Truyền tải trách nhiệm với môi trường
Mang theo giá trị và tinh thần Nhật Bản, Megumi Kawada, người phụ nữ đến từ Kyoto đã đồng hành với nhiều người bạn ở Hội An tổ chức các hoạt động cộng đồng truyền tải thông điệp mạnh mẽ về môi trường, mong muốn thay đổi tư duy mọi người theo cách thiết thực và gần gũi nhất.
Chị Megumi Kawada luôn hướng đến mục tiêu thay đổi nhận thức về môi trường cho cộng đồng địa phương. Ảnh: H.P |
Yêu Hội An theo cách riêng
Kể về mối nhân duyên với Việt Nam, chị Megumi cho biết, lần đầu tiên đặt chân đến Hội An, chị đã thực sự bị cuốn hút và choáng ngợp. Nét đẹp di sản, cảnh sắc thiên nhiên hòa quyện vào nhau thắp lên trong chị một tình cảm và sự gắn bó kỳ lạ. Gần 10 năm với rất nhiều chuyến đến và đi, Megumi cảm nhận sự thân thiện của người dân địa phương và càng lúc càng thêm yêu mến thành phố này. Năm 2009, chị quyết định chuyển đến sinh sống tại Hội An.
Mọi việc tốt đẹp cho đến khi con trai chị thường xuyên bị dị ứng với xà phòng vì cháu bé có làn da rất nhạy cảm. Chị nảy ra ý tưởng tại sao không tự làm cho mình các loại xà phòng hữu cơ đang được sử dụng phổ biến ở Nhật Bản. Cách làm của chị là gom dầu ăn thừa từ các nhà hàng, chế biến hỗn hợp dầu ăn, bơ thực vật, dầu dừa... theo phương thức thủ công để tạo thành các sản phẩm xà phòng hữu cơ. Ban đầu chị thử nghiệm làm nước rửa chén cho người thân và bạn bè sử dụng. Nhận được sự phản hồi tích cực, chị dành một năm nghiên cứu và đa dạng thêm sản phẩm như xà phòng tắm, xà phòng giặt, son... Các sản phẩm hữu cơ của chị Megumi luôn có hương thơm đặc trưng, lành tính, không gây dị ứng da. Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm đã được thị trường đón nhận và có mặt tại nhiều cửa hàng, khách sạn trên địa bàn Hội An, kể cả các resort lớn như The Nam Hai, Hyatt...
Yêu Hội An từ những góc phố nhỏ, điều bình dị ẩn sâu trong cuộc sống an lành, chị Megumi luôn có tâm nguyện làm điều gì đó để gìn giữ không gian và môi trường nơi đây. Và tự làm xà phòng hữu cơ sử dụng trong gia đình cũng chính là cách góp phần bảo vệ môi trường. Chị thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt chia sẻ công thức, kinh nghiệm với người dân địa phương, bởi theo chị nếu được nhân rộng thì lượng lớn dầu ăn thừa sẽ được tái sử dụng, hạn chế gây ô nhiễm. “Tôi muốn giúp mọi người hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm sinh hoạt thân thiện với môi trường, đây là lối sống lành mạnh nhất cho tất cả chúng ta” - chị Megumi chia sẻ.
Tâm huyết với môi trường
Khoảng thời gian dài sống ở Hội An, chị Megumi luôn trăn trở khi nhận thấy rác thải nhựa tại địa phương đang là một vấn đề nghiêm trọng. Cùng với những người bạn Nhật Bản yêu mến Hội An, chị sáng lập và tham gia quản lý điều hành dự án Thành phố sinh thái Hội An (HoiAn Eco-city Project), mục tiêu hướng Hội An thành một đô thị không rác thải nhựa trong tương lai. “Phần lớn người dân nghĩ rằng không nhìn thấy rác nghĩa là rác biến mất nhưng họ không biết rác thải đã đổ ra các dòng sông, đại dương đang dần hủy hoại môi trường. Tôi nghĩ cần phải thay đổi thói quen và nâng cao nhận thức của mọi người về rác thải nhựa” - chị nói.
Thông qua các buổi tuyên truyền, chị Megumi và đồng sự cung cấp thông tin về vấn nạn rác thải; hướng dẫn cách phân loại rác, kêu gọi mọi người nói không với các sản phẩm từ nhựa trong sinh hoạt hằng ngày, giới thiệu các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường nhằm loại bỏ sản phẩm từ nhựa và ny lon ra khỏi Hội An. Đặc biệt, xây dựng bản đồ “Eco - City Map” tập hợp các địa điểm kinh doanh thân thiện với môi trường ở Hội An nhằm truyền tải thông điệp nêu trên đến người dân và du khách. “Bản đồ có thể cho thấy được một cộng đồng lớn mạnh đang hành động vì một hệ sinh thái bền vững tại địa phương” - chị Megumi chia sẻ.
Hưởng ứng giờ Trái đất năm nay, dự án đang lên kế hoạch triển khai một số hoạt động kêu gọi bảo vệ môi trường như triển lãm ảnh về môi trường, giới thiệu các sản phẩm thân thiện và có thể tự tiêu hủy, tổ chức tham quan bãi rác, làng rau hữu cơ, trò chơi cho trẻ em với rác thải tái chế, làm con dấu từ rau củ, làm lồng đèn từ chai nhựa... Megumi cho rằng, qua những hoạt động trên sẽ là cách tiếp thu hiệu quả, thúc đẩy cộng đồng hành động thân thiện với môi trường. Đến thời điểm hiện tại, dự án đang có sự đồng hành của chính quyền thành phố, tổ chức Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), Hiệp hội Nhật Bản UNEP cùng sự hưởng ứng của hơn 20 doanh nghiệp lớn địa phương. “Tôi cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh rất lớn từ các doanh nghiệp, tổ chức có nhận thức cao về môi trường. Nhiều người cùng chung tay tham gia, mạng lưới được mở rộng đó là tín hiệu tốt cho thấy sự hiệu quả phần nào của dự án. Đặc biệt, tôi cảm nhận trên hành trình này mình không hề đơn độc” - chị Megumi tâm sự.
HUYỀN PHƯƠNG