khi chồng qua đời, một mình bươn chải nuôi 3 con nhỏ ăn học cùng người em chồng bị bệnh tâm thần, chị càng thấy quý giá những hỗ trợ thiết thực mà phường Điện Ngọc dành cho gia đình mình. Đặc biệt, năm 2017 các đoàn thể của phường đã hỗ trợ chị hơn 50 triệu đồng để sửa lại căn nhà đang ở, càng giúp chị yên tâm với cuộc sống.

“Tôi làm gần 1 mẫu ruộng, lúc rảnh rỗi thì đi đãi hến thuê cho người ta, sau đó nhận hến mang đến chợ Thanh Quýt bán, tối về tranh thủ công việc sửa áo quần, bình quân mỗi ngày kiếm 100 - 200 nghìn đồng. Cạnh đó, được sự quan tâm của các cấp ngành địa phương nên tôi cũng yên tâm, có thêm nghị lực để nuôi 3 đứa con học hành nên người” - chị Uyên nói.

Từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau gia đình bà Nguyễn Thị Tín đã có ngôi nhà mới khang trang
Từ nhiều nguồn hỗ trợ, gia đình bà Nguyễn Thị Tín có được ngôi nhà mới khang trang. Ảnh: K.L

Theo ông Trần Duy Năm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Điện Ngọc, để có nguồn kinh phí thực hiện giảm nghèo, Mặt trận xã đã phối hợp với UBND phường cùng các hội đoàn thể vận động nguồn xã hội hóa. Riêng năm 2018, Quỹ vì người nghèo của phường đã huy động được gần 68 triệu đồng; vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ 360 triệu đồng tiền mặt, xây mới 5 nhà đại đoàn kết và trao phương tiện sinh kế với tổng số tiền 280 triệu đồng; vận động hỗ trợ 13 ngôi nhà chống lũ với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng.

Hiện tại, 2 đứa con lớn của chị Uyên đang học đại học tại TP.Huế (năm 1 và năm 3); ngoài thời gian lên lớp, 2 em còn làm thêm nên chị cũng đỡ lo phần nào. Đầu năm nay chị Uyên đã mạnh dạn làm đơn xin thoát nghèo, mà nói như chị là “mình nghèo nhiều quá rồi nên phải xin thoát nghèo để cố gắng thử sức mình”.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tín (khối phố Hà Dừa) cũng đăng ký thoát nghèo từ năm 2018. Có chồng và mẹ chồng bị tật nguyền, nhiều năm qua nhờ sự động viên, hỗ trợ của các đoàn thể, cuộc sống gia đình bà đã dần ổn định. “Trước đây khi 3 đứa con còn nhỏ, ngoài ruộng vườn thì nguồn thu của gia đình trông chờ vào mấy con bò, vài tháng bán 1 con xem như của để dành. Bây giờ con trai lớn đã đi làm nên có thêm tiền gánh vác chi tiêu trong gia đình” - bà Tín nói.

Ngoài các chính sách dành cho người nghèo như hỗ trợ vay vốn sản xuất chăn nuôi, tặng quà vào những dịp lễ tết, miễn giảm học phí cho con em…, việc tạo sinh kế làm ăn cũng được phường Điện Ngọc quan tâm tích cực. Phường có 13 khối phố, 5.146 hộ với 20.113 nhân khẩu. Nếu như năm 2016 có 73 hộ nghèo và 151 hộ cận nghèo, thì đến cuối 2018 số hộ nghèo chỉ còn 7 hộ (chủ yếu là hoàn cảnh neo đơn, tật nguyền) và 55 hộ cận nghèo. Phấn đấu hết năm 2019 phường không còn hộ nghèo.

Đồng hành cùng người nghèo

Ông Trần Duy Nghĩa - Bí thư Đảng ủy phường Điện Ngọc cho biết, đầu năm 2019, Ban Chấp hành Đảng bộ phường đã xây dựng nghị quyết, đề ra cụ thể chỉ tiêu giảm hộ nghèo. Đồng thời giao khối Dân vận phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, các đoàn thể chính trị - xã hội, chi ủy, ban nhân dân các khối phố tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân toàn phường chung tay xây dựng mô hình “Khu dân cư không còn hộ nghèo”.

“Từ đầu năm chúng tôi đã chỉ đạo các đoàn thể xây dựng kế hoạch, tiến hành khảo sát, đánh giá lại hiện trạng các hộ nghèo, tìm nguyên nhân vì sao nghèo? Từ đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hộ nghèo để có cơ sở hướng dẫn, giúp đỡ thoát nghèo” - ông Nghĩa nói.

Trao phương tiện sinh kế cho người dân thoát nghèo
Trao phương tiện sinh kế cho người dân thoát nghèo. Ảnh: K.L

Để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Khu dân cư không còn hộ nghèo”, phường Điện Ngọc chọn khối phố Ngân Câu làm điểm. Qua khảo sát, đánh giá mức độ nghèo, gặp mặt trao đổi nguyện vọng thoát nghèo bền vững của từng hộ, phường đã hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà cửa, xây nhà mới đối với một số hộ chưa có nhà ở ổn định.

Đồng thời trao phương tiện sinh kế, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những trường hợp bị tai nạn, đau ốm giảm khả năng lao động nặng đi học nghề miễn phí. Hay mua bảo hiểm y tế cho các trường hợp thường xuyên đau ốm; tặng xe đạp, xe máy cho học sinh, sinh viên; nộp học phí cho con em thuộc diện gia đình khó khăn đột xuất…

Phát huy sự nỗ lực của người dân thông qua các mô hình sản xuất chăn nuôi để thoát nghèo
Phường Điện Ngọc chăm lo hỗ trợ người dân phát triển các mô hình chăn nuôi để thoát nghèo. Ảnh: K.L

Cách làm trên khiến cộng đồng dân cư hưởng ứng rất tích cực, những hộ nghèo không còn lo lắng về nơi ở; ngược lại có phương tiện lao động, có thu nhập, làm ăn hiệu quả, đời sống từng bước được nâng cao, vươn lên thoát nghèo. Từ thành công của khối phố Ngân Hà, mô hình bắt đầu lan tỏa ra toàn phường.

Theo ông Trần Duy Năm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Điện Ngọc, một thành công của việc triển khai mô hình “Khu dân cư không còn hộ nghèo” đó chính là cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã nâng cao trách nhiệm, có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. “Đặc biệt là sự quyết tâm vào cuộc của từng khối phố trên địa bàn để đồng hành với hộ nghèo. Từ đó có những giải pháp, phương án giúp đỡ cụ thể, nhất là động viên khả năng tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân, loại bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chính sách nhà nước” - ông Năm nói.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH