Thi cũng cần... cảm hứng

HỨA XUYÊN HUỲNH 20/01/2019 00:30

Từ sự kiện đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa gây hưng phấn ở đấu trường châu Á, chuyện nên ngưỡng mộ hay mê muội thần tượng cho đến diễn biến sạt lở bãi biển Cửa Đại (Hội An)… đều dễ dàng lọt vào đề thi. Và ngay lập tức, cộng đồng mạng lại có dịp bàn cãi.

Học sinh làm bài thi. (Ảnh minh họa). Ảnh: Internet
Học sinh làm bài thi. (Ảnh minh họa). Ảnh: Internet

1. Đề thi môn địa lý lớp 6 ở một trường THCS trên địa bàn TP.Hội An (Quảng Nam) vừa được một chủ tài khoản Facebook đăng tải hồi đầu tuần này có nội dung khá “thời sự”, khi đặt câu hỏi về bãi biển Cửa Đại bị tác động nội hay ngoại lực, hậu quả ra sao, người dân Hội An đã và đang làm gì để khắc phục hậu quả…

Ở góc độ kiểm tra kiến thức môn học (địa lý), đề bài hỏi về “hiện tượng gì” là phù hợp. Xét ở góc độ công dân, ngôi trường này tọa lạc ở địa bàn cách Cửa Đại chỉ tầm 7 - 8 cây số nên câu hỏi càng lý thú đối với học sinh. Rộng ra với cả địa bàn TP.Hội An, ít nhiều học sinh sẽ được đánh động về nhận thức, gợi mở sự quan tâm, sự tôn trọng tự nhiên… Nhưng dưới góc độ chuyên môn, để có câu trả lời đúng quả thật không dễ. Tôi gọi điện thoại đến một vị cán bộ lãnh đạo TP.Hội An chuyên theo dõi tình hình sạt lở bãi biển Cửa Đại, ông này thừa nhận bản thân mình cũng “không thể trả lời được” nếu có ai hỏi về nguyên nhân sạt lở bãi biển Cửa Đại, vì không có chuyên môn.

Chủ nhân của dòng trạng thái trên Facebook kia cho hay một số phụ huynh hơi bối rối trước đề kiểm tra môn học của học kỳ 1, riêng anh nhận thấy có sự “đánh đố” về kiến thức đối với học sinh lớp 6. Một số ý kiến cho rằng hơi khó đối với lứa học trò lớp 6. Nhưng số khác lại khen đề hay.

2. Đề thi thời sự, đề thi “bắt trend” (tức bắt kịp xu hướng, sự kiện đang quan tâm) không phải bây giờ mới có, và đã nhiều lần gây sốt trên các diễn đàn. Tranh luận nhiều nhất vẫn thuộc về đề tài văn nghệ và bóng đá.

Hồi năm 2012, từng có đề thi yêu cầu phân tích về chuyện ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa và mê muội thần tượng là thảm họa. Rồi cảnh hậu vệ Văn Thanh khoanh tay trước ngực sau khi sút luân lưu thành công ở trận bán kết trước đội U23 Qatar hồi đầu năm 2018 được nhắc đến trong đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn của trường THPT Nguyễn Huệ ở Thái Nguyên. Đến trận chung kết mùa giải đó, dù tuyển U23 Việt Nam thua tuyển U23 Uzbekistan, nhưng câu nói “Chúng ta đã cố gắng hết sức, tại sao phải cúi đầu?” của huấn luyện viên Park Hang-seo vẫn lọt vào đề thi kiểm tra một tiết môn Văn lớp 11 ở TP.Hồ Chí Minh…

Gần nhất, hình ảnh đội tuyển bóng đá Việt Nam liên tục xuất hiện trên đề thi học kỳ 1 năm học 2018 - 2019. Các nhà giáo ra đề thi quả thật nhanh nhạy, kịp nắm bắt cảm xúc đang thăng hoa từ hàng triệu cổ động viên, hoặc cũng có thể đội tuyển Việt Nam ẵm cúp đúng thời điểm khi học kỳ 1 sắp kết thúc. Một số liệu thống kê cho thấy thầy trò ông Park Hang-seo xuất hiện ít nhất ở 3 đề thi của trường THPT chuyên Sơn La (đóng góp của ông Park Hang-seo và nhóm nhạc BTS trong vai trò là “đại sứ văn hóa”), THPT Nguyễn Du TP.Hồ Chí Minh (viết về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang), THCS - THPT Đào Duy Anh TP.Hồ Chí Minh (từ câu nói của vị huấn luyện viên người Hàn Quốc, viết về đức tính khiêm nhường).

Như thường lệ, trong khi các em học sinh đang phải loay hoay “đưa” bóng đá vào bài viết, thì bên ngoài phòng thi người lớn lại… cãi. Người bảo lồng ghép hình ảnh đội tuyển Việt Nam sẽ khiến học sinh hào hứng khi làm bài, rằng đề “mở” rất hay, thực tế, có hơi thở cuộc sống, không sao chép. Phía còn lại thì than phiền về nguy cơ giáo viên lạm dụng, ra đề thi khiên cưỡng, vượt quá khả năng của học sinh, không phải em nào cũng quan tâm đến môn thể thao vua, rằng cần phân biệt giữa kiểm tra kiến thức với đánh giá năng lực…

3. Tôi đọc bảng kê tên của các vua triều Nguyễn buộc thí sinh đương thời phải kiêng, gồm niên hiệu, danh tự, ngự danh, miếu hiệu, tôn thụy từ Gia Long đến Thành Thái, mà thấy kinh sợ. Không kinh sợ sao được, khi chỉ cần nhớ nhầm, phạm húy là mang vạ. Thí sinh thời nhà Nguyễn phải học thuộc lòng khoảng 50 tên vừa trọng húy (húy nặng, tên vua) vừa khinh húy (húy nhẹ, gồm tên cha mẹ vua, lăng miếu, tôn thụy của vua chúa đương thời và tên đức Khổng Tử). Thường trước ngày thi mấy hôm, danh sách các tên húy sẽ được dán trước cổng trường thi để sĩ tử… chép và học thuộc lòng. Luật trường thi đã rõ: thí sinh phạm khinh húy, tức viết những chữ kiêng mà quên bỏ đi 1 - 2 nét, thì bị gông phơi nắng 3 ngày hoặc cấm thi suốt đời. Phạm trọng húy, ngoài chuyện phơi nắng còn bổ sung tù tội; người thầy (trường tư lẫn trường công) cũng vạ lây, bị tù hoặc rút lương, giáng cấp, thuyên chuyển, cách chức.

Dẫn ra những luật lệ rối rắm này khi viết về khoa cử và giáo dục Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng bình luận: “Lệ kiêng húy đã làm giảm mất nguồn cảm hứng và ý văn của thí sinh. Vì vậy, văn từ không phóng khoáng mà bị gò ép trong khuôn khổ chật hẹp hay phi lý là đằng khác”.

Học hành theo kiểu tầm chương trích cú đã lỗi thời, nhưng “theo trend” nhanh nhạy quá chưa chắc đúng mốt. “Mở” quá cũng khổ. Chuyện bãi biển sạt lở, đâu phải tất cả lứa học sinh lớp 6 ở Hội An đều biết, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vô địch AFF Suzuki cup 2018 đâu phải nữ sinh nào cũng xuống đường “đi bão”? Tất nhiên, “đóng” quá cũng mệt. Viết bài mà cứ nhẩm từng chữ xem chỗ nào phạm húy, thầy luôn dặn dò học trò tránh né kiêng húy thời xưa đúng là mất cả hứng.

Để có hứng thú khi đến trường đã khó, có cảm xúc để làm bài thi càng không dễ. Xem ra học sinh thời nào cũng khổ.

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH