Trễ hẹn chỉnh lý biến động đất ở TP.Hội An: Giải pháp khắc phục

QUỐC HẢI 03/01/2019 06:06

Hầu hết loại hồ sơ chỉnh lý biến động đất do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hội An thực hiện đều trễ hẹn so với thời gian trả kết quả theo phiếu biên nhận. Nguyên nhân chủ yếu là quá tải.

Hầu hết hồ sơ chỉnh lý biến động đất ở Hội An đều trễ hẹn. Ảnh: Q.H
Hầu hết hồ sơ chỉnh lý biến động đất ở Hội An đều trễ hẹn. Ảnh: Q.H

Khối lượng quá lớn

Năm nay, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hội An (gọi tắt là chi nhánh) đã giải quyết gần 25.000 hồ sơ đất đai, trong đó có hơn 2.000 hồ sơ đã giải quyết theo thẩm quyền và hơn 15.000 hồ sơ đã giải quyết theo thẩm quyền của Sở TN-MT và chi nhánh. Việc chủ động đưa quy trình chỉnh lý biến động đất đai vào hoạt động tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thành phố là một cải cách hành chính quan trọng, góp phần giảm bớt phiền hà cho người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Thực tế, hồ sơ chỉnh lý biến động diện tích đất được xem là một trong những loại hồ sơ đất đai có tính chất phức tạp.

Năm qua, tại Hội An đã có 495 hồ sơ xin chỉnh lý biến động tăng, giảm diện tích đất đai. Theo ông Nguyễn Trọng Thắng - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hội An, việc giải quyết một số hồ sơ đất đai tại bộ phận một cửa vẫn còn trễ so với thời gian quy định, nhất là các loại hồ sơ có số lượng nhiều như chỉnh lý biến động tăng, giảm diện tích đất. “Hiện quy trình chỉnh lý biến động diện tích tăng được thực hiện theo Hướng dẫn số 4705/HD-UBND ngày 24.11.2016 của UBND TP.Hội An. Theo đó, trong quá trình sử dụng đất có nhiều nguyên nhân dẫn đến diện tích thửa đất tăng lên như cơi nới, cải tạo đường sá, tự ý thỏa thuận ranh giới,... Qua kiểm tra nguồn gốc đất phù hợp, UBND thành phố thống nhất cho phép chỉnh lý biến động diện tích tăng, không hoàn toàn do sai số đo đạc. Tuy nhiên, điều này chưa phù hợp với nội dung Nghị định số 01/2017/NĐ-CP và Thông tư số 33/2017/TT - Bộ TN-MT” - ông Thắng, nói.

Để giải quyết một hồ sơ xin chỉnh lý biến động đất đai phải trải qua rất nhiều công đoạn khó khăn trong công tác đo đạc, ký biên bản tứ cận, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, quá trình thẩm tra của UBND thành phố... Vì thế, hầu hết loại hồ sơ chỉnh lý biến động đất đều trễ hẹn so với thời gian trả kết quả theo phiếu biên nhận. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho rằng, trách nhiệm của cán bộ, cơ quan xử lý hồ sơ phải thông báo cho công dân biết vì sao lại trễ. “Khối lượng biến động đất đai tại Hội An tương đối lớn, bình quân mỗi năm có đến 25.000 hồ sơ, bằng 30% tổng số hồ sơ cả tỉnh cộng lại nên không tránh khỏi trường hợp chậm trễ. Cũng không loại trừ nguyên nhân chủ quan và khách quan, tuy nhiên, khi xảy ra trường hợp trễ hẹn thì phải thông tin ngay cho công dân biết lý do tại sao và hứa cố gắng làm. Việc thông tin cho công dân biết hồ sơ đang ở đâu, giải quyết như thế nào là trách nhiệm của ngành chức năng” - ông Nguyễn Thế Hùng nói.

Giải pháp khắc phục

Để giảm bớt tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn theo quy trình một cửa liên thông đối với loại hồ sơ chỉnh lý biến động diện tích tăng hoặc giảm, hiện nay, chi nhánh đang hướng đến việc xây dựng bản đồ địa chính dạng số trực tuyến nhằm thống nhất quản lý, khai thác bản đồ số trên địa bàn thành phố. Khi mô hình này được đưa vào thực hiện sẽ giúp cho khâu chỉnh lý biến động được hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai cũng như tạo ra nguồn bản đồ đảm bảo chất lượng phục vụ việc lập bản đồ hiện trạng, thống kê, kiểm kê đất đai cũng như quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất. Một giải pháp mà chi nhánh đã đưa vào áp dụng nhằm giảm bớt tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn khi chỉnh lý biến động diện tích đất tăng giảm là đối với trường hợp công dân nhận thấy diện tích đất của mình đang sử dụng tăng so với bìa đỏ thì trước tiên, công dân nộp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố loại hồ sơ đề nghị trích đo thửa đất. Trên cơ sở đó, chi nhánh sẽ thực hiện đo đạc, trích đo và phân tích diện tích tăng so với bìa đỏ, từ đó sẽ tạo ra sản phẩm là bản trích đo để phát lại cho công dân.

Ông Nguyễn Trọng Thắng cho biết, qua bản trích đo thửa đất, công dân có thể nhận biết được phần đất mình tăng là vì nguyên nhân nào. Nếu do tự ý phân chia lại ranh giới, phải lập hồ sơ tách thửa, hợp thửa; hoặc vì nguyên nhân khác thì đăng ký cấp bìa đỏ tại địa phương theo đúng quy định tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Cách làm như trên là đúng theo quy định của pháp luật, từ đó, Phòng TN-MT và UBND thành phố sẽ giảm bớt áp lực công việc phải tham mưu, trả lời các trường hợp công dân xin chính lý biến động, ngay cả đối với các trường hợp không đủ điều kiện biến động tăng hoặc giảm diện tích đất đai. Về lâu dài, Phòng TN-MT Hội An đang kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các xã phường có quy chế rõ ràng về việc kê khai đăng ký đất đai lần đầu để người sử dụng đất được biết và kê khai đồng loạt, từ đó, địa phương phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hội An xem xét khối lượng thửa đất mà người dân đăng ký để đề ra kế hoạch giải quyết khoa học, hiệu quả, giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn, nhất là các loại hồ sơ chỉnh lý biến động như hiện nay.

QUỐC HẢI

QUỐC HẢI