Tô mỳ Quảng đầu đời của những chị cả
Đêm ấy ở Bali, chị Subadri – người dọn buồng phòng ở resort nơi tôi trú ngụ mời chúng tôi về thăm nhà và thiết đãi món món Nasi Kuning. Đây là món ăn truyền thống được làm từ một loại gạo vàng đặc biệt nấu với nước cốt dừa, ăn kèm với thịt và trứng, thường được người dân Bali dùng trong các dịp lễ hội, cúng tế thần linh. Món Nasi Kuning ngon hơn tôi hình dung và nó khiến tôi nhớ đến tô mỳ Quảng đầu đời của một chị cả ở miệt núi Quảng Nam của hơn 20 năm trước.
Món ăn Nasi Kuning truyền thống của người Bali. |
Những chị cả…
Chị Subadri là một phụ nữ rất xinh và trẻ so với tuổi ngoài 50 tuổi, có nhiều năm làm nghề dọn phòng ở resort Meliã Bali ở bờ biển Nusa Dua. Chị không ngần ngại nhận lời khi nghe tôi ngỏ ý muốn về thăm nhà chị để biết thêm về cuộc sống của người dân Bali. Nằm cách resort tôi ở khoảng 10km, nhà chị Subadri cũng như bao nhiêu nhà dân khác ở Bali, khiêm tốn, xuề xòa và có cái đền thờ thần ở trước sân rất đẹp, trang trọng. Tôi khá bất ngờ khi biết Subadri là chị cả trong một gia đình có đến 7 anh chị em và Subadri chưa một lần lấy chồng. Chị bảo “lúc trẻ thì thương và lo lắng cho các em nên chần chừ lấy chồng, đến khi các em khôn lớn thì già quá nên chẳng ai còn chịu lấy mình, thôi đành ở vậy với em trai và các cháu”. Nói rồi chị giục lấy giục để chúng tôi ăn món Nasi Kuning do chính tay chị nấu và ánh mắt rưng rưng hạnh phúc khi chúng tôi luôn miệng khen ngon…
Ánh mắt ấy của Subadri nhìn rất giống với ánh mắt của một chị cả khác mà tôi đã gặp trong một buổi chiều muộn ở một hóc núi thuộc huyện Trà My của Quảng Nam hơn 20 năm trước khi theo bạn “đi hoang” vào mùa nghỉ tết. Tôi không nhớ tên của chị là gì. Chỉ biết mọi người trong gia đình hay gọi chị là “Ả” – là chị cả trong một gia đình cũng có 7 anh chị em. Tôi thì đói hoa mắt sau một chặng đường dài đi bộ từ đường lớn vào gần 5km. Còn Ả thì dọn ra món mỳ Quảng gà nóng hổi bảo là “chính tay chị chuẩn bị từ chiều để chờ chúng tôi về” nên tôi ăn lấy ăn để, đến lúc gần hết tô thứ hai mới kịp nhận ra là mỳ quá ngon. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến món mỳ Quảng và hương vị, mùi thơm của nó cho đến bây giờ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.
Ăn mỳ đến mức không thở nổi tôi mới có thời gian ngắm Ả. Công nhận Ả đẹp kiểu rất kiêu sa đài cát nhưng lại hiền lành, dễ chịu trong cư xử. Và bất ngờ là Ả cũng không lấy chồng với lý do rất… Subadri sau này tôi gặp ở Bali. Điều lạ là cuộc sống với em rể, em dâu đôi khi cũng chén bát va nhau nhưng Ả luôn biết cách dung hòa, không lấy đó làm điều và luôn vui vẻ nhận về mình phần thiệt thua để các em vui vẻ.
Mỳ quảng. Ảnh: Internet |
Mãi sau này mới biết Ả là một mẫu người đại diện cho chất “nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu” như một câu ca dao của người Quảng. Điều này có phần trái ngược với sự chanh chua, ngoa ngoắt – ít lắm là trong hành xử bề ngoài của những chị cả, chị hai không chồng – những “mụ cô” có hoàn cảnh “thương em” và “quá lứa” tương tự ngoài Huế của tôi. Khi còn sống, các “mụ cô” luôn khó dễ với các em, đặc biệt là em dâu, em rể và các cháu đã đành. Cho đến khi qua đời, các “mụ cô” vẫn còn không “buông tha” cho người sống nếu không được thờ tự, cúng kính nghiêm túc và đầy đủ. Đó cũng là lý do các “Ả” trong Quảng không có ai được thờ riêng, nhưng các “mụ cô” ngoài Huế thì ai cũng có riêng cho mình một miếu thờ độc lập ở ngoài sân vườn, có khi rất nhiều đời như “mụ cô tam đợi, tứ đợi”!
Và chuyện nhân tình thuần hậu
Tôi rất bất ngờ khi mới đây, UBND TP.Hội An công bố đề án “Hội An - Nhân tình thuần hậu” nhằm kêu gọi, vận động người Hội An sống, ứng xử với bản thân, với người thân, gia đình, dòng họ, láng giềng… giàu tình người, thuần khiết, yêu thương, hiền hòa, gắn bó và nhân hậu hơn. Thậm chí, trong đề án còn có đến 9 nội dung vận động mà đúng ra nó đã phải là đương nhiên với một vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời bền chặt như Hội An, như Quảng Nam và rộng hơn là quy chuẩn văn minh của một đô thị lâu đời.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An giải thích phải lập đề án vận động là bởi việc đô thị hóa, hội nhập, phát triển với tác động chi phối của cơ chế thị trường, đồng thời cũng là quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa nên thường nảy sinh những va chạm giữa tốt và xấu, giữa phù hợp và chưa phù hợp, giữa những biểu hiện bất cập đối nghịch với nền nếp văn hóa truyền thống mẫu mực của người Hội An. Để hạn chế những vấn đề trên, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Hội An đã xây dựng chương trình “Hội An - Thành phố văn hóa” và đạt được những thành quả tích cực. Tuy nhiên, đây đó vẫn xảy ra nhiều diễn biến xấu có nguy cơ lấn át cái tốt đẹp của văn hóa Hội An.
Ông Sơn lại làm tôi nhớ đến Subadri. Giống như những gì Elizabeth Gilbert đã viết trong cuốn sách “Ăn, Cầu nguyện và Yêu”, mỗi một người phụ nữ Bali như Subradi dành đến một phần ba thời gian thức của mình để sắm sửa lễ vật, cúng tế và cầu nguyện thần linh cũng như đắm mình trong các lễ hội và ca múa. Cùng với đó là triết lý sống hòa hợp với con người, thiên nhiên và thần linh được thực hành hàng ngày gọi là “Tri Hita Karana” đã thành thương hiệu nhận diện. Thú vị là Bali, hòn đảo chỉ hơn 3 triệu dân này trung bình mỗi năm đón đến hơn 6 triệu lượt khách quốc tế. Các nền văn hóa đến từ khắp nơi trên thế giới gần như va đập với nhau và với văn hóa bản địa hàng giờ, hàng phút ở hòn đảo được mệnh danh là thiên đường du lịch này. Thế nhưng Subradi và hàng triệu người Bali khác, gần như đắm chìm trong văn hóa truyền thống và miễn nhiễm với sự “xâm lăng” của văn hóa cũng như bao thói hư tật xấu của du khách mà chẳng cần một cuộc vận động nào từ chính quyền địa phương cả. “Thời gian ở resort của tôi chỉ đơn thuần là công việc và về nhà với gia đình, thần linh… mới là cuộc sống của tôi. Và ở đây chẳng bao giờ chính quyền can thiệp hay vận động, kêu gọi chúng tôi phải sống thế này, thế kia cả” – Subadri nói.
Cũng là chuyện của những bà chị cả, những “mụ cô” gần như trùng hợp về lý do để sống cùng các món ăn lần đầu tiên trong đời tôi được nếm trải. Cũng là một ánh mắt rưng rưng hạnh phúc ấy, nhưng tô mỳ Quảng năm ấy và món Nasi Kuning bây giờ lại cho tôi những xúc cảm buồn vui khác nhau. Thôi thì cứ kêu gọi, vận động… để rồi biết đâu đấy một ngày, “nhân tình thuận hậu” sẽ là một “Tri Hita Karana” khác được nhắc đến toàn cầu…
Bút ký của HOÀNG VĂN MINH