Thị trường thực phẩm Đà Nẵng: Vẫn còn những tồn tại
(QNO) - Qua một năm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng, việc đẩy lùi thực phẩm bẩn, kém chất lượng đã có những tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại khiến người tiêu dùng chưa thể hài lòng.
Lượng lớn nông sản của Đà Nẵng được nhập từ các tỉnh, thành khác. Ảnh: Q.T |
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
Trong năm 2018, Ban Quản lý ATTP Đà Nẵng, Sở NN&PTNT Đà Nẵng đã lấy 384 mẫu rau, trái cây; 186 mẫu thịt; 143 mẫu thủy sản và 899 mẫu thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ ăn uống..., vượt hơn 100% so với chỉ tiêu được giao.
Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh, hiện nay toàn TP.Đà Nẵng chỉ còn 8 cơ sở giết mổ gia súc tập trung thay vì 300 - 400 cơ sở nhỏ lẻ như trước đây. Vừa qua, Đà Nẵng cũng thực hiện dán 1,4 triệu tem QR code đối với một số loại thực phẩm sản xuất trên địa bàn thành phố đang tiêu thụ tại chợ Hàn.
7 tỉnh hợp tác cung ứng nông sản với Đà Nẵng Các cơ quan chức năng của TP.Đà Nẵng vừa làm việc với Sở NN&PTNT Lâm Đồng, Vĩnh Long - các tỉnh cung cấp rau và trái cây lớn nhất vào Đà Nẵng để có kế hoạch hợp tác cụ thể, kiểm soát thực phẩm từ nguồn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, nhà cung ứng nông sản đến từ Quảng Nam và Đắk Lắk cũng đã ký kết hợp tác với Đà Nẵng để kết nối chuỗi cung ứng nông sản vào thị trường này. Đến nay có tổng cộng 7 tỉnh trên cả nước ký kết hợp tác về cung ứng nông sản với TP.Đà Nẵng. |
Năm qua, chợ đầu mối Hòa Cường nhập hơn 92 nghìn tấn rau, trái cây có kê khai nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; tổng sản lượng thủy sản về chợ đầu mối Thọ Quang đạt hơn 98 nghìn tấn, với tỷ lệ tàu và ô tô thực hiện kê khai đạt 100%. Các địa phương cung cấp nhiều nhất cho thị trường thực phẩm Đà Nẵng như Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Ngãi...
Trên thực tế, qua các đợt kiểm tra vẫn xuất hiện tình trạng vi phạm: thủy sản khai thác tồn dư kim loại nặng; rau, trái cây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và nhất là thịt nhiễm vi sinh vật vượt giới hạn cho phép (có 38,71% các mẫu thịt qua kiểm tra bị vi phạm). Ông Nguyễn Tứ - Phó ban Quản lý ATTP Đà Nẵng cho rằng: "Nguyên nhân chính của tình trạng này là việc một số cơ sở giết mổ vẫn giết mổ gia súc trên nền; các sạp bày bán của tiểu thương ở các chợ truyền thống hầu hết không đảm bảo vệ sinh".
Khó khăn hiện hữu
Hiện nay, hơn 80% lượng rau, trái cây, thủy sản và gia súc, gia cầm mà Đà Nẵng tiêu thụ nhập từ các tỉnh khác về. Chuỗi cung ứng sản phẩm tươi sống có nhiều tác nhân tham gia và đều liên quan trực tiếp đến ATTP nên rất khó khăn trong việc truy xuất, kiểm soát.
Người tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ảnh: Q.T |
Đà Nẵng có tổng cộng 70 chợ truyền thống nhưng hiện nhiều chợ có hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ thực phẩm nhiễm chéo rất cao và thực phẩm dễ bị nấm mốc. Theo ông Nguyễn Tứ, kể cả chợ đầu mối Hòa Cường cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định, nhưng hiện việc xây dựng chợ đầu mối nông sản tại xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang) để kiểm soát chặt hơn nông sản vào Đà Nẵng ngay từ vùng giáp ranh đang chậm tiến độ.
Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ATTP cũng chưa có sự nhất quán giữa 3 ngành liên quan trực tiếp (công thương, NN&PTNT, y tế). Đơn cử như ngành công thương không quy định phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP với các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, nhưng ngành y tế và nông nghiệp thì ngược lại.
QUỐC TUẤN