Củng cố nội lực của thị xã

QUỐC TUẤN 27/12/2018 03:43

(QNO) - Kỳ họp thứ 9 HĐND thị xã Điện Bàn (khóa XI) diễn ra trong hai ngày 25 và 26.12 đã nhìn nhận lại chặng đường tăng trưởng năng động của Điện Bàn trong năm 2018; đồng thời tích cực tìm giải pháp gỡ vướng các vấn đề còn tồn đọng.

Kỳ họp thứ 9 HĐND thị xã Điện Bàn (khóa XI)
Kỳ họp thứ 9 HĐND thị xã Điện Bàn (khóa XI). Ảnh: Q.T

Tổng thu ngân sách vượt dự toán

Với cơ cấu nền kinh tế có tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm đến khoảng 80%, nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn thị xã năm 2018 tiếp tục có bước phát triển ấn tượng khi tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 13.844 tỷ đồng (tăng 10,39% so với cùng kỳ năm 2017), tổng giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ cũng đạt hơn 8.000 tỷ đồng.

Năm 2018, tổng giá trị sản xuất của Điện Bàn (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 23.462 tỷ đồng, tăng 11,46% so với 2017. Tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 3.626 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 46,35 triệu đồng.

Trong năm, thị xã cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 19 sản phẩm. Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - Nguyễn Minh Hiếu thông tin: “Trong năm 2018 ước thu ngân sách của Điện Bàn đạt khoảng 2.383,5 tỷ đồng (đạt 141,9% dự toán HĐND thị xã giao), trong đó thu nội địa đạt khoảng 2.205,5 tỷ đồng”.

Trong các khoản thu từ sản xuất kinh doanh nội địa do Cục Thuế tỉnh quản lý thu vượt dự toán 25,3% (gần 362 tỷ đồng), đáng chú ý có Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Quảng Nam đóng góp tới gần 329 tỷ đồng.

Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, trong năm nay ngành nông nghiệp Điện Bàn đã xây dựng được vùng nguyên liệu để phát triển các chuỗi sản phẩm như: chuỗi lúa gạo Phong Thử, dầu phụng Đất Quảng, rau an toàn vùng đông… Đây cũng là tiền đề để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Trong năm 2019, Điện Bàn sẽ nỗ lực tập trung giải phóng mặt bằng sạch và đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu nhằm thu hút đầu tư tại các cụm công nghiệp chủ chốt trên địa bàn. Năm 2018 cũng là năm Điện Bàn đánh dấu khởi sắc lớn trong công tác nâng cấp, mở rộng hạ tầng với các dự án trọng điểm như: ĐT607, ĐT609, đường trục chính Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, đường Mai Đăng Chơn nối dài…

Vướng mắc cần tháo gỡ

Là đô thị non trẻ của Quảng Nam, Điện Bàn chắc chắn vấp phải nhiều tồn tại trong quá trình phát triển và thực tế thời gian qua đã có nhiều rào cản phát sinh, nhất là trong lĩnh vực đất đai và môi trường. Nhiều kiến nghị của cử tri địa phương tỏ ra quan ngại về chất lượng nước sạch, sạt lở, doanh nghiệp xả thải không phép ra môi trường, vướng mắc quyền sử dụng đất…

Xây dựng vùng nguyên liệu để phát triển thương hiệu dầu phụng đất Quảng. Ảnh: Q.T
Điện Bàn xây dựng vùng nguyên liệu để phát triển thương hiệu dầu phụng Đất Quảng. Ảnh: Q.T

Khu vực 5 phường vùng đông của thị xã hiện có tốc độ phát triển rất “nóng” nhưng không ít dự án đầu tư lại chậm triển khai, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và đà phát triển của thị xã. Kèm theo đó là những tồn tại về cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ tại các chợ, khu đô thị mới, nghĩa trang… khiến cộng đồng băn khoăn.

Dù nằm giữa hai đô thị du lịch sôi động là Đà Nẵng và Hội An, tuy nhiên du lịch của Điện Bàn thời gian qua vẫn chưa có bước chuyển động đáng kể. Du lịch biển tại các bãi biển Hà My, Viêm Đông… không khởi sắc hay du lịch sinh thái cộng đồng tại Triêm Tây đang có nguy cơ chệch hướng.

Ông Trần Hải Vân - Trưởng ban Kinh tế - xã hội HĐND thị xã nhìn nhận: “Việc cải thiện môi trường đầu tư còn chậm, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế. Một điểm cần lưu ý khác là khả năng số xã không giữ được chuẩn nông thôn mới, số khu dân cư không đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu hiện nay của Điện Bàn khá nhiều. Do đó cần làm rõ nguyên nhân, có giải pháp cụ thể khắc phục”.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN