Thói quen và nếp sống hàng ngày

HẠNH NGUYÊN TRANG 25/10/2018 04:08

“Đừng tạo ra thói quen khi mà chẳng biết mình có thể duy trì nó được bao lâu” là câu nói mà bạn tôi vẫn thường hay thủ thỉ với tôi mỗi lần tôi… cao hứng phát ngôn ra điều gì đấy cho bản thân. Nghe thì có vẻ hơi khoa trương nhưng mà thật, một khi thói quen đã thành nếp sống, chúng ta khó lòng mà từ bỏ hay thay đổi nó. Tờ giấy miết đi miết lại một chỗ cũng tạo thành nếp gấp huống hồ gì những hành vi sinh hoạt, thói quen của một người đều được lặp đi lặp lại giống hệt nhau mỗi ngày. Không hẳn thói quen nào cũng tốt hoặc xấu nhưng với quan điểm của bản thân, tôi luôn yêu thích và dành những tình cảm đặc biệt cho những nếp sống, những điều xưa cũ mà văn minh, nền nã.

Tôi có thói quen uống cà phê vỉa hè, dù biết đó chẳng phải là cà phê nguyên chất - thứ mà tôi đang làm và tận tâm theo đuổi. Nhiều người “bảo thủ” sẽ chẳng bao giờ chịu uống thứ cà phê có trộn chút đậu nành, tẩm thêm chút bơ hay một vài chất phụ gia khác. Vậy, tại sao tôi thích uống cà phê nguyên chất nhưng thi thoảng có thể uống cà phê pha tẩm? Bởi vì tôi hiểu cà phê vỉa hè gọi nôm na là cà phê cóc là nét văn hoá, là nếp sống khó bỏ của người Việt. Người ta tìm đến cà phê trước tiên là để mở đầu câu chuyện chứ chẳng phải vì thưởng thức hay nhận xét nó ngon hay dở. Mà ngẫm lại xem, nhiều người cũng lạ kỳ lắm thay! Có những quán cà phê hạng sang vừa khai trương, họ ồ ạt đi tới, check-in khoe thiên hạ được một thời gian ngắn, họ lặng lẽ giã từ…

Thấy người ta đua nhau “lên đời” smartphone X, XS, nhiều người cũng đã cố gắng mà chạy theo xu hướng tụ tập đàn đúm ở những quán bar, pub lớn nhỏ vào mỗi buổi tối sau giờ tan tầm cho bằng được. Trong cái chốn phồn hoa đô thị ồn ã, vội vã như thể thời gian được quy đổi qua từng cái chớp mắt, cuộc sống thực ra đã được định sẵn rằng, ai rồi cũng sẽ tìm về với những thứ bình dị, giản đơn mà ngày xưa họ khao khát lắm mới có được nó. Nào là nằm nghe radio bên vách tường ẩm đã có mùi thời gian hay hòa vào dòng người gánh lúa những trưa tháng Năm chỉ để hít hà khói rơm chiều ngai ngái hương lúa mới. Ở khía cạnh nào đó, việc tôn trọng và chấp nhận nếp sống từ bao đời nay chính là một việc làm văn minh tân tiến lắm đó!

Nói đâu cho xa, phố cổ Hội An có đợt cấm bán hàng rong trên các tuyến đường trong phố để phố du lịch sạch sẽ, gọn gàng hơn. Nhiều người đã từng đến Hội An trước đấy khi quay lại đều một mực bảo rằng: “Phố dạo này buồn quá!” Cũng đúng thôi, đến tôi là người sống ở phố cổ Hội An còn thấy có chút hụt hẫng khi những thứ quá quen thuộc bỗng một ngày tự dưng mất đi. Đôi khi thứ làm người ta nao lòng và nhớ nhung lại là thứ mà người khác cho rằng quá đỗi xô bồ, bát nháo.

Những nếp sống khó bỏ… nhưng không phải là không thể bỏ! Việc hút thuốc lá, vượt đèn đỏ, vứt rác bừa bãi hay “quên” nói lời cảm ơn… đều cần phải thay đổi để phù hợp với lối sống có văn hóa hiện nay. Nhưng trước hết, bản thân mỗi người cần phải tự giác “ngộ” được thói quen nào đúng, thói quen nào chưa đúng để thay đổi, chỉnh sửa. Không một ai có quyền ép chúng ta phải làm thế này thế kia, miễn sao thói quen của mình “hợp tình hợp lý” hợp cả lòng người là được. Sẽ có một ngày thay vì lê la những quán ăn nhộn nhịp vồn vã, chọn nghe những bản nhạc đang hit trên mạng hay đến những nơi chốn đông người qua lại, chúng ta sẽ tìm về với những điều xưa cũ, giản đơn. Ngày ấy, bất giác ta nhận ra “ai rồi cũng sẽ có những ngày nông nỗi nhưng đích đến sau cùng đều là sự bình yên”.

HẠNH NGUYÊN TRANG

HẠNH NGUYÊN TRANG