Đại biểu Nguyễn Quang Dũng tranh luận tại phiên chất vấn

VĂN HIẾU 01/11/2018 02:19

(QNO) - Hôm qua 31.10 diễn ra phiên chất vấn với các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng tranh luận tại phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng tranh luận tại phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời thỏa đáng vấn đề phải hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung mà đại biểu Lê Thị Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đã chất vấn.

Tuy nhiên, vẫn có một số đại biểu chưa đồng tình, đại biểu Nguyễn Quang Dũng cho rằng việc trả lại hồ sơ điều tra bổ sung là một chế định được quy định trong Luật Tố tụng hình sự và nhằm mục đích hạn chế oan sai, bỏ lọt tội phạm. Do đó mà việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng là việc bình thường, trên thực tế những năm gần đây việc trả hồ sơ điều tra bổ sung của các cơ quan tố tụng có chiều hướng ngày càng giảm.

Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong năm 2018 tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung đã giảm 0,9%, hiện tại chỉ còn 2,6%. Đây là một tiến bộ và cho rằng trong năm 2019 tiếp tục giảm 1%, đến hết nhiệm kỳ thì đã dần tiệm cận đến con số 0%. Còn căn cứ đánh giá trả hồ sơ điều bổ sung thì theo quy định của luật về những điều kiện để trả như: thủ tục, chứng cứ, bỏ lọt tội phạm… đã được quy định trong luật và các cơ quan tố tụng tiến hành thực hiện vấn đề này thì cũng đúng quy định của luật.

Về tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm giảm so với năm 2017, đại biểu Nguyễn Quang Dũng cho rằng có một nguyên nhân, đó là con số tuyệt đối về tin báo tố giác tội phạm tăng, trong khi biên chế không tăng dẫn đến tỷ lệ giải quyết có giảm là hợp lý.

Về việc đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) chất vấn vụ việc Công ty Thuận Phong (sản xuất phân bón) đã đảm bảo yếu tố cấu thành tội phạm, gây bức xúc lớn trong hàng triệu nông dân Việt Nam nhưng đã gần 4 năm vẫn chưa được khởi tố, đại biểu Nguyễn Quang Dũng cho rằng phát biểu như vậy cử tri có thể hiểu sai về ngành kiểm sát.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Quang Dũng tranh luận: Thứ nhất, các cơ quan tố tụng hoạt động trên cơ sở quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, đó là nguyên tắc luật định. Việc xác định một vụ việc có dấu hiệu tội phạm có được khởi tố, điều tra hay không thì phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thứ hai, trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định đối với các vụ việc bắt buộc phải được trưng cầu giám định tư pháp, trong đó có việc giám định tư pháp đối với những trường hợp hàng giả, tiền giả, thuốc chữa bệnh giả, tức là phải xác định được thật hay giả thì mới đủ yếu tố xử lý về hình sự, để các cơ quan tố tụng định tội và lượng hình.

Do đó, khi đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng vụ việc ở Công ty Thuận Phong đã đủ yếu tố xác định tội phạm là chưa xác đáng. Và việc ví von rằng viện kiểm sát được trao “thượng phương bảo kiếm”, theo đại biểu Nguyễn Quang Dũng, cho dù được trao “thượng phương bảo kiếm” thì cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật, chứ không thể tùy tiện “tiền trảm hậu tấu”.

Vì vậy đại biểu Nguyễn Quang Dũng cho rằng trong trường hợp này thì trả lời của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí là rất sát đúng và tuân thủ các quy định của luật pháp về giám định tư pháp. Các cơ quan tố tụng được trưng cầu giám định bổ sung và trưng cầu giám định lại khi có căn cứ, có nghĩa rằng riêng về tiến trình trưng cầu giám định cũng có thể được nhiều lần.

VĂN HIẾU

VĂN HIẾU