Thông điệp bảo vệ môi trường

C.B.L 26/12/2018 01:43

Tôi vừa được một người bạn tặng chiếc bình đựng nước làm từ tre và kim loại rất tinh xảo. Chiếc bình gây sự chú ý đặc biệt cho tôi bởi nó chứa nhiều thông điệp.

Dòng chữ “Say no to single-use plastic” (Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần) chạy dọc chiếc bình được khắc chạm rất tinh tế, là “tiếng nói” trước tình trạng rác thải nhựa tràn ra môi trường, trở thành vấn đề nan giải ở nhiều quốc gia. Trên nắp chiếc bình còn khắc biểu tượng một con rùa kèm thông điệp khác: “Born to be wild” - (Sinh ra để sống hoang dã), gợi lại hình ảnh quen thuộc về sự giàu có của thiên nhiên một thời trong ký ức của tôi. Trong một bức bích họa độc đáo được vẽ ở Lý Sơn từ cuộc thi tổ chức vừa qua với chủ đề “Tôi yêu biển đảo - Sinh ra để sống hoang dã”, tôi cũng thấy rùa nhởn nhơ bơi lội trong màu nước xanh biếc với hệ sinh thái đa dạng của biển cả. Hình ảnh đó thật trái ngược với hoàn cảnh của những con rùa từng gây sự chú ý cho báo chí. Đó là những cá thể rùa còn lại hiếm hoi trong hệ sinh thái biển bị mắc bẫy ngư dân, phải qua các cuộc vận động mới được thả về môi trường tự nhiên. Hay mới đây, một con rùa trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm vào bệnh viện cấp cứu vì ăn phải rác thải nhựa...

Nỗ lực hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường từ hoạt động của cộng đồng hay cụ thể như qua chiếc bình của tôi đều hàm chứa các thông điệp. Nhiều chính sách vĩ mô của Nhà nước, cũng cho thấy “thông điệp” rằng bảo vệ môi trường là một phần vấn đề trong quá trình phát triển. Thế nhưng cách đây mấy ngày, từ một chia sẻ trên mạng xã hội, tôi không thể ngạc nhiên hơn về trường hợp “lọt lưới” của một doanh nghiệp gián tiếp xả rác thải nhựa ra môi trường. Cộng đồng mạng chia sẻ một tập đoàn chuyên sản xuất bao bì giấy carton tráng nhựa và nhôm bên trong được cho là đã bán được hơn 8,1 tỷ sản phẩm cho các ngành công nghiệp sữa và nước dinh dưỡng uống liền ở Việt Nam, và chỉ một số ít sản phẩm này được tái chế sau khi sử dụng, còn phần lớn bị vứt ra môi trường. Điều làm nhiều người ngạc nhiên bởi tập đoàn từ Thụy Điển - một quốc gia có tiếng là văn minh, lại có thể sản xuất ra hàng tỷ hộp giấy carton tráng nhựa/nhôm dùng một lần, tiêu thụ ở Việt Nam mỗi năm, hưởng lợi rất nhiều từ các dự án nâng cao dinh dưỡng mà lại không có kế hoạch hay dự báo cho chính quyền về thảm họa môi trường của thứ mà họ sản xuất ra. Họ lại còn tự hào nói rằng “đã dạy cho dân Việt Nam về sự tiện lợi và an toàn của việc uống sữa từ một hộp giấy carton tiện lợi và luôn có sẵn mọi lúc mọi nơi”.

Câu chuyện trên đã cho ta “thông điệp” gì, đây có phải là vấn đề của môi trường trong quá trình phát triển? Rằng Nhà nước sẽ có những chế tài buộc doanh nghiệp như trong trường hợp này phải có trách nhiệm với môi trường - cũng tương tự như với người dân, Bộ Tài chính đã có văn bản hối thúc các bộ ngành liên quan sớm có đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải? Thôi thì đừng bàn đến chữ công bằng, hãy nên nói về cái cách mà ta bảo vệ môi trường bằng nguồn lực của dân!

C.B.L

C.B.L