Đón mẹ vào phố
Ba mất từ ngày tôi lên tám. Tôi là con trai duy nhất trong gia đình 4 người con. Lẽ ra ngôi nhà “ba gian hai chái” từ thời ông cố để lại, tôi phải tiếp quản. Thế nhưng, tôi không phải gã trai chịu an phận. Sau 10 năm cày xới đất khách, tôi đã có nhà cửa, lập gia đình. Tâm nguyện đầu tiên là rước mẹ vào phụng dưỡng. Tôi về thưa với mẹ: “Nhà không bao giờ mất đi, ba người chị của con thỉnh thoảng qua quét dọn. Con không thể vì chuyện thờ tự ông bà mà từ bỏ ước mơ lập nghiệp ở phố. Con muốn đón mẹ vào cùng. Ở Sài Gòn, tới ngày giỗ chạp, hay khi nào thấy nhớ nhà, mẹ lại về quê. Bây giờ phương tiện đi lại đâu còn khó khăn như thời của mẹ…”.
Làng quê luôn là nỗi mong nhớ của những người phương xa. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Cái ngày tôi chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, mẹ 60 tuổi. Mười năm sau, mẹ đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, không còn nhanh nhẹn, tinh tường, bệnh già cũng hoành hành, càng khiến tôi không đành lòng để mẹ ở quê, dù ngoài này tôi còn ba chị gái. Mẹ tôi, dù con gái con rể tốt đến mấy, mẹ cũng không chịu về ở cùng. Mẹ hay nói: “Đâu phải mẹ không có nhà. Mẹ còn khỏe, biết bao người sống một mình giống mẹ, họ vẫn… ngon ơ đó thôi”. Mẹ lúc nào cũng vậy, không chịu làm phiền con cháu, ít khi nào chia sẻ chuyện khó khăn với ai, điều đó càng khiến tôi lo lắng về mẹ. Cứ nghĩ ngày già cô quạnh của mẹ ở quê, tôi càng có động lực phấn đấu. Tôi lao vào làm như điên, mong có nhà để đưa mẹ vào. Cái điệp khúc “mẹ còn khỏe”, là cách thoái thác, lần lữa của những người già chỉ muốn bám quê bám làng, chớ phố xá lạ lẫm, mẹ bảo ngàn năm cũng khó bắt nhịp, hòa đồng. “Mẹ không thương con hả?”. Câu hỏi của tôi đã lay động lòng mẹ, khiến mẹ nhiều đêm mất ngủ. Mẹ đã nói với tôi rằng: “Mẹ không muốn vì chuyện thờ tự, mà nỡ để con cả đời ray rứt. Và đúng là, ở đâu cũng có thể thờ cúng. Chỉ cần lập bàn thờ, rút mấy chân nhang vào, là tha hồ… thắp nhang, lễ mễ”. Nhưng tôi biết có một điều khiến mẹ lần lữa, đó chính là quê nhà đã thấm vào máu mẹ rồi! Bảy mươi năm gắn bó với mảnh đất này, bảo mẹ dứt áo ra đi, đó là lời đề nghị khó khăn nhất của cuộc đời tôi. Tôi đã có lần nghe mẹ kể, bãi mía này, từng là nơi mẹ trú ẩn an toàn trong một lần giặc càn, hồi đó mẹ mới 12 tuổi. Bụi tre trước nhà, mẹ không bao giờ chịu đốn, bởi vì mỗi sáng, nắng chiếu từ bụi tre, lấp lánh ánh vàng rọi xuống hiên nhà, hình ảnh đó với mẹ đẹp hơn… cổ tích. Trong nhà, mọi ngóc ngách đều in bóng dáng ba… Chạm vào bất cứ nơi đâu, mẹ cũng đầy kỷ niệm, mẹ kể mồn một, tưởng chừng câu chuyện mới hôm qua. Vậy mà cuối cùng, vì tình thương với cháu con, mẹ chịu ly hương vào sống với chúng tôi.
Vấn đề còn lại của tôi là, làm thế nào để mẹ không cảm thấy quá buồn khi sống ở một thành phố có quá nhiều xe cộ và tiếng ồn. Mẹ vào, tôi liền chia sẻ dòng trạng thái lên facebook: “Mẹ đã chịu vào ở với con rồi”. Loan tin buổi sáng, buổi chiều đã có người tới thăm. Bà con, họ hàng, bạn bè đồng hương xứ Quảng trong này khá đông, mỗi người góp một câu, tạo khí thế cho mẹ an tâm vui sống. Mẹ cười móm mém. Còn tôi thì nghĩ, nỗi nhớ của người trẻ khác với nỗi nhớ người già. Không thể áp đặt “kinh nghiệm” xoa dịu nỗi nhớ của người trẻ lên người già. Mẹ đã đi qua sắp hết đời người, thì nỗi nhớ chỉ có thể dài thêm, chứ khó mà ngắn lại. Người trẻ có quá nhiều cơ hội để tìm vui, dễ hòa nhập, vì thế, nỗi nhớ có điều kiện để vơi đi. Cho nên, nhìn mẹ cười mà không nói gì, tôi đã hiểu mấy câu động viên của khách chẳng xi-nhê gì với mẹ, kiểu như, một khi mẹ đã chịu vào nam sinh sống, thì nỗi nhớ mẹ đã gom vào cùng!
Tết này tròn 6 tháng mẹ xa quê. Tháng Chạp, tôi đã mở lời đưa mẹ về quê đón tết sớm. Không nói ra, nhưng tôi biết mẹ luôn mong chờ ngày này. Mẹ về, các chị tôi ở quê bảo, nhà cửa cứ ấm áp hẳn lên! Mẹ đi thăm nhiều nhà trong xóm. Mẹ trồng mấy luống rau, giao cho đám con gái lấy chồng gần chạy tới chạy lui tưới tắm, chứ như Sài Gòn muốn ăn rau sạch, đâu dễ kiếm tìm. (Đó là cảm nhận đầu tiên của mẹ về Sài Gòn mà tôi biết).
Mẹ ơi, làng của mẹ đó, quê cha đất tổ của mẹ đó, tận hưởng mọi thứ đi mẹ, rồi ra Giêng, con lại đón mẹ vào.
LÊ PHI