Sinh kế cho vùng ven

VĨNH LỘC 09/02/2019 06:24

Khó thể xác định mỗi ngày có bao nhiêu người từ Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình... về Hội An làm việc. Du lịch đã thực sự mở ra cơ hội mưu sinh, tạo thu nhập thay đổi cuộc sống nhiều người, nhất là lao động vùng ven bên ngoài phố cổ.

Gánh hàng rong của nhiều phụ nữ từ Duy Xuyên qua Hội An mưu sinh. Ảnh: Phương Thảo
Gánh hàng rong của nhiều phụ nữ từ Duy Xuyên qua Hội An mưu sinh. Ảnh: Phương Thảo

Đa dạng ngành nghề

Đã 5 năm kể từ ngày bà Nguyễn Thị Hương (Duy Nghĩa) qua phố mưu sinh. “Phố” là cách gọi của bà Hương và những người phụ nữ khác trong làng về Hội An, nơi nhộn nhịp khách Tây, Tàu. Hàng ngày với gánh trái cây trên vai, bà Hương dạo quanh khắp phố bán cho khách du lịch. Thường lệ, khoảng 7 giờ sáng bà ra khỏi nhà, chiều tối trở về, tùy bữa đắt ế mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, với người phụ nữ hơn 50 tuổi này, đó là số tiền không hề nhỏ. “Có khách xin chụp hình cùng mình, cũng có khách mượn quang gánh, nón lá tạo dáng chụp hình làm kỷ niệm, xong mua ít trái cây, thi thoảng có khách biếu tiền. Công việc này được cái nhẹ nhàng, tự do, khỏe đi mệt nghỉ” - bà Hương kể.
Với Lê Thị Thu, quê Điện Bàn, công việc spa tại Hội An đã giúp chị có cuộc sống và thu nhập tốt hơn so làm công nhân khu công nghiệp. “Trước đây lương công nhân khoảng 4 triệu đồng nhưng giờ giấc, công việc vất vả, bây giờ làm spa mỗi tháng em kiếm hơn 10 triệu đồng” - Thu cho biết. Theo chị Thu, điều kiện để trở thành nhân viên spa tương đối đơn giản, đặc biệt không cần xinh đẹp, giỏi ngoại ngữ hay trường lớp đào tạo, kể cả phụ nữ trung niên cũng làm được. Thông thường, khoảng 5 giờ chiều chị Thu từ Điện Bàn xuống Hội An đến tiệm spa, 11 giờ khuya trở về nhà. Cứ 30 phút phục vụ, chủ tiệm trả công cho nhân viên 40 nghìn đồng, một giờ từ 80 – 100 nghìn đồng, cộng thêm tiền “bo” mỗi đêm chị Thu kiếm khoảng 500 nghìn đồng.

Tại Hội An, hoạt động spa tập trung nhiều nhất khu vực An Hội với hơn 30 tiệm, nhân viên phần lớn từ nơi khác đến và làm tự do. “Nghề này hoàn toàn trong sáng, công việc công khai chứ không như nhiều người nghĩ, tất nhiên thỉnh thoảng vài khách cũng có thái độ quá mức, mình phản ứng nên họ thôi” - chị Thu cho biết thêm.  

Tạo giá trị cho phố

Theo ông Trần Ánh – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hội An, Hội An là vùng đất tụ nhân nên luôn có sự đóng góp nhất định của những lao động từ nơi khác đến. Đó không chỉ là doanh nhân, nhà nghiên cứu, lao động cao cấp mà kể cả lao động thông thường, từ đó giúp đa dạng hóa sản phẩm, ngành nghề địa phương, góp phần tạo nên sự phát triển cũng như những giá trị riêng cho phố.

Bà Hương, chị Thu chỉ là một trong số rất nhiều lao động nơi khác đến Hội An mưu sinh. Tại xã Duy Hải, Duy Xuyên, trong số hơn 2.500 lao động đang độ tuổi làm việc (dưới 60 tuổi) thì hơn 80% tham gia hoạt động du lịch dịch vụ tại các dự án như Nam Hội An, Vinpearl, hoặc các cơ sở du lịch, dịch vụ ở Hội An. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, du lịch đã mang đến nhiều cơ hội, sinh kế cho người dân, đời sống nhiều gia đình trở nên khá giả hơn. “Bây giờ người trẻ thì vào nhà hàng, khách sạn, bán shop, già thì buôn bán, bảo vệ, tưới cây; ít người làm nông, ai cũng muốn qua bên Hội An kiếm việc làm” - ông Thống chia sẻ.  

Bỏ qua những “lợn cợn” tiêu cực lẻ tẻ thì sự xuất hiện của lực lượng lao động nơi khác đến Hội An cũng đóng góp nhất định vào phát triển KT-XH địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An, đây là mối quan hệ tương hỗ, do đó phải có cái nhìn công bằng với những đóng góp của lực lượng lao động nơi khác đến. “Hội An thực sự đang thiếu hụt lao động ở các ngành dịch vụ, du lịch bởi một số người không muốn làm những công việc lao động tay chân. Chúng tôi đã từng tổ chức một cuộc điều tra khảo sát về nhân lực lao động người Hội An, kết quả có 4.300 thanh niên trả lời là không có nhu cầu làm việc, tức là họ không muốn làm việc, nhất là những công việc lao động thông thường. Nên sự đóng góp của lao động các vùng ven cho hoạt động thương mại, dịch vụ của thành phố là rất quan trọng” - ông Lanh thông tin.

Ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An khẳng định: “Trong số hơn 46 nghìn lao động tham gia làm việc trên các lĩnh vực của thành phố, nhất là trong ngành thương mại dịch vụ thì lao động nơi khác đến có những đóng góp tích cực cần ghi nhận” - ông Phúc bày tỏ.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC