Thành phố của xe đạp

KHÁNH LINH 26/10/2018 02:46

Phát triển giao thông bằng xe đạp, hướng đến phổ biến phương tiện phi cơ giới… là tham vọng mà TP.Hội An đặt ra từ nay đến năm 2025, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hội An thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.

Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng Hội An thành phố của xe đạp và phương tiện phi cơ giới. Ảnh: K.L
Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng Hội An thành phố của xe đạp và phương tiện phi cơ giới. Ảnh: K.L

Áp lực giao thông

Qua 20 năm phát triển du lịch, Hội An luôn chịu áp lực mạnh mẽ về giao thông. Tình trạng kẹt xe tại một số tuyến đường vào giờ cao điểm ngày càng phổ biến. Sự gia tăng phương tiện cơ giới trong điều kiện hạn chế của Hội An như diện tích nhỏ, đường sá hẹp, ngắn, du khách đông đã dẫn đến những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đời sống, sức khỏe cộng đồng như ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, kể cả nhu cầu tản bộ, ngắm nhìn phố cổ của khách du lịch.

Ông Tống Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An, thành viên Tổ công tác giao thông thành phố thừa nhận, đây là thực trạng mà Hội An đã đối diện suốt nhiều năm, dù hơn một thập niên qua, thành phố đã có những cam kết mạnh mẽ bằng các chương trình, chính sách về phát triển giao thông phi cơ giới. Nổi bật là chương trình xây dựng Hội An thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch (phê duyệt năm 2009), hướng đến mục tiêu phát triển Hội An thành một “thành phố sinh thái”, thân thiện với môi trường; phát triển du lịch sinh thái, nâng cao chất lượng sống người dân. Trong đó, phần lớn dân số sẽ sống và làm việc trong khoảng cách đi bộ và đạp xe nhằm giảm nhu cầu đi lại bằng các phương tiện giao thông phi cơ giới.

Thực tế, nhiều hoạt động đã được triển khai thời gian qua như phát động cán bộ, công chức đi làm bằng xe đạp; khuyến khích mọi người đi bộ, đi xe đạp; sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phát triển giao thông phi cơ giới, kể cả xây dựng một chương trình du lịch “Về Hội An đi xe đạp” (2016)… tuy vậy hiệu quả còn khá thấp. Theo ông Hưng, nguyên nhân chủ yếu là hạ tầng chưa đảm bảo, chưa có đường dành riêng cho xe đạp; chưa có địa điểm để xe đạp công cộng, chưa có dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng; thói quen dùng xe gắn máy của người dân; yếu tố thời tiết nắng mưa… trở thành những rào cản khiến người dân ít sử dụng xe đạp. “Việc thiếu những chính sách cụ thể và hạ tầng cho xe đạp khiến người Hội An theo xu hướng sử dụng xe máy cho các chuyến đi hàng ngày, kể cả chuyến đi có khoảng cách gần” - ông Hưng nói.

Hướng đến thành phố của xe đạp

Trong hội thảo “Lập kế hoạch tổng thể phát triển giao thông bằng xe đạp và chương trình xe đạp chia sẻ miễn phí/chi phí thấp tại TP.Hội An” do UBND TP.Hội An, Health Bridge (Canada) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cùng tổ chức ngày 24.10 vừa qua, ông Jan Rickmeyer  - Cố vấn chính sách giao thông (Tổ chức GIZ) khẳng định, việc sử dụng xe đạp sẽ là phương thức đi lại nhanh nhất trong phạm vi 5km, đồng thời giúp cơ thể khỏe mạnh. Chưa kể, cơ sở hạ tầng cho xe đạp và đi bộ cũng cần ít không gian hơn so với hạ tầng cho xe ô tô. “Dự án Lập kế hoạch và phát triển giao thông bằng xe đạp tại TP.Hội An chính là sáng kiến đã được Chính phủ CHLB Đức chọn trao giải “Giao thông đô thị toàn cầu” tháng 5 vừa qua. Dự án cũng chính thức được chính phủ Đức tài trợ với tổng số tiền 178.000EUR (khoảng 4,1 tỷ đồng), thực hiện trong thời gian 8 tháng, từ nay đến tháng 5.2019. Điểm mấu chốt của dự án không chỉ dừng lại ở cơ sở hạ tầng hay việc chia sẻ xe đạp mà sẽ là một kế hoạch toàn diện, lâu dài đảm bảo cho dự án thành công” - ông Jan Rickmeyer nói.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, việc chuyển đổi từ phương tiện cơ giới sang phương tiện phi cơ giới là cần thiết và phù hợp với Hội An hiện nay. Thông qua dự án sẽ có những giải pháp được triển khai đồng bộ như cung cấp một môi trường hỗ trợ, an toàn hơn cho xe đạp; xây dựng hệ thống chia sẻ xe đạp giúp người sử dụng tiếp cận tốt với giá cả phải chăng, nhất là có sẵn xe đạp để người dân, du khách lựa chọn dễ hơn các phương tiện giao thông tốn kém và khó tiếp cận như xe máy, ô tô. “Kế hoạch sẽ cung cấp một hành lang pháp lý và định hướng chính sách nhằm giúp thành phố xây dựng một môi trường vật lý an toàn cho việc đi xe đạp. Kế hoạch cũng sẽ là một cơ chế để khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào giao thông bền vững, đặc biệt là các khách sạn, đơn vị du lịch, cửa hàng bán lẻ tại địa phương” - ông Sơn nói.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH