Việt Nam - ngôi sao mới nổi của du lịch ASEAN
(QNO) - Nửa đầu năm 2018, Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng rất ấn tượng trong lĩnh vực phát triển du lịch.
Khách du lịch quốc tế tại Hội An. Ảnh: quangnam.gov |
Các quốc gia trong khối ASEAN là điểm đến ưa thích của du khách kể cả trong và ngoài khu vực. Năm 2017, ASEAN đón 134 triệu lượt du khách, tăng so với 113 triệu lượt của năm 2016.
Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch tại ASEAN tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao kỷ lục so với mức tăng trưởng bình quân của du lịch toàn cầu là 6%.
Tại ASEAN, ngành du lịch Thái Lan phát triển ngoạn mục khi xứ sở chùa Vàng đón hơn 30 triệu lượt khách quốc tế vào năm ngoái và kỳ vọng sẽ đón gần 39 triệu lượt khách trong năm 2018.
Năm 2017, Thái Lan đứng thứ tư trong số những quốc gia có nguồn thu từ du lịch cao nhất thế giới với 81 tỷ USD. Đứng đầu danh sách là Mỹ với 299 tỷ USD, Tây Ban Nha với 96 tỷ USD và Pháp với 86 tỷ USD.
Đáng chú ý, khách du lịch quốc tế có thời gian lưu trú tại Thái Lan dài hơn so với các nước khác trong ASEAN và tính trung bình mỗi du khách đến đây chi tiêu khá cao với mức 1.624 USD/người. Kết quả đó phần lớn nhờ vào chính sách thu hút và kích thích chi tiêu, mua sắm từ du khách của Chính phủ Thái Lan.
Theo ASEAN Post, Việt Nam được đánh giá là một ngôi sao mới nổi trong ngành du lịch của ASEAN. Năm 2017, du lịch Việt Nam đạt kỷ lục đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần hơn 29% so với năm trước đó. Tính trung bình mỗi du khách này chi tiêu khoảng 685 USD.
Thiên đường du lịch Boracay (Philippines) mở cửa trở lại vào cuối tháng 10 sau 6 tháng đóng cửa để khắc phục những hệ lụy mà du lịch mang lại. Ảnh: Bluewandaily |
Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 7,89 triệu lượt, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017. Các quốc gia khác trong khu vực có mức tăng trưởng hai con số trong lĩnh vực du lịch còn có Thái Lan, Indonesia, Philippines và Campuchia.
Tổng Thư ký của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hiệp quốc (UNWTO) - Zurab Pololikashvili cho biết, nhiều quốc gia nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Lượng khách toàn cầu nửa đầu năm 2018 tăng nhờ vào sự khởi sắc của nền kinh tế thế giới.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ 75 triệu lượt khách nội địa, đóng góp 10% GDP.
Cũng theo ASEAN Post, bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển, thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp cải thiện hệ thống kỹ thuật, hạ tầng du lịch, đảm bảo an ninh cho khách du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch, Việt Nam đang nỗ lực giải quyết các thách thức, trở ngại trong phát triển ngành công nghiệp không khói như chính sách thị thực (visa) du lịch.
Hiện Việt Nam mới chỉ miễn thị thực du lịch cho công dân 24 nước, ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia miễn thị thực cho công dân 168 nước, Malaysia miễn thị thực này cho 162 nước, Thái Lan miễn thị thực cho công dân của 57 nước.
Bên cạnh các cơ hội phát triển, các điểm đến ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng hiện đối mặt với công tác bảo vệ môi trường bền vững mà một số quốc gia khu vực đang hướng tới. Mới đây, Thái Lan và Philippines quyết định đóng cửa các điểm du lịch nổi tiếng để khôi phục lại môi trường sinh thái và chấn chỉnh các hoạt động phục vụ du lịch.
NAM VIỆT