Phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ: Còn nhiều rào cản

QUỐC TUẤN 28/11/2018 09:25

(QNO) - "Số lượng doanh nghiệp (DN) khoa học công nghệ tại Việt Nam hiện vẫn còn khá khiêm tốn, tuy nhiên đang có những bước phát triển chậm mà chắc và góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta", đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Trần Văn Tùng tại hội thảo liên quan đến vấn đề này được tổ chức ngày 28.11 tại TP.Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng (giữa) chủ trì hội thảo. Ảnh: Q.T
Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Trần Văn Tùng (giữa) chủ trì hội thảo. Ảnh: Q.T

Những dấu ấn

Tính đến tháng 8.2018, cả nước có 386 DN được cấp giấy chứng nhận DN khoa học công nghệ (tăng 83 DN so với tháng 8.2017). Bên cạnh đó còn nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận được các sở khoa học - công nghệ tiếp nhận và đang trong quá trình thẩm định, họp hội đồng đánh giá.

DN khoa học công nghệ được cấp giấy chứng nhận dàn trải ở cả 7 lĩnh vực công nghệ, trong đó chủ yếu gồm: công nghệ sinh học (44%), công nghệ tự động hóa (27%), công nghệ vật liệu mới (13%)...  Theo số liệu thống kê, các DN khoa học công nghệ đã góp phần giải quyết hơn 22.700 việc làm cho xã hội và tổng lợi nhuận trước thuế đạt 9.836 tỷ đồng, có 43 doanh nghiệp có doanh thu hơn 100 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Trần Văn Tùng thông tin, nhờ vào chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như áp dụng khoa học công nghệ, toàn bộ phụ phẩm cá, tôm xuất khẩu đã được tái chế biến trở thành nhiều sản phẩm có ích cho con người phục vụ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp...

Đòn bẩy cho các DN khoa học công nghệ ra đời và phát triển chính là các cơ sở ươm tạo. Theo số liệu của Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ (Bộ Khoa học - công nghệ), hiện cả nước có khoảng 30 cơ sở ươm tạo, 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và gần 70 khu làm việc chung dành cho khởi nghiệp (tăng tới 60% so với năm 2017).

Tại hội thảo, ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Đà Nẵng) chia sẻ, 5 năm qua đơn vị đã ươm tạo được 2 DN khoa học công nghệ và 15 DN đổi mới sáng tạo.

Rào cản cần tháo gỡ

Sản phẩm, hàng hóa từ kết quả của nghiên cứu khoa học công nghệ thường là sản phẩm mới. Để phát triển thị trường đòi hỏi không chỉ đáp ứng yêu cầu về chất lượng mà còn phải có kế hoạch kinh doanh phù hợp, đảm bảo nguồn lực tài chính, chiến lược giới thiệu..., quá trình này đòi hỏi nguồn vốn lớn nên thường tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hệ sinh thái khởi nghiệp chất lượng sẽ là đòn bẩy ra đời các DN khoa học công nghệ, Ảnh: Q.T
Hệ sinh thái khởi nghiệp chất lượng sẽ là đòn bẩy ra đời các DN khoa học công nghệ. Trong ảnh: Không gian hoạt động tại Vườn ươm DN Đà Nẵng. Ảnh: Q.T

Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ cho rằng, việc xa các trung tâm nghiên cứu, thiếu các nguồn thông tin về kết quả nghiên cứu khiến cho các DN ở nhiều địa phương khó khăn khi có nhu cầu đổi mới công nghệ, cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh.

Theo ông Lý Đình Quân, việc ươm tạo các DN khoa học công nghệ hết sức khó khăn ở các khâu: tuyển chọn dự án ươm tạo, huy động mạng lưới chuyên gia chất lượng và làm sao có nguồn vốn giúp DN tư nhân. Ông Quân cũng cho rằng, hiện nay môi trường làm việc, văn hóa DN đang là những rào cản lớn để phát triển DN khoa học công nghệ. Và chỉ có những hệ sinh thái khởi nghiệp chất lượng mới có thể nhanh chóng tạo ra được các DN khoa học công nghệ có tiềm lực.

Nhiều lãnh đạo các DN cũng băn khoăn cơ chế ưu đãi về vốn, thuế, đất đai... và kiến nghị cần phải có cơ chế, chuyên đề ưu đãi rõ ràng, cụ thể DN nào được hưởng; đồng thời tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp bằng sở hữu trí tuệ cho các DN khoa học công nghệ trong nước. 

Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Tạ Quang Minh lý giải, về vấn đề cấp bằng sở hữu trí tuệ không có sự phân biệt trong việc cấp văn bằng bảo hộ cho mọi sản phẩm, đối tượng. Khi DN đã nộp thủ tục xin cấp bằng sở hữu trí tuệ thì cứ an tâm khai thác, thương mại hóa và có quyền ý kiến khi bị các đơn vị xâm phạm sản phẩm trí tuệ trong thời gian chờ được cấp bằng.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN