Người sống tròn thế kỷ
Chiều xuân gió se mát, tôi đến thăm cụ Phạm Minh (thường gọi Phạm Hồng) ở thôn An Mỹ 2, xã Tam An (Phú Ninh). Tuổi đã tròn 100 nhưng cụ vẫn khỏe, vui vẻ nói cười cùng con cháu trong buổi gặp mặt đầu năm.
Cụ Hồng xuất thân trong một gia đình bần nông, có 5 anh chị em. Là con trưởng, tuổi thơ ông cực khổ trăm chiều. Đến tuổi trưởng thành, ông lấy vợ, sinh con nhưng vẫn phải lo bảo bọc các em. Rồi kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, ông làm trong Ban cứu thương, tổ chức cứu thương, tải thương ở nhiều nơi vô cùng vất vả nhưng ông vẫn cùng anh em làm tròn nhiệm vụ được giao. Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại đình Phú Trạch. Lúc đó ông Võ Bá làm Bí thư chi bộ, tuyên bố kết nạp - ông cho biết. Thêm gánh nặng trọng trách trên vai, ông cùng anh em dân công tham gia những chuyến tải thương xa nhà hàng tháng trời với bao gian khổ, đói khát nhưng lòng yêu nước, ý chí chống quân thù chẳng hề sút giảm trong ông.
Năm 1954, ông được phân công ở lại hoạt động hợp pháp nhưng vì nhiều lý do khách quan ông không thể gầy dựng được phong trào nên ẩn mình chờ thời cơ. Chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ông vào diện quản thúc thường xuyên vào mùa gieo lúa, gặt lúa. Chúng quản thúc tại nhiều nơi như Hòa Tây, Kỳ An... Hết mùa đồng áng chúng mới cho về.
Trong kháng chiến chống Mỹ, quê nhà được giải phóng (lần thứ nhất) vào năm 1965, ông làm cán sự thôn từ đó. Nói về công việc kháng chiến, ông bảo một tháng 30 đêm không đêm nào ở nhà, cứ đi họp hành, bàn việc nước, việc làng suốt. Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, địch tái chiếm xã Kỳ Mỹ, đàn áp phong trào cách mạng, ông lánh lên Tây Lộc (xã Tam Lộc hiện nay) - vùng cách mạng để trú ẩn, sống với tư cách người dân. Cuộc sống ở đây quá khổ cực, đi mót lúa, khoai, sắn, bắp kiếm cái ăn hàng ngày. Bữa nào không mót được là nhịn đói. Cũng năm ấy, ở nhà vợ con bị địch dồn ra xóm Đình. Hàng năm cứ vào dịp tết, ông về khu vườn Sỏi - vùng giáp ranh, vợ con qua thăm. Sau những giây phút gặp nhau ngắn ngủi, vợ chồng, con cái lại chia tay, ông trở lên Tây Lộc. Khoảng cuối mùa thu năm 1971, ông về sum họp gia đình. Từ đó ông thường bị địch đưa ra đình Ba Xã bắt sám hối vì tình nghi hoạt động cộng sản.
Thời gian trôi đi nhanh quá - ông nói - mới đó mà ông đã đi hết quãng đời một trăm năm. Bao nhọc nhằn, khổ ải đã đi qua đời ông nhưng tinh thần, chí khí ông vẫn không bao giờ nao núng. Anh Sáu Đào tự hào nói về cha mình: “Cha tôi thật may mắn. Tuổi tròn thế kỷ mà vẫn còn khỏe, minh mẫn tinh thần, quả là phước đức cho con cháu. Anh em tôi sẽ cùng nhau chăm sóc chu đáo để ông vui vẻ tuổi già”.
Tự hào về sự trưởng thành của con, cháu, cụ Hồng bảo: 8 người con, 3 trai, 5 gái hầu hết đã yên bề gia thất, có con, cháu đề huề. Chỉ thương cô con gái út tật nguyền không có chồng, nhưng lại suốt ngày kề cận chăm sóc ông. 41 cháu, chắc nội ngoại là niềm vui trong ông ở tuổi xế chiều.
Nói về Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký tặng vào năm 1993, ông trải lòng đầy vẻ tự hào: “Đó là bằng khen về thành tích góp công góp sức vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dù chỉ là tấm bằng khen nhưng đó là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với tôi, đó là một vinh dự rất đáng quý trọng”. Về niềm vui cuối đời, cụ Hồng bảo: “Thủ tướng tặng bằng khen rồi, năm 2019 này nếu được Chủ tịch nước tặng quà 100 tuổi nữa là tôi mãn nguyện lắm”. Chị Út Thời - con gái ông, bảo: “Cha lo chi. Chắc nay mai cha sẽ được tặng quà thôi”. Cụ Hồng cười thật vui.
THANH NGHỊ