Sống cho sạch hơn, xanh hơn
Trong bối cảnh lượng khách du lịch đang tăng nhanh, thời gian qua, Hội An đã triển khai nhiều hoạt động hạn chế rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Để xử lý rác thải hiệu quả, ngoài sự vào cuộc từ phía chính quyền địa phương thì rất cần sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp và cả du khách để đạt được mục tiêu thành phố sinh thái.
Hội An đang chật vật trong khâu xử lý rác thải ở bước cuối cùng do dây chuyền phân loại trước đây đã lạc hậu. Ảnh: Q.T |
ÁP LỰC
Hội An đã sớm nhận thức được mối nguy rác thải từ nhiều năm trước và tập hợp các nguồn lực để xử lý, thế nhưng đến nay lượng rác thải nhựa vẫn ngày một gia tăng, tạo ra sức ép không nhỏ lên môi trường đô thị của di sản này.
Xử lý không hết
Với dân số khoảng 100 nghìn người và đặc biệt là sức ép từ khoảng 5 triệu lượt khách du lịch (ước tính năm 2018) đến Hội An, có thể thấy thực trạng rác thải tăng lên không ngừng, là vấn đề mang tính cấp bách đối với thành phố. Mặc dù chính quyền Hội An đã triển khai nhiều giải pháp nhưng lượng rác vẫn tăng qua từng năm khiến bãi rác Cẩm Hà (rộng khoảng 2ha) trở thành nơi tập kết hơn 80 nghìn tấn rác thải dẫn đến bị ứ đọng, quá tải và phải đóng cửa trong thời gian qua. Điều này khiến người dân thôn Bàu Ốc Thượng (xã Cẩm Hà) nhiều lần phản ánh, kiến nghị đến chính quyền địa phương bởi phải sống chung với mùi hôi thối, ô nhiễm.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Trưởng phòng TN-MT TP.Hội An thông tin, trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2016 lượng rác có xu hướng tăng rất nhanh và đạt 26.037 tấn trong năm 2016. Sau khi phân loại rác có thể phân hủy thì còn tới 16.700 tấn rác đổ lên bãi rác Cẩm Hà để chôn lấp và tiêu hủy. Hiện nay, thành phố khá chật vật trong khâu xử lý rác thải ở bước cuối cùng do dây chuyền phân loại trước đây đã lạc hậu, không còn thích ứng quy trình của Nhật Bản hiện nay.
Sau gần 10 năm tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng túi ny lon khi đi chợ thì ngoại trừ Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp), các khu vực khác ở Hội An vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Theo ước tính lượng rác thải phát sinh ở TP.Hội An hiện nay khoảng 90 đến 100 tấn mỗi ngày. Bà Lê Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc Nhà máy xử lý rác Hội An cho hay: “Hiện đơn vị chỉ xử lý được khoảng 55 tấn rác mỗi ngày và số còn lại không xử lý hết thì Phòng TN-MT Hội An hợp đồng với công ty môi trường để vận chuyển tiêu hủy”. Phòng TN-MT Hội An dự báo nếu không có giải pháp hữu hiệu để giảm lượng rác phát sinh trên đầu người đến năm 2025, Hội An có thể phải gánh chịu lượng rác lên đến hơn 32 nghìn tấn/năm.
Nhiêu khê phân loại rác tại nguồn
Dự án hợp tác với phía Nhật Bản mang tên “Nâng cao nhận thức về 3R đối với chất thải rắn mô hình Naha” cho Hội An với 5 chương trình chính: phân loại rác thải tại nguồn, giảm thiểu sử dụng túi ny lon, xử lý rác thải nhà bếp, giáo dục bảo vệ môi trường trong học đường, nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Dự án trên sau một thời gian thực hiện, được phía Nhật Bản đánh giá là hiệu quả. Trên cơ sở đó, năm 2012, TP.Hội An đã tiếp tục ký kết với TP.Naha (Nhật Bản) biên bản ghi nhớ về chương trình hợp tác dự án “Giảm thiểu rác thải theo mô hình Naha tại TP.Hội An”. Dự án thực hiện tại 13/13 xã, phường trên địa bàn thành phố, dựa trên kinh nghiệm thực hiện mô hình “Thành phố cộng sinh môi trường” của Naha. |
Chương trình phân loại rác tại nguồn được thực hiện tại Hội An lần đầu vào năm 2009, tuy nhiên theo thời gian chương trình này không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Tại hầu hết thùng rác trên địa bàn thành phố, rác thải dễ phân hủy và khó phân hủy bị người dân và du khách vứt chung chỗ mặc dù đã có hướng dẫn và tuyên truyền từ cơ quan chức năng. Được biết, trước kia những thùng rác thải nào không được phân loại đúng sẽ không được công nhân môi trường thu gom, nhưng hiện nay điều này không còn được duy trì bởi nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh đô thị. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến khu làm phân compost của Nhà máy xử lý rác thải Hội An hoạt động thiếu hiệu quả bởi lượng rác ny lon, chất thải rắn trộn lẫn trong rác hữu cơ quá nhiều.
Do là thành phố du lịch nên Hội An ít chịu ảnh hưởng của rác thải công nghiệp. Nguồn phát sinh rác thải chính của thành phố gồm: hộ gia đình; doanh nghiệp du lịch, thủ công mỹ nghệ; chợ; trường học và cơ quan hành chính. Ông Nguyễn Thanh Sơn (Phòng TN-MT TP.Hội An) cho hay, qua công tác phân loại rác tại nguồn thì lượng rác dễ phân hủy và tái chế được chỉ chiếm 36% trong khi rác khó phân hủy chiếm tới 64% tổng lượng rác của thành phố. Rác dễ phân hủy được thu gom vào các ngày thứ 2, 4, 6 và chủ nhật hàng tuần, có thể tận dụng làm phân compost trong khi rác tái chế được các cơ sở phế liệu thu mua nhưng lượng rác khó phân hủy rất lớn, nếu không có giải pháp hữu hiệu để giảm xuống thì sẽ trở thành mối nguy lớn đối với địa phương bởi việc chôn lấp hoặc đốt đều ít nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Đại diện Phòng TN-MT Hội An thông tin, đơn vị được giao biên soạn “Sách trắng về rác thải thành phố” để trình UBND TP.Hội An xem xét phê duyệt vào cuối năm 2018. Theo ông Nguyễn Đình Hùng, sách trắng dự kiến có 7 chương, 17 chuyên đề, khi hoàn thành và công bố sẽ định hướng hữu hiệu cho công tác quản lý rác thải trên địa bàn thành phố.
Trong 4 năm qua, Hội An cũng đã bước đầu triển khai việc gửi “thư thông tin về rác thải” đến cộng đồng. Điều này rất có ích khi giúp người dân, doanh nghiệp nhận thức rõ được mức độ tiêu thụ rác thải của mình qua số liệu cụ thể được tổng hợp vào tháng 11 hàng năm để phấn đấu giảm thiểu phát sinh rác thải trong những năm tiếp theo. Mới đây, TP.Hội An đã ra mắt chương trình “Chợ phiên Hội An”, trong đó đề cao thông điệp bảo vệ môi trường thông qua việc nói không với túi ny lon ở sự kiện và khuyến khích người bán lẫn người mua sử dụng giỏ, túi bằng các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An: Nỗi lo về môi trường là rác thải “Qua 10 năm thực hiện dự án hợp tác về môi trường với thành phố Naha (Nhật Bản), Hội An đã xác định hướng đi rõ ràng cho xử lý môi trường nói chung và rác thải nói riêng. Nhờ vào nền tảng, khả năng xử lý phân loại rác thải được thực hiện nhiều năm qua, Hội An đã vượt qua nhiều thành phố khác để nhận được một dự án hỗ trợ về môi trường từ phía Canada trong thời gian tới. Từ chỗ chỉ có vài phần trăm rác được phân loại trước đây hiện nay đã có khoảng 70 - 80% rác được phân loại. Sắp tới Hội An sẽ tìm phương án nâng cấp lò đốt, điều chỉnh bổ sung dây chuyền xử lý rác thải để nâng cao năng lực xử lý, chế biến phân compost. Nhờ vào việc hợp tác, tiếp xúc với phía thành phố Naha trong 10 năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân lực ngành môi trường của TP.Hội An đã tiếp cận với nhiều khái niệm mới như: “Thư thông tin về rác thải”, “Sách trắng về rác thải thành phố”… để có nền tảng quản lý rác thải một cách khoa học và hiệu quả. Thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường là cả một quá trình “Việc quản lý, xử lý rác thải ở doanh nghiệp nói thì rất dễ nhưng để thay đổi nhận thức từ đội ngũ lãnh đạo xuống tới nhân viên là cả một quá trình và cần đặt kế hoạch từ 3 đến 5 năm chứ không phải một hai ngày. Thực tế khi doanh nghiệp đầu tư thường dự trù khoản kinh phí phân bổ cho 5 năm đến 10 năm, thế nên chi phí hàng ngày cho việc xử lý môi trường là không nhiều. Đơn vị chúng tôi đã mạnh dạn thành lập bộ phận môi trường, tuyển dụng nhân sự, nâng cấp hệ thống bếp và điều quan trọng là phải có giám sát để có số liệu về rác. Chúng tôi cũng chủ động hạn chế rác đầu vào, thay đồ nhựa bằng đồ inox, đầu tư máy băm rác, máy nghiền rác để tiến tới làm phân compost tại nhà nhằm chung tay với thành phố trong nỗ lực xây dựng thành phố môi trường”. Ông Christopher Dunn - Chuyên gia tư vấn nông nghiệp Australia: Cần có cơ chế xử phạt nếu không phân loại rác tại nguồn “Ở nhiều nơi, với rác thải phân hủy như bã mía, cây cỏ… người ta có thể tái chế thành các vật dụng sinh hoạt thường nhật như đũa, dĩa, hộp đựng thức ăn…, sau đó những sản phẩm này lại có thể tái chế tạo thành vòng tuần hoàn thân thiện với môi trường. Những sản phẩm thay thế này sẽ khuyến khích cộng đồng và doanh nghiệp chung tay hành động vì môi trường. Với rác thải, việc chia phân loại càng kỹ càng thì càng dễ tái chế. Ngoài ra tại Australia có những cơ chế xử phạt đối với cá nhân, tổ chức không tuân thủ việc phân loại rác tại nguồn”.QUỐC TUẤN (thực hiện) |
QUỐC TUẤN
NỖ LỰC CỦA CỘNG ĐỒNG
Song song với định hướng, giải pháp từ chính quyền địa phương, sự chuyển dịch của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường bằng các hoạt động cụ thể đã góp phần hạn chế rác thải tại Hội An.
Tour du lịch vớt rác trên sông Hoài thời gian qua giúp thu gom hàng tấn rác thải nhựa. Ảnh: Q.T |
Với kinh nghiệm xây dựng mô hình nói không với túi ny lon thành công tại Cù Lao Chàm những năm trước đây, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm vẫn là một trong những đơn vị tiên phong trong việc hạn chế rác thải bằng cách thay thế toàn bộ chai nước nhựa bằng chai thủy tinh dùng nhiều lần cho các hội nghị và sản phẩm sinh thái trong hoạt động tuyên truyền, bảo tồn. Bà Huỳnh Thị Thùy Hương - Phó phòng Truyền thông và phát triển cộng đồng (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho biết: “Mỗi nhân viên của đơn vị được cấp chai nước mang theo bên mình để hạn chế sử dụng chai nước nhựa, đồng thời khuyến khích mọi người không sử dụng túi ny lon mà thay bằng túi vải sinh thái và nói không với ống hút nhựa”. Từ mô hình của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nhiều đơn vị công sở khác tại Hội An cũng bắt tay vào thực hiện để dần nhân rộng ra cộng đồng.
Nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn tại Hội An như The Deck house, Chuchu cafe, khách sạn Hội An Royal, khách sạn Anatara… cũng đang tích cực chung tay giảm thiểu rác thải thông qua việc hưởng ứng phong trào thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre, inox… Điển hình như anh Dương Văn Hiếu (khách sạn Hội An Chic). Hiếu đã làm phân compost tại nhà từ nguồn rác thải của khách sạn, trong 3 tháng đã tái chế 45kg rác hữu cơ thành phân compost.
Một số đơn vị khác thì “nói không” với hộp xốp hoặc dùng sản phẩm thay thế làm bằng bã mía để phục vụ khách hàng như Cocobana cafe, Vegan Beets Hội An… Ở quán chay “Đạm” nếu khách hàng muốn mua thức ăn đem đi thì buộc phải mang theo vật dụng để đựng chứ không sẵn có tại cửa hàng. Hiện nay, một vài địa điểm trên địa bàn thành phố cũng đã thử nghiệm đặt các trạm “Đổ đầy” (Refill Station) trên đường Lê Thánh Tông, Nguyễn Thị Minh Khai… để tiếp nước uống miễn phí cho du khách có mang theo bình nước, hạn chế mua chai nước nhựa.
Ngoài việc tuyên truyền vận động, tại Hội An cũng tổ chức được các nhóm cộng đồng có sự tham gia của số đông là phụ nữ thực hiện cam kết nói không với túi ny lon, rác thải nhựa và thực hiện một số hoạt động khác. Hiện nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cũng cải tiến phương pháp tập huấn bằng việc đưa người dân lên tận bãi rác để họ nhận thấy được sự ảnh hưởng về môi trường do rác thải đem lại thay vì tổ chức tại phòng họp như thông thường. TS.Chu Mạnh Trinh (chuyên gia Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) nói: “Chúng ta phải hành động để người dân nhận thấy được và gợi lên niềm tự hào về thành phố này để cùng chung tay gìn giữ môi trường, góp phần gìn giữ hình ảnh Hội An trong lành, thân thiện”. Qua quá trình học hỏi và sáng tạo, từ những phế phẩm rác thải, các tổ, hội phụ nữ cơ sở tại Hội An đã tái chế thành những vật dụng hữu ích sử dụng được hàng ngày như: giỏ rác, tranh để bàn, bình cắm hoa…
Nhiều hội, nhóm vì cộng đồng có sự tham gia đông đảo của người nước ngoài cũng đang đóng góp đắc lực vào các hoạt động thu gom, xử lý rác thải nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường. Các đơn vị như: Hội vận động tái chế rác thải của người dân Okinawa (Nhật Bản), Hoi An Cleanup, Hoi An Kayak Tours… với hoạt động thu gom rác trên sông và các địa điểm khác trên toàn thành phố đã giúp thu gom, phân loại, tái chế hàng chục tấn rác thải vương vãi ngoài môi trường. Chị Megumi (người Nhật) cho hay: “Ban đầu chúng tôi tổ chức các hoạt động khuyến khích doanh nghiệp loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần, sau đó tiến tới thành lập mạng lưới doanh nghiệp xanh để lan tỏa lối sống không rác thải trên địa bàn thành phố”. Trong khi đó, để giảm lượng rác thải nhựa thụ động, chị Alisson (người Anh) đã mở cửa hàng theo mô hình không rác thải đầu tiên tại khu vực miền Trung. Cũng với mục đích triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, đến nay đã tròn 10 năm Hội vận động tái chế rác thải người dân Okinawa đồng hành với TP.Hội An và để lại nhiều dấu ấn tích cực.
HÀ SẤU
V.GREEN VÀ SẢN PHẨM VÌ MÔI TRƯỜNG
Từ rác thải hữu cơ, nhóm sinh viên Trường Đại học Quảng Nam đã “hô biến” thành phân hữu cơ, nước tẩy rửa sinh học.
Nhóm V.Green Trường Đại học Quảng Nam ủ rác thành phân hữu cơ. Ảnh C.N |
Sản phẩm thân thiện với môi trường này của nhóm sinh viên Trường Đại học Quảng Nam (còn gọi là nhóm V.Green) đoạt giải Nhì tại Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc Euréka do Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh tổ chức.
Không chỉ là... rác
Với V.Green, chỉ cần cho rác xanh (rác nhà bếp, cọng rau thừa, vỏ trái cây...) hoặc rác nâu (mùn cưa, vỏ cà phê, lá khô...) trộn với chế phẩm vi sinh, sau gần 2 tháng là có thể tạo thành phân hữu cơ. Để giảm mùi trong quá trình ủ, cần lưu ý độ ẩm và nhiệt độ, cần giữ độ ẩm khoảng 50 - 60%. Thỉnh thoảng kiểm tra độ ẩm và để thêm rác nâu (nếu quá ẩm) hoặc thêm nước (nếu thiếu ẩm). Cách làm này khá đơn giản và phù hợp với những hộ gia đình ở đô thị, nơi có không gian sống chật hẹp. Sản phẩm phân hữu cơ của nhóm được mang đi trồng rau sạch tại Vườn thực nghiệm sinh học - bảo vệ thực vật của Trường Đại học Quảng Nam.
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Triệu Thy Hòa - Giảng viên Khoa Lý Hóa Sinh, Trường Đại học Quảng Nam, V.Green tiếp tục nghiên cứu, chế biến chất tẩy rửa sinh học (nước lau nhà, nước rửa chén) từ vỏ trái cây, vỏ rau củ quả để tạo thành một chất lỏng đánh bay dầu mỡ. Chưa hết, sau thời gian dài nghiên cứu, cũng với sự đồng hành và tận tụy của cô Triệu Thy Hòa, những thành viên của nhóm V.Green đã chiết xuất nhiều tính chất có lợi của quả cà tím, làm thành sản phẩm kem đánh răng V.Green.
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Cô giáo Triệu Thy Hòa cho hay: “Những hoạt động bảo vệ môi trường trên được tổ chức thường xuyên và nằm trong chương trình trải nghiệm thực tế môn học của nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học gắn với thực tế, sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên hiện nay. Chính vì vậy, những hoạt động này rất được lãnh đạo nhà trường quan tâm và tạo điều kiện”. Trần Đình Chiến (sinh viên Khoa Lý Hóa Sinh, Trường Đại học Quảng Nam), thành viên của V.Green chia sẻ, học chuyên ngành bảo vệ thực vật, Chiến hay trồng cây để làm thí nghiệm nhưng thiếu phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Trong khi đó, hàng ngày công nhân vệ sinh phải quét dọn lượng rác không nhỏ trong sân trường. Thế là Chiến cùng cùng nhóm bạn nghiên cứu làm phân hữu cơ từ rác vì đổ rác thải thì lãng phí và ô nhiễm môi trường. Sau khi thành công, các thành viên V.Green đến từng nhà dân hướng dẫn ủ phân bón từ rác.
Biết được việc làm của V.Green, nhiều trường học trong tỉnh cũng mời nhóm về hướng dẫn cách ủ phân để tận dụng rác hữu cơ sân trường, vừa thông qua đó giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Chương trình triển lãm “Giờ trái đất” tại Đà Nẵng và “Ecoweek” tại TP.Hồ Chí Minh đều mời nhóm tham gia. Hội Nông dân phường An Hải Tây (Đà Nẵng) cũng mời nhóm tập huấn mô hình làm chế phẩm bảo vệ môi trường. Những sản phẩm của nhóm hoàn toàn có thể đưa ra thị trường, nhưng Chiến nói, thực hiện dự án này, nhóm chỉ có mong muốn thay đổi dần nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, chứ không nghĩ đến chuyện kinh doanh.
Từng chút một, V.Green đã lan tỏa việc làm có ích cho môi trường đến với cộng đồng với hy vọng thay đổi nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ môi trường…
CHÂU NỮ