Cộng đồng và giá trị di sản
Sau 19 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4.12.1999 - 4.12.2018), Hội An và Mỹ Sơn đã có những bước đi rõ ràng, hướng tới sự phát triển bền vững. Trong đó, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị - là thành quả lớn nhất mà 2 Di sản Văn hóa thế giới ở Quảng Nam đạt được.
Phát triển dựa vào di sản ở Hội an cần sự cân bằng giữa các nhóm dân cư. Ảnh: L.Q |
Chủ thể của di sản
Thực tế, cộng đồng dân cư tại vùng di sản được hưởng lợi khá lớn từ chính việc họ cùng chung tay bảo tồn các giá trị tiền nhân để lại. Ông Trần Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, hầu như người dân Hội An, từ cán bộ đến từng người dân, từ cả hệ thống chính trị đến các cấp ngành chính quyền đều nhận rõ về trách nhiệm, ý thức phải giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, thiên nhiên để làm kinh tế du lịch, đem lại lợi ích cho cộng đồng. “Chúng tôi đều hiểu rằng, sự mất còn của di sản chính là sự mất được về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân Hội An không chỉ cho hôm nay mà cả mai sau. Cho nên việc đưa các chủ trương, đề án của thành phố vào đời sống khá dễ dàng vì ý thức của cộng đồng cư dân. Từng người dân đã có ý thức cao trong việc chấp hành các quy định về sửa chữa, tu bổ các ngôi nhà, di tích cũng như biết lựa chọn cách làm đẹp ngôi nhà, cơ sở kinh doanh của mình theo xu hướng kiến trúc, môi trường cảnh quan truyền thống, sinh thái - văn hóa” - ông Trần Văn Sơn chia sẻ. Đời sống kinh tế của người dân Hội An được phát triển và đi theo mức hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần, phúc lợi xã hội của cộng đồng nâng cao vượt bậc. Thu nhập bình quân đầu người ở Hội An hiện nay đạt gần 40 triệu đồng/năm.
Mỹ Sơn trong đường hướng phát triển mới sẽ dựa vào cộng đồng địa phương nhiều hơn. |
Trong khi đó, tại quần thể khu đền tháp Mỹ Sơn, người dân các xã Duy Phú, Duy Tân... đã hiểu như thế nào là bảo tồn, trùng tu di tích. Gần 100 thanh niên địa phương trở thành công nhân trùng tu di tích - cánh tay đắc lực của các nhóm chuyên gia trùng tu di tích đến từ các quốc gia. Ông Phan Hộ - Trưởng ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, cộng đồng địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực từ việc cùng ban quản lý tham gia giữ rừng phòng hộ, con em người địa phương làm việc tại khu đền tháp ngày càng nhiều hơn cũng như họ đã tính toán đến việc tạo lập các cảnh quan cũng như thêm nhiều dịch vụ phụ trợ cho vùng đệm Mỹ Sơn. Một số sản phẩm địa phương đã được giới thiệu tiêu thụ tại di tích như đá mỹ nghệ, chè vối, chè lá dung, chuối hột, gốm thủ công, lưu trú, ẩm thực… từ chính đôi tay của cộng đồng người dân tại đây.
Cân bằng giữa cộng đồng dân cư
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chia sẻ, trong nhiều năm qua, Quảng Nam xác định di sản - di tích luôn ở trong đời sống xã hội, nhân dân, cộng đồng địa phương vừa là chủ sở hữu, là người sáng tạo, bảo vệ và hưởng thụ những giá trị di sản văn hóa mang lại. Thông qua việc phát huy vai trò cộng đồng cư dân ở địa phương, với nhiều hình thức, từ xây dựng môi trường văn hóa, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa, các giá trị nhân văn, các hệ giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng dân cư, làm cho cộng đồng gắn bó với di sản và xác định rằng mình là chủ thể di sản. Từ khi Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới, các nghị quyết, chương trình hành động, đề án về bảo tồn và phát triển văn hóa Quảng Nam nói chung, các cơ chế chính sách của tỉnh đều xuất phát từ việc phát huy vai trò của cộng đồng, sự sáng tạo của cấp địa phương lên hàng đầu.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, khi sự phát triển nhờ vào du lịch của di sản sẽ thúc đẩy cộng đồng cư dân phát triển, thì một bộ phận cư dân khác lại phải chịu tác động của chính sự tăng trưởng này. Một nhóm nghiên cứu của UNESCO do TS.Robyn Bushell dẫn đầu đã đưa ra một thực trạng rằng, dù tỷ lệ hộ nghèo của Hội An thấp hơn mức trung bình toàn quốc, năm 2010, chỉ có 3,85% dân số Hội An xếp dưới ngưỡng nghèo theo Ngân hàng Thế giới (WB), nhưng lại có rất nhiều “người lao động nghèo” - không bị xếp dưới ngưỡng nghèo nhưng đời sống hằng ngày lại chật vật , đặc biệt tại những nơi mà du lịch kéo theo sự gia tăng về của cải vật chất và chi phí, từ chi phí cho thực phẩm, nước, điện, nhiên liệu, tạo khó khăn cho việc tiếp cận sinh kế và thị trường do sự gia tăng của các chuẩn mực. Cũng như vậy, không phải hộ gia đình nào ở thôn Mỹ Sơn cũng có điều kiện tham gia Làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn. Hẳn đây sẽ là vấn đề để địa phương phải tìm cách cân bằng khi xác định bước vào con đường phát triển bền vững.
LÊ QUÂN