Những thông tin từ biểu đồ biến đổi khí hậu
(QNO) - Trước thềm hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) lần thứ 24 (COP-24) diễn ra tại Ba Lan vào ngày 3.12, các nhà khoa học liệt kê các thông tin những mong thế giới sẽ hạn chế tình trạng BĐKH và sự ấm lên toàn cầu.
Năm 2018 sẽ là năm nóng nhất thứ 4 liên tiếp kể từ năm 2015. Ảnh: cw9 |
Trái đất đang nóng dần lên
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) vừa cho biết, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn gần 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900). Các năm 2015, 2016, 2017 và 2018 sẽ là 4 năm liên tiếp nóng nhất trong lịch sử.
Liên hiệp quốc cảnh báo, nhiệt độ trung bình sẽ tăng 3 đến 5 độ C từ nay đến cuối thế kỷ nếu nhân loại không hành động để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khi đó, thế giới sẽ đối mặt các thảm họa tàn khốc như nước biển dâng, thiên tai.
Nhiệt độ giới hạn trung bình toàn cầu
Liên hiệp quốc cho biết việc giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp sẽ ngăn chặn sự tàn phá nặng nề nhất của BĐKH. Nhưng để đạt được mục tiêu, tránh được những thảm kịch thiên tai tồi tệ nhất có thể xảy ra, lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 2030 cần được cắt giảm 45% so với lượng khí thải năm 2010 và phải đạt “tổng bằng 0” vào năm 2050.
Những quốc gia phát thải lớn nhất
Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia xả khí thải nhiều nhất, chiếm hơn 40% tổng ượng phát thải toàn cầu - theo số liệu năm 2017 từ trung tâm nghiên cứu của Ủy ban châu Âu và cơ quan đánh giá môi trường PBL của Hà Lan. Thế nhưng vào tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ rút khỏi thỏa thuận chống BĐKH, được ký kết 18 tháng trước đó nhân hội nghị của Liên hiệp quốc về BĐKH (COP-21) tại Paris của Pháp.
Nhiều khu đô thị bị đe dọa
Nhiều thành phố tại châu Phi và châu Á không tránh khỏi những rủi ro vì nhiệt độ trái đất tăng cao và thời tiết khắc nghiệt - theo báo cáo của các nhà phân tích rủi ro Verisk Maplecroft.
Trong khi đó, WMO cảnh báo băng trên biển Bắc Cực đang tan chảy nhanh hơn dự kiến, cho thấy những thay đổi lớn trong hệ thống khí hậu. Thêm vào đó, hòn đảo băng giá Greenland nằm gần Bắc Cực tan chảy khiến nhiều thành phố lớn có nguy cơ xóa sổ.
Tuần hành vì khí hậu lớn nhất từ trước đến nay tại Bỉ. Ảnh: EPA |
Kêu gọi hành động
Các nhà khoa học nói rằng tất cả chúng ta phải thực hiện “những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có” đối với lối sống của mình, để tránh sự thay đổi khí hậu gây tổn thương như giảm việc thải ra các khí gây hiệu ứng nhà kính, trồng rừng.
Hội nghị COP-24 diễn ra tại TP.Katowice của Ba Lan trong 12 ngày đòi hỏi các nhà đàm phán tới từ gần 200 quốc gia phải thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ để vượt qua các rào cản và đạt được mục tiêu đề ra, nếu quyết tâm hành động để ngăn chặn trái đất nóng lên.
Trước một ngày diễn ra hội nghị COP-24, hơn 70.000 người đã tham gia tuần hành vì khí hậu lớn nhất từ trước đến nay trên các đường phố thủ đô Brussels của Bỉ, trong một cuộc biểu dương lực lượng với khẩu hiệu “Hãy bảo vệ khí hậu”.
QUỐC HƯNG