Lê Cơ và công cuộc Duy tân ở làng Phú Lâm xưa
Lê Cơ quê làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, nay là xã Tiên Sơn (Tiên Phước) trong một gia đình trung nông, tính tình bộc trực, ngay thẳng, không sợ cường quyền.
Dưới đây là những nhận định, đánh giá của các nhà sử học, nghiên cứu sử học về Lê Cơ.
Giáo sư sử học Phan Huy Lê: “Tất cả mọi khẩu hiệu hành động của phong trào Duy tân đều đi đến chỗ đề cao lòng yêu nước, đoàn kết vươn lên một thế giới mới. Những quan điểm này, khi nó còn nằm trong đầu óc một số sĩ phu thì cố nhiên là hiền lành, êm ả không bạo động... Nhưng khi nó vào với nông dân, những người đang bị khốn cùng vì sưu cao, thuế nặng, vì đi phu, đi lính, vì quan lại cường hào sách nhiễu... thì nó không còn ngoan ngoãn nữa... Nó phải được phát tiết những căm hờn đang nung nấu, nó phải lồng lên...”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần: “Xét về sự nghiệp, Lê Cơ đã để lại cho hậu thể không ít điều đáng suy ngẫm. Với Lê Cơ, đất nước trước hết là quê hương bản quán của mình. Làm được điều gì có lợi cho quê hương bản quán cũng có nghĩa là đã thiết thực góp phần giúp ích cho cả non sông rộng lớn rồi …”; “… Đối tượng vận động quan trọng nhất của Lê Cơ chính là nhân dân huyện Tiên Phước - những người Lê Cơ có điều kiện thuận lợi để gần gũi và hiểu được tâm tư cũng như sở nguyện rất chính đáng của họ. Lê Cơ dã tỏ rõ niềm tin cậy rất lớn lao đối với nhân dân quê hương mình. Đáp lại, nhân dân huyện Tiên Phước cũng đã hồ hởi ủng hộ và tích cực tham gia Duy tân, đã thổi bùng lên ngọn lửa mới của phong trào yêu nước. Nói khác hơn nhân dân huyện Tiên Phước hoàn toàn có quyền kiêu hãnh về truyền thống đi đầu trong phong trào Duy tân những năm đầu thế kỷ XX”.
Nhà văn, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân: “Ta có thể tin, không quá sai lầm là Phan Châu Trinh có bao nhiêu hoài bão muốn thực hiện đã gửi gắm vào người anh em cô cậu đó, và nếu Phan Châu Trinh là bộ não, ông (Lê Cơ) đã là cánh tay. Cánh tay ấy không thẹn với bộ não kia, nhiều khi cánh tay nặng thực tế còn muốn lôi bộ não nặng trí thức đi xa hơn nữa”.
PGS-TS. Ngô Văn Minh: “Ông không có học vị nên không lập ngôn, lập thuyết chỉ lẳng lặng lo công việc ở cơ sở, dựa vào dân để tiến hành cải cách, vừa làm vừa nảy ra sáng kiến. Tuy Lê Cơ là người thực hành chủ thuyết Duy tân, nhưng rồi cũng chính công cuộc cải cách của ông lại trở nên những gợi ý thiết thực để các nhà lãnh đạo bổ sung, điều chỉnh cho đường lối, chủ trương đã đề ra. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp xem đây là hình mẫu để mở rộng phong trào ra toàn tỉnh, toàn kỳ”.
PHẠM HOÀNG (Tổng hợp)