Mùa xuân theo chân người nghệ sĩ

ĐẶNG TRƯƠNG 27/02/2019 16:29

Mùa xuân, tôi theo chân anh chị em nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn ca kịch Quảng Nam về các làng quê biểu diễn. Một cảm giác thật ấm cúng khi cùng hàng trăm người dân thả lòng theo câu hò điệu lý của xứ sở. Ký ức về một thời sân bãi với cải lương, hát bội, bài chòi chợt hiện về như mới đâu đây…

Chờ sân khấu giữa trời

Khi tiếng loa phát thanh vang lên giọng rao đầy mời gọi của người phụ trách văn hóa xã cũng là lúc những khán giả nhiệt tình đầu tiên với chiếc đèn pin trên tay hối hả đi về phía sân khấu được dựng lộ thiên giữa mênh mông đồng bãi Điện Hòa (Điện Bàn). Người dân vùng quê Điện Hòa rất yêu thích ca kịch bài chòi, bởi loại hình âm nhạc này đã gợi lại trong tâm khảm họ biết bao kỷ niệm về những ngày xa xưa trong những đêm trăng sáng nơi bến sông hay đình làng cùng nhau hò khoan đối đáp. Rồi những năm chống Pháp, chống Mỹ những điệu lý, câu hò luôn là nguồn động viên, khích lệ người người hăng hái giữ làng, giữ đất... Bà Nguyễn Thị Lợi không giấu được niềm vui khi bảo rằng: “Ở đây ai cũng mong chờ các nghệ sĩ của Đoàn ca kịch Quảng Nam về biểu diễn. Những người lớn tuổi như tôi chỉ yêu thích dân ca bài chòi chứ còn nhạc trẻ chừ nghe xa lạ quá...”.   

Không riêng gì những người lớn tuổi mà lớp trẻ ở Điện Hòa hay Điện Nam Đông (Điện Bàn) và nhiều miền quê xứ Quảng - những nơi mà các nghệ sĩ đoàn ca kịch Quảng Nam “du xuân” cũng hồ hởi với chương trình ca kịch bài chòi. Những câu dân ca xứ Quảng bắt đầu thấm vào tâm hồn các em qua lời ru của bà, của mẹ, của chị… Đó như sợi dây vô hình kết nối các em chung tay, góp sức cùng thế hệ đi trước giữ lửa cho âm nhạc truyền thống của quê hương.  

Có dịp theo anh chị em nghệ sĩ - diễn viên Đoàn ca kịch Quảng Nam về các vùng quê biểu diễn phục vụ nhân dân, mới thấy trân trọng và khâm phục sự tận tâm và tình yêu nghề nơi họ. Năm nào cũng vậy, giữa lúc mọi người, mọi nhà đang sum vầy với tết cổ truyền của dân tộc thì cũng là thời điểm mà anh chị em nghệ sĩ phải tất bật với lịch biểu diễn. Từ các địa phương vùng ven trung tâm tỉnh lỵ như Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành cho đến các điểm diễn xa xôi như xã đảo Cù Lao Chàm hay các xã miền núi... Năm nay cũng vậy, bắt đầu từ mùng 4 Tết Kỷ Hợi, các nghệ sĩ ca kịch lại tất bật cho hành trình biểu diễn với hơn 20 suất đã được “đặt hàng” suốt giêng hai.

Vậy mà khi trò chuyện với chúng tôi trong lúc bận bịu chuẩn bị mọi thứ cho đêm diễn, nụ cười vẫn nở trên môi anh chị em nghệ sĩ. “Mình cũng ở quê ra nên thấu hiểu tình cảm người dân quê mình, yêu mến dân ca bài chòi và luôn chờ đợi có đoàn về biểu diễn. Mỗi lần đứng trên sân khấu giữa trời đêm nhìn hàng trăm con người đang đổ ánh nhìn về mình, nhìn những nụ cười, những giọt nước mắt lăn theo câu hát với số phận nhân vật... là lòng cảm thấy tràn ngập niềm vui và tự hào được truyền cảm hứng về tình yêu với âm nhạc truyền thống” - nghệ sĩ trẻ Ngọc Uyên bộc bạch. Nghệ sĩ Văn Thìn nói thêm: “Thật hạnh phúc khi thấy bà con vẫn còn quyến luyến với ca kịch. Nhiều khi diễn xong, anh em trong đoàn còn được kéo lại để chúc mừng. Niềm vui ấy không gì sánh được. Vất vả nhưng vui lắm”.         

“Trái tim đàn bà”

Đến với nhiều vùng quê xứ Quảng những ngày giêng hai, Đoàn ca kịch Quảng Nam biểu diễn những vở mới như “Ký ức lửa”, “Chuyện tình trong vương phủ”, “Nỗi đau tình mẹ” và đặc biệt là vở diễn mới vừa được dàn dựng để chào đón mùa xuân này: “Trái tim đàn bà”. Từ bộ tiểu thuyết “Bão ngầm” của tác giả Đào Trung Hiếu trong ngành công an, nhà văn Chu Lai đã chuyển thể sang kịch nói sân khấu và Đoàn ca kịch Quảng Nam đã chọn lựa để chuyển thể sang ca kịch bài chòi. Vở diễn trước mắt nhằm phục vụ đông đảo bà con nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng và sau đó là tham gia Liên hoan Sân khấu tuồng - dân ca chuyên nghiệp toàn quốc 2019. Đạo diễn Triệu Trung Kiên khẳng định: “Tuy đề tài nóng, nhưng chúng tôi hy vọng sân khấu ca kịch với các làn điệu dân ca bài chòi xứ Quảng sẽ khiến cho “Trái tim đàn bà” trở nên đáng xem trong mùa xuân này”. 

Để thể hiện được thành công các nhân vật trong vở diễn, các nghệ sĩ trẻ của Đoàn ca kịch Quảng Nam đã phải dày công tìm hiểu về các các nhân vật mà mình đảm nhận vai diễn, nhất là những vai cán bộ chiến sĩ ngành công an. Bởi đây là lần đầu tiên Đoàn ca kịch Quảng Nam dàn dựng vở diễn liên quan trực tiếp đến công việc của ngành này và về một đề tài rất nóng. Về âm nhạc trong vở diễn, nhạc sĩ Trọng Đài đã dày công sáng tác phần âm nhạc có sự kết hợp giữa dân gian và hiện đại, trong đó chú trọng khai thác chất liệu âm nhạc truyền thống xứ Quảng. Cùng với đó, hệ thống các làn điệu dân ca Quảng Nam được đưa vào vở diễn rất phong phú đã tạo nên sự hấp dẫn cho vở diễn này. Với một đề tài đương đại, dàn diễn viên trẻ, có năng lực diễn xuất và chất liệu âm nhạc phong phú, “Trái tim đàn bà” đã đem đến cho công chúng Quảng Nam một món ăn tinh thần lý thú, đồng thời hứa hẹn gặt hái thành công trong liên hoan chuyên nghiệp trong năm nay.

Lại một mùa xuân nữa Đoàn ca kịch Quảng Nam “kín lịch” biểu diễn.

ĐẶNG TRƯƠNG