Tập trung giảm nghèo ở miền núi

DIỄM LỆ 21/02/2019 05:40

Chiều 20.2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành về kế hoạch giảm nghèo năm 2019. Yêu cầu đặt ra trong mục tiêu giảm nghèo năm nay là phải thực chất, không hình thức, chạy theo thành tích.

Hộ nghèo khu vực miền núi chủ yếu là thanh niên mới tách hộ. Ảnh: D.L
Hộ nghèo khu vực miền núi chủ yếu là thanh niên mới tách hộ. Ảnh: D.L

Theo nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đề ra, năm 2019 toàn tỉnh phải giảm trên 5 nghìn hộ nghèo và khoảng 3 nghìn hộ cận nghèo. Trong số đó, phấn đấu giảm trên 50% số hộ nghèo thuộc hộ chính sách, người có công cách mạng (khoảng 345 hộ), hướng đến năm 2020 toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc diện gia đình chính sách, người có công. Theo Sở LĐ-TB&XH, nguồn lực giảm nghèo sẽ ưu tiên đầu tư cho huyện nghèo, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, thôn và xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu, địa bàn có hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững. Theo đó, đối tượng được ưu tiên hỗ trợ giảm nghèo từ nguồn hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất chính là hộ nghèo, cận nghèo mới thoát nghèo bền vững, đặc biệt là hộ nghèo thuộc chính sách người có công, hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ có đăng ký thoát nghèo bền vững.

Hộ nghèo của tỉnh còn lại phần lớn ở khu vực miền núi, với 20.895 hộ (chiếm tỷ trọng 66,26% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh), nên việc đầu tư giảm nghèo ở miền núi là một thách thức lớn. Các chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện đồng thời, nhằm tạo động lực giảm nghèo ở miền núi. Theo ông Hồ Xuân Khanh - Thường trực Văn phòng Giảm nghèo tỉnh, cơ sở hạ tầng cho địa bàn nghèo sẽ tiếp tục được đầu tư theo Chương trình 30a, 135 ở 6 huyện nghèo, 74 xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng dân tộc và miền núi, 35 thôn đặc biệt khó khăn, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ sinh kế để cải thiện thu nhập vượt qua chuẩn nghèo, cận nghèo. Nguồn vốn hỗ trợ sinh kế được lồng ghép từ các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, các dự án của trung ương và tỉnh, nguồn xã hội, tổng nguồn vốn hỗ trợ dự kiến là 151 tỷ đồng. Riêng đối với hộ nghèo thuộc gia đình chính sách, người có công cách mạng, ngoài ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ để phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, cải thiện các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm nhà ở, nước sạch - vệ sinh và thông tin. Đồng thời với đó, các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong và ngoài nước cho hộ nghèo có lao động cũng cần được các địa phương đặc biệt quan tâm.

Theo bà Lê Thị Thủy - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, việc đầu tư giảm nghèo cho hộ dân ở miền núi nên giải quyết việc làm tại chỗ chứ không nên đưa họ xuống đồng bằng, bởi họ không thích điều đó. Vì thế mà Quyết định 3577 của UBND tỉnh được triển khai ở miền núi chưa thành công, bởi họ không thích đi học nghề, đi làm trong nhà máy, xí nghiệp mà chỉ thích làm tự do. Bà Thủy cũng cho rằng các đơn vị kết nghĩa với thôn, xã miền núi nên thay đổi cách hỗ trợ, không nên cứ dịp lễ, tết là đến tặng quà, mà nên nhận đỡ đầu, trợ lực cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững sẽ hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh lưu ý các sở, ngành khi tham mưu xây dựng kế hoạch giảm nghèo của tỉnh cần chú ý đến các giải pháp thực hiện nhằm đạt được mục tiêu. Với hộ nghèo có sức lao động thì phải quán triệt các địa phương dứt khoát đưa ra khỏi hộ nghèo, tạo áp lực để họ phải đi lao động, đi làm chứ không được ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Chính sách hỗ trợ nên tập trung cho hộ dân có ý thức, đăng ký và thoát nghèo bền vững. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cần xem xét ưu tiên hỗ trợ cho địa bàn có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký và thoát nghèo bền vững theo hướng thực chất, nhằm tạo động lực cho các thôn, xã bám sát và thực hiện được kế hoạch giảm nghèo của mỗi địa phương.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ