Nhiều địa phương thiệt hại, thêm một người chết do nước cuốn (clip)

11/12/2018 02:49

Báo Quảng Nam online đang cập nhật...

Tin liên quan

  • Quốc lộ 40B xuống cấp nặng sau mưa lớn
  • Dự báo mưa lũ vẫn tiếp diễn phức tạp
  • Núi Thành: Nhiều nơi nước dâng bất ngờ, tràn vào nhà dân
  • Khu vực chợ Tam Kỳ ngập hoàn toàn sâu hơn 2m
  • BVĐK Quảng Nam: Lo cho người bệnh trong lũ
  • Thăng Bình: Sạt lở hơn 100m đường nối ven biển lên cao tốc
  • Tam Kỳ: Tiểu thương, người tiêu dùng gặp khó vì ngập lụt
  • Núi Thành: Ngập cục bộ vùng trũng thấp, nông dân thiệt hại

(QNO) - Hôm nay 11.12, ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Nam online ở nhiều địa phương cho thấy nhiều thiệt hại do nước lụt gây ra, thêm một người dân chết do nước cuốn ở Thăng Bình - nâng số lượng người chết trong đợt mưa lớn này lên 3 người.

Sáng 11.12, ông Nguyễn Ba - Chủ tịch UBND xã Bình Triều (Thăng Bình) cho biết, người dân địa phương đã phát hiện thi thể ông Hồ Kỉnh (60 tuổi, trú thôn Hưng Mỹ) - bị nước cuốn tích mất tích hôm qua (10.12).

Theo đó, sáng 10.12 trên địa bàn xã có mưa lớn, các nước mương chảy xiết và có nhiều điểm đất cát sụt lún nghiêm trọng. Ông Kỉnh đi đắp mồ mã từ nghĩa trang trở về, cố vượt qua mương nước và bị cuốn trôi.

Trước đó, trên địa bàn Thăng Bình cũng có một phụ nữ bị nước cuốn tử vong. (HỒ QUÂN)

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, hiện mực nước trên sông Tam Kỳ đang xuống chậm. Mực nước lúc 9 giờ sáng nay (11.12) là 2,94m, trên mức báo động 3 là 0,24m. Dự báo trưa và chiều nay, mực nước trên sông Tam Kỳ tiếp tục xuống chậm, ở trên mức báo động 2. Cần đề phòng ngập úng tại những vùng trũng thấp. (M.L)

* Trưa nay 11.12, ông Châu Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ thông tin với Báo Quảng Nam việc một dân quân tự vệ của xã tử vong tại nhà sau một ngày vất vả tham gia công tác cứu hộ.

Đó là anh Trương Văn Được (30 tuổi, trú thôn Mỹ Cang), là dân quân tự về tại chỗ của thôn Mỹ Cang, thành viên đội cứu hộ dân vũng lũ của thôn, xã.

Trong ngày 10.12 anh Được cùng với nhiều thành viên trong đội lực lượng cứu hộ đến nhiều nơi bị ngập lũ, di dời, sơ tán dân bị cô lập. Đến khoảng 23 giờ đêm cùng ngày anh Được mới lội nước lũ trở về nhà.

Khoảng 8 giờ sáng nay 11.12, người dân phát hiện anh Được nằm cạnh gốc khế trong vườn nhà, đã tử vong... Anh Được chưa có vợ, hiện còn một mẹ già gần 80 tuổi. (N. DƯƠNG)

* Sáng 11.12, ghi nhận của PV ở khối phố Trường Đồng (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ), nước vẫn còn ngập sâu. Hàng trăm hộ dân ở khu vực này phải sơ tán.

Nước bao vây nhiều hộ dân ở khối phố Trường Đồng. Ảnh: T.C
Nước bao vây nhiều hộ dân ở khối phố Trường Đồng. Ảnh: T.C

Mời bạn đọc xem clip:

Nước bao vây nhiều nhà dân ở khối phố Trường Đồng. Người dân muốn đi lại, vận chuyển đồ đạc phải dùng ghe để di chuyển. Gia súc được đưa lên tầng cao, nhiều nơi nước ngập lên đến hơn 2m. Đồ đạc, vật dụng không thể di dời kịp, bị hư hại hoàn toàn.

Người dân phải di chuyển hoàn toàn bằng ghe. Ảnh: T.C
Người dân phải di chuyển hoàn toàn bằng ghe. Ảnh: T.C

Ông Bùi Đức - Khối phố trưởng khối phố Trường Đồng cho biết, có khoảng 140 hộ dân của khối phố bị ảnh hưởng nặng nề do nước ngập. “Nước lên quá nhanh, người dân không thể di chuyển đồ đạc, chỉ kịp đưa người đến nơi an toàn để trú ẩn. Thiệt hại chưa được thống kê cụ thể, tuy nhiên rất nhiều người không kịp chuyển lúa, đồ đạc, máy móc lên cao nên bị nước ngập hư hại hoàn toàn” - ông Đức nói.

Sáng 11.12, nước rút chậm, nhiều nơi vẫn còn gần 2m. Ảnh: T.C
Sáng 11.12, nước rút chậm, nhiều nơi vẫn còn ngập gần 2m. Ảnh: T.C

Trong ngày hôm qua (10.12), chính quyền phường Tân Thạnh cùng lực lượng dân quân, dân phòng đã xuống tăng cường giúp dân khối phố Trường Đồng đi sơ tán. Các hộ sống nơi không bị nước ngập đã cho người dân ở tạm, ăn uống, sinh hoạt trong nhà chờ nước rút.

Anh Trần Văn Tịnh vớt số lúa bị nước ngập ướt mang đi phơi. Ảnh: T.C
Anh Trần Văn Tịnh vớt số lúa bị nước ngập ướt mang đi phơi. Ảnh: T.C

Anh Trần Văn Tịnh (SN 1977) - người dân khối phố Trường Đồng cho biết, do nước ngập nhanh, dù đã kê lúa, đồ đạc lên cao nhưng nước tràn vào nhà đến hơn 2m làm ướt hơn 1,5 tấn lúa cùng toàn bộ trang thiết bị đồ dùng trong nhà. Trong sáng nay, gia đình anh phải dùng ghe vớt số lúa chìm trong lũ mang lên nơi cao ráo để phơi. “Chỉ mong trời khô ráo để lúa không bị hư hại. Ti vi, tủ lạnh và các vật dụng khác không vớt kịp nên đành ngâm trong nước lũ, hư hỏng hoàn toàn” - anh Tịnh nói.

Đồ đạc, vật dụng không chuyển kịp bị ngâm trong nước. Ảnh: T.C
Đồ đạc, vật dụng không chuyển kịp bị ngâm trong nước. Ảnh: T.C

Gia đình anh Trần Tấn Mỹ (SN 1975) ở đường Tôn Thất Tùng hiện cho 4 gia đình ở nhờ trong những ngày ngập lụt. Anh Mỹ cho biết, 4 hộ ở nhờ là người già, người lớn tuổi được anh ưu tiên nhường chỗ ngủ, nấu cơm cho bà con tá túc. “Ở khu này cao ráo, không bị ngập lụt nên nhà nào cũng cho ở nhờ từ 3 - 7 hộ. Trong điều kiện khó khăn nên bà con đều sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau trước khi có sự hỗ trợ lương thực thực phẩm từ phía chính quyền” - anh Mỹ nói. (THÀNH CÔNG)

* UBND huyện Phú Ninh cho biết, đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 8 - 10.12 đã thiệt hại nặng nề, khoảng 1.000 ngôi nhà bị chìm trong nước, nhiều tuyến giao thông hư hỏng.

Sạt lở xảy ra một số nơi trên địa bàn huyện Phú Ninh.
Sạt lở xảy ra một số nơi trên địa bàn huyện Phú Ninh. Ảnh: T.T

Tính đến 16 giờ chiều qua 10.12, trên địa bàn huyện Phú Ninh có 1 ngôi nhà bị sập mái (nhà bà Võ Thị Hội, xã Tam Đại), hiện đã đưa đến ở nhà người thân. Mưa lũ làm hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng; sạt lở mái taluy bên trái tuyến ĐH2.PN tại km5+675, chiều dài sạt lở khoảng 20m, dự kiến khối lượng khoảng 300m3; tràn đất trên mặt đường đoạn km7+150 (đoạn trước UBND xã Tam Đại). Sạt lở taluy bên phải tuyến ĐH4.PN tại km3+570, km4+480, km5+100 và km6+700, dự kiến khối lượng khoảng 400m3­; xói lở, hư hỏng 10m mương dọc bê tông tại km6+800…

Hơn 1.920 con gia cầm bị chết, 4 tấn lúa bị ngập nước.

Sáng cùng ngày, ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, tuyến đường Tam Dân - Tam Lãnh bị sạt lở taluy dương gây ách tắc nghiêm trọng. Đơn vị cũng đang điều xe múc đến khắc phục. (THANH THẮNG)

* Tại Đại Lộc, các đợt mưa to liên tiếp những ngày qua khiến cho dòng nước dữ từ phía thượng lưu cầu Lộc Mỹ, trên tuyến ĐT609 (địa phận xã Đại Quang) ào ạt đổ xuống phía hạ lưu, gặp đập dâng Cầu Chìm nên chuyển hướng gây xói lở hai bên bờ.

Nước chảy từ thượng lưu xuống hạ lưu cầu Lộc Mỹ (người dân gọi là cầu Chìm). Ảnh: CT
Nước chảy từ thượng lưu xuống hạ lưu cầu Lộc Mỹ (người dân gọi là cầu Chìm). Ảnh: C.T

Ghi nhận tại hiện trường sáng nay 11.12, nước chảy xuống gặp đập dâng Cầu Chìm cản lại nên đổi hướng xói lở bờ bên phải (thôn Tam Hòa) rồi tiếp tục theo địa hình hình chữ Z xói vào bờ trái (thôn Trường An, cùng xã Đại Quang) và đổ ra sông Vu Gia.

Tình trạng xói lở đất hoa màu, cây cối diễn ra ngày càng nghiêm trọng, chỉ cách nhà dân bên phải chừng vài chục mét, cách vườn nhà dân bờ trái chưa đến 2m. Trú ở tổ 1, thôn Trường An - ông Trần Tám Anh không giấu được nỗi bất an khi nước xói sâu vào bờ, cuốn trôi mấy bụi tre và hơn 2/3 nền, mặt đường bê tông xi măng chạy vào xóm ông ở, gồm có 6 hộ.

Dòng nước gây xói lở đất sản xuất hoa màu bờ bên phải. Ảnh: CT
Dòng nước gây xói lở đất sản xuất hoa màu bờ bên phải. Ảnh: C.T

Theo người dân địa phương, tình trạng trên xảy ra từ hôm qua (10.12) và tiếp tục diễn biến phức tạp. Họ cho biết, đập dâng Cầu Chìm mới đưa vào sử dụng trong năm nay, mục đích giữ nước ở phía thượng lưu cứu hạn cho diện tích lúa trên địa bàn. Khi cần thiết, máy bơm sẽ vận hành bơm nước từ sông Vu Gia, qua khỏi đập dâng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế, người có trách nhiệm chưa tham vấn ý kiến cộng đồng, đặc biệt là những người dân có kinh nghiệm để thiết kế cho phù hợp, tránh gây xung đột với dòng chảy vào mùa mưa lũ.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Đại Quang - ông Mai Anh Sơn cho hay, công trình này do huyện Đại Lộc làm chủ đầu tư. Ngay khi sự cố xảy ra hôm qua, xã lập tức báo cáo huyện lên kiểm tra, có hướng khắc phục khẩn cấp để tránh tình hình thiệt hại diễn ra nghiêm trọng hơn.

Bờ đất bên trái cũng bị rơi xuống nước vì xói lở. Ảnh: CT
Bờ đất bên trái cũng bị rơi xuống nước vì xói lở. Ảnh: C.T
Cây cối bị cuốn trôi. Ảnh: CT
Cây cối bị cuốn trôi. Ảnh: C.T
Địa điểm hạ lưu dòng nước chảy ra sông Vu Gia. Ảnh: CT
Địa điểm hạ lưu dòng nước chảy ra sông Vu Gia. Ảnh: C.T
Nước dữ
Nước dữ "tránh" đập dâng và chuyển hướng qua bên phải. Ảnh: C.T
Người dân thôn Tam Hòa ở bên phải lo lắng trước tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến xấu. Ảnh: CT
Người dân thôn Tam Hòa ở bên phải lo lắng trước tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến xấu. Ảnh: C.T
Đường giao thông bị sạt lở hơn 2/3 mặt đường. Ảnh: CT
Đường giao thông bị sạt lở hơn 2/3 mặt đường. Ảnh: C.T

Mưa lũ còn diễn biến phức tạp, theo dự báo từ ngày mai sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to, nếu các bên có trách nhiệm không xử lý kịp thời thì sạt lở đất sẽ thâm nhập vào khu dân cư không còn là nguy cơ. (CÔNG TÚ)

* Mưa lớn kéo dài khiến bờ ta luy đoạn đường lên cầu Bà Ngôn, bắc ngang qua cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thôn Trung Đàn, xã Tam Đại, Phú Ninh) bị sạt lở nhiều điểm.

Nhiều vị trí sạt lở đã ăn sát vào trục đường trải nhựa đoạn đường cầu Bà Ngôn.
Nhiều vị trí sạt lở đã ăn sát vào trục đường trải nhựa đoạn cầu Bà Ngôn. Ảnh: V.V

Dọc hai bên ta luy tuyến đường lên cầu Bà Ngôn, nhiều đoạn nước mưa chảy thành rãnh gây sạt lở. Vị trí sát với mố cầu, xuất hiện nhiều rãnh nước gây sạt lở hơn 50cm. Nhiều đoạn xuất hiện các rãnh sạt lở liên tiếp, phô lên toàn đá và trơ khung bê tông.

Vị trí sát mố cầu xuất hiện rãnh sạt lỡ to gần 1m.
Vị trí sát mố cầu xuất hiện rãnh sạt lỡ to gần 1m. Ảnh: V.V

Ghi nhận tại hiện trường vào trưa 11.12, trời đã tạnh mưa hẳn, hai bên ta luy đường nhiều đoạn rãnh nước phô ra toàn đá. Bà Lương Thị Nhì (thôn Trung Đàn) cho biết trước, khi mưa lớn diễn ra nhiều đoạn đã xuất hiện tình trạng sạt lở. Mưa lớn hai ngày qua khiến nhiều điểm bị sạt lở nặng, lượng đất đá đổ xuống đoạn đường giao thông trước kia rất nhiều.

Sau khi mưa lớn, nhiều đoạn 2 bên ta luy đường phô ra toàn đá.
Sau khi mưa lớn, nhiều đoạn hai bên ta luy đường phô ra toàn đá. Ảnh: V.V

Qua tìm hiểu thông tin từ phía người dân, do còn nhiều vướng mắc trong việc thi công công trình, nên nhà thầu thi công đường lên cầu Bà Ngôn, đoạn bắc qua đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa hoàn thành kè hai bên ta luy đường trước mùa mưa lũ năm nay. (VĂN VIỆT)