Thêm hy vọng về điều trị bệnh AIDS

NAM VIỆT 08/03/2019 09:12

(QNO) - Một bệnh nhân người Anh trở thành người thứ hai trên thế giới được chữa khỏi AIDS là sự kiện y học được chú ý nhất trong những ngày gần đây.

Ông Timothy Brown, bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi bệnh AIDS sau 12 năm, giờ vẫn sống khỏe mạnh và tận hưởng cuộc sống bằng những chuyến du lịch đầy thú vị. Ảnh: Richard/NPR
Ông Timothy Brown - bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được chữa khỏi bệnh AIDS sau 12 năm, giờ vẫn sống khỏe mạnh và tận hưởng cuộc sống bằng những chuyến du lịch. Ảnh: Richard/NPR

Vậy là sau 12 năm, thế giới có thêm một bệnh nhân được điều trị khỏi AIDS sau khi bệnh nhân này được ghép tủy xương từ một người hiến tặng miễn dịch với HIV.

Thông tin trên được đăng tải trên Nature - một trong những tạp chí khoa học lớn nhất thế giới. Theo đó, bệnh nhân may mắn trên ở London, Anh được phát hiện dương tính HIV vào năm 2003.

Sau gần 3 năm được cấy các tế bào gốc tủy xương từ một người hiến tặng có đột biến gien CCR5 miễn dịch với HIV, và sau hơn 18 tháng kể từ khi bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc điều trị chống HIV, các xét nghiệm có độ nhạy cảm cao vẫn cho thấy không có dấu vết nào của việc nhiễm HIV ở bệnh nhân người Anh trên.

Trước đó vào năm 2007, một bệnh nhân người Mỹ - Timothy Brown phát hiện bị nhiễm HIV từ năm 1995 , được gọi là bệnh nhân Berlin do ông được điều trị khỏi HIV/AIDS tại Berlin, Đức. Sau đó, ông Timothy Brown chuyển về Mỹ, sống khỏe và không còn dương tính với HIV cho đến nay. Ông Timothy Brown rất vui khi biết người thứ hai được điều trị khỏi căn bệnh thế kỷ này cũng bằng chính phương pháp cấy ghép tủy xương tương tự như ông.

Theo giáo sư Gupta - hiện giảng dạy tại Đại học Cambridge, chữa trị cho bệnh nhân ở London khi ông đang làm việc tại Đại học College London cho biết, đến năm 2012, bệnh nhân này tiếp tục bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu Hodgkin’s Lymphoma. Năm 2016, khi căn bệnh ung thư trở nên nghiêm trọng, các bác sĩ đã quyết định tiến hành cấy ghép tủy xương cho ông. Người hiến tặng tủy xương không phải họ hàng của bệnh nhân và chứa đột biến gen có khả năng kháng HIV. Điều mà hai trường hợp ở Berlin và London có điểm chung là cả hai bệnh nhân đều được cấy ghép tủy xương để giúp điều trị ung thư.

Ngay khi thông tin vừa đăng tải, Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế về AIDS - Anton Pozniak tuyên bố: “Mặc dù đây không phải là một chiến lược chữa trị có thể làm được ở quy mô lớn nhưng nó cũng cho thấy một khoảnh khắc quan trọng. Hy vọng là ở chỗ, điều này cuối cùng sẽ dẫn tới một chiến lược an toàn, ít tốn kém và dễ dàng… bằng việc sử dụng công nghệ gen hoặc các phương pháp kháng thể”.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 37 triệu người trên toàn thế giới đang bị nhiễm HIV và dịch bệnh AIDS đã giết chết khoảng 35 triệu người trên toàn cầu kể từ khi nó xuất hiện vào thập niên 1980.

Đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi là điều trị đặc hiệu bởi vì điều trị bằng ARV, HIV không còn là “án tử” mặc dù bệnh nhân vẫn mang vi rút HIV trong cơ thể nên cần được điều trị ARV cả đời. Tuy nhiên, chỉ có hơn 50% trong tổng số 37 triệu người nhiễm HIV hiện nay được tiếp cận với ARV và việc điều trị căn bệnh thế kỷ này vẫn còn rất nhiều thách thức.

Giám đốc điều hành Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) - Michel Sidib cho biết, bước đột phá về điều trị AIDS vừa đăng trên Nature tuy phức tạp và còn nhiều việc phải làm, nhưng nó tạo cho chúng ta hy vọng về một tương lai có thể chấm dứt đại dịch AIDS bằng khoa học, thông qua vắc xin hay điều trị.

NAM VIỆT

NAM VIỆT