Tín nhiệm
Chiều qua 25.10, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được công bố. Kết quả cho thấy, đại đa số đều có số phiếu “tín nhiệm cao” khá cao, riêng Bộ trưởng GD-ĐT và GTVT là 2 tư lệnh ngành có số phiếu “tín nhiệm thấp” cao nhất. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lần thứ ba đứng đầu phiếu mức tín nhiệm cao. Những con số, bao giờ cũng mang niềm vui, nỗi buồn.
Trước khi kỳ họp diễn ra, báo VnExpress dẫn lời Tổng Thư ký Quốc hội: “Những năm trước có xảy ra tình trạng đại biểu về Hà Nội dự họp Quốc hội nhưng dành nhiều thời gian dự tiệc, ít có thời gian nghiên cứu các nội dung trong chương trình kỳ họp. Vì vậy, trước các kỳ họp, đại biểu luôn được nhắc nhở về việc này. Đề nghị các đại biểu nêu gương không nhận lời mời dự gặp mặt của các bộ, ngành…”.
Tôi ngạc nhiên về điều này. Có thể nhiều người cũng ngạc nhiên. Vì cảm giác giống học sinh bị giáo viên nhắc nhở nhiệm vụ học bài, làm bài tập vậy. Lời nhắc nhở này sẽ làm đau lòng những vị đại biểu tử tế, đang dốc sức thực hiện nhiệm vụ được giao. Hơn hết, nó khiến nhiều cử tri cảm thấy xót dạ.
Còn nhớ, tại kỳ họp giữa năm, hồi tháng 6, Tổng Thư ký Quốc hội ra công văn “đôn đốc đại biểu Quốc hội tham gia đầy đủ các phiên họp của Quốc hội”. Lý do của việc làm này là một số phiên họp tại hội trường có số đại biểu vắng mặt nhiều hơn 20% tổng số đại biểu Quốc hội, trong đó có đoàn vắng hơn 50% số đại biểu.
Và đáng buồn khi đây là việc mà Tổng Thư ký Quốc hội thường phải làm trong các kỳ họp. Đại biểu không thể dành thời gian tối đa cho kỳ họp vì có rất nhiều đại biểu kiêm nhiệm. Chuyện đại biểu kiêm nhiệm, cử tri chuyên trách được lo ngại sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng làm luật của Quốc hội không phải là mới, nhưng rõ ràng chưa thể giải quyết vấn đề này trong một sớm một chiều. Với số lượng vắng nhiều như vậy, làm sao các đại biểu thực hiện hết trọng trách đại diện tiếng nói, nguyện vọng của cử tri gửi gắm?
Kỳ họp lần này, rất nhiều nội dung quan trọng, không biết tình trạng vắng họp có được cải thiện, và Tổng Thư ký có lại phải ra công văn đôn đốc họp đầy đủ nữa không?
Tôi còn nhớ một đề nghị đụng phải rất nhiều sự phản ứng từ dư luận khi nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng đưa ra ý kiến lập Viện Đạo đức học để huấn luyện cán bộ. Theo vị này, viện trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và sẽ dạy cán bộ đạo đức và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Thật khó thuyết phục nếu chỉ nói chung chung về nền tảng đạo đức mà không đi đôi với chế tài nghiêm minh của một nhà nước dân chủ pháp quyền. Đó cũng là điều mà người dân/cử tri mong muốn ở những cán bộ/vị lãnh đạo công bộc của dân nằm lòng và thực thi, trên cả những lá phiếu về mức độ tín nhiệm được bỏ.
C.B.L