Mất cân bằng giới tính khi sinh đã ở mức nghiêm trọng
(QNO) - Dự án Luật Dân số đang được Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện tạo cơ sở pháp lý cao nhất giải quyết toàn diện công tác dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số; chuyển trọng tâm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra ở hầu khắp cả nước. Ảnh: H.S |
Điều chỉnh vấn đề mới phát sinh
Hiện nay, có những thay đổi khác biệt về vấn đề kinh tế - xã hội, dân số cần pháp luật điều chỉnh để giải quyết toàn diện cả về quy mô cơ cấu, phân bố và nâng cao chất lượng dân số để đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. GS-TS. Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu dân số, gia đình và trẻ em cho rằng: "Thông điệp truyền thông dân số hiện nay vẫn rất quan trọng và khác với vài thập niên trước bởi những vấn đề mới phát sinh".
Mức sinh giữa các vùng vẫn còn chênh lệch đáng kể. Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi phụ nữ ở khu vực Đông Nam Bộ chỉ sinh 1,46 con trong khi khu vực trung du và miền núi phía Bắc khoảng 2,63 con. Tính theo địa phương, Hà Tĩnh có mức sinh cao nhất với 3,21 con/phụ nữ và TP.Hồ Chí Minh thấp nhất với 1,24 con/phụ nữ.
Vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh hiện cũng đã ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Tuy xuất hiện sau một số quốc gia (bắt đầu từ năm 2006) nhưng ở Việt Nam thực trạng này tăng với tốc độ nhanh, từ 108,6 bé trai/100 bé gái năm 2006 lên 112,2 bé trai/100 bé gái vào năm 2016.
Vấn đề phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng cũng là yêu cầu bức thiết được đặt ra trong dự thảo Luật Dân số bởi nước ta sắp đạt đỉnh dân số vàng (dự kiến vào năm 2020 với 70% dân số trong độ tuổi lao động). Theo GS-TS. Nguyễn Đình Cử, giai đoạn dân số vàng ở nước ta còn kéo dài khoảng 24 năm nữa nên rất cần nâng cao chất lượng dân số (chỉ số HDI nước ta xếp 115/188 quốc gia vào năm 2015) để nắm bắt cơ hội đưa đất nước phát triển, nếu không sau đó sẽ bắt đầu già hóa dân số với tốc độ nhanh.
Phân bố dân số, quản lý dân cư cũng còn nhiều bất cập và được đại biểu đến từ các Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình ở khu vực miền Trung nêu góp ý trong hội thảo "Chính sách pháp luật dân số và góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Dân số" diễn ra ngày 13.11 tại TP.Đà Nẵng. Các đại biểu đến từ Bình Định, Đắk Lắk góp ý: Để tái định cư, nhất là cho đồng bào miền núi được bài bản và hiệu quả thì vấn đề giải quyết việc làm ổn định cho người dân chính là mấu chốt để họ an cư, lạc nghiệp.
Thể chế hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW
Dự án Luật Dân số cần thể chế hóa các nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra. Đó là duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, dân số già; phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số; đặc biệt là các vấn đề trước sinh, sơ sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản...
Theo ông Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - thanh tra (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình), đối với dự án Luật Dân số, các chính sách đã được Chính phủ thông qua khi lập đề nghị xây dựng dự án bao gồm: duy trì mức sinh thay thế và quy định về số con, phá thai an toàn, khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát bệnh tật bẩm sinh để nâng cao chất lượng dân số, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, lồng ghép biến dân số trong kế hoạch phát triển.
Quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân số và nâng cao chất lượng dân số là các nội dung cần thể chế hóa Nghị quyết số 21-NQ/TW. Để thống nhất các chính sách trong dự án Luật Dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ xin ý kiến các bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan về nội dung các chính sách, thực hiện đánh giá tác động các chính sách theo quy định.
HÀ SẤU