Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Kịp thời, minh bạch

TRẦN HỮU 24/10/2018 06:52

Quảng Nam và một số địa phương khác đang áp dụng thí điểm bộ khung đánh giá, giám sát quá trình chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) một cách công khai, minh bạch và kịp thời.

Người dân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.Ảnh: T.H
Người dân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.Ảnh: T.H

Giám sát chi tiền

Tại thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, Đông Giang), bắt đầu từ tháng 7.2018, địa phương đã chuyển từ hình thức giao khoán bảo vệ rừng (BVR) cho nhóm hộ sang cộng đồng thôn. Toàn thôn này có 73 hộ nhận khoán BVR theo Nghị định 99 năm 2010. Ông Alăng Phân - Trưởng thôn Bút Tưa cho biết, đồng tiền sẽ trao tận tay cho hộ dân trực tiếp BVR. Người dân nào đi tuần tra rừng sẽ được chấm công, được nhận tiền nhiều hơn đối tượng ở nhà. Tuyệt đối không trích lại kinh phí cho cán bộ xã, thôn. Thời điểm này, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã ký hợp đồng với 19 đơn vị sản xuất thủy điện có lưu vực nội địa, gồm thủy điện Đại Đồng, An Điềm, An Điềm 2, A Vương, Phú Ninh, Khe Diên, Sông Kôn, Trà Linh 3, Sông Bung 5, Sông Bung 6, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Cùng, Za Hung, Tà Vi, Trà My 1 - Trà My 2, Duy Sơn 2, Đắc Sa và A Vương 3. Ngoài ra, đơn vị còn ký hợp đồng với 6 đơn vị sản xuất nước sạch. Các nguồn thu - chi đều thực hiện công khai, minh bạch, đúng với quyết định phê duyệt kế hoạch. Riêng với số tiền gần 95 tỷ đồng giai đoạn 2011 - 2015 chưa có đối tượng để chi, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền và được Thủ tướng Chính phủ cho phép Quảng Nam sử dụng số tiền DVMTR đó để thực hiện các nội dung liên quan đến quản lý, BVR trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2013 - 2018, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh giải ngân nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 92 tỷ đồng.

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Sông Kôn (Đông Giang) tại lâm phận được giao khoán bảo vệ rừng.
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Sông Kôn (Đông Giang) tại lâm phận được giao khoán bảo vệ rừng.

Các hạng mục chi từ chính sách DVMTR chủ yếu ở công trình lâm sinh, các công trình cơ sở kỹ thuật phục vụ công tác BVR; các hoạt động tuần tra, truy quét “điểm nóng”, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; mua sắm tài sản, công cụ, dụng cụ phục vụ công tác BVR; lập hồ sơ, xây dựng bản đồ chi trả DVMTR, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nghiệm thu, tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn. Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã, đang thi công xây dựng 48 bảng tuyên truyền tại các rừng phòng hộ Bắc Sông Bung, A Vương,  Sông Kôn, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh và Vườn Quốc gia Bạch Mã. Theo ông Phan Quang Tĩnh, Trưởng phòng Kế hoạch - giám sát của Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng, chính hệ thống giám sát - đánh giá quá trình chi trả DVMTR xuyên suốt đã làm cho chính sách này thực thi minh bạch.

Tiếp cận chi trả qua tài khoản  ngân hàng

Quảng Nam và Thừa Thiên  Huế là 2 tỉnh nghiên cứu, xây dựng thí điểm bộ chỉ số kiểm tra, đánh giá chi trả DVMTR làm căn cứ để nhân rộng trên cả nước nhằm đánh giá hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR. Đồng thời Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này trong năm 2018 đã thiết lập khuôn khổ pháp lý về mở rộng đối tượng chi trả và công khai hóa nguồn thu - chi. Thông qua công nghệ giám sát từ trên cao, nền cơ sở dữ liệu DVMTR được cập nhật thường xuyên giúp việc theo dõi lộ trình tuyến tuần tra, tra cứu bản đồ chi trả dễ dàng, việc quản lý dữ liệu thông minh, nhanh chóng, chính xác.

Trong khi đó, nhiều tỉnh khác như Hòa Bình, Yên Bái, Đắc Nông đã chi trả nhanh gọn tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng. Đây là mô hình mà Quảng Nam cần học tập kinh nghiệm, để đồng tiền chính sách về BVR đến tay người dân sớm nhất. Theo ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, hình thức chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng và chi trả điện tử khác (Viettelpay) áp dụng thí điểm tại 3 địa phương trên với tính ưu việt là rất an toàn, minh bạch và hiệu quả cần nhân rộng mô hình ra phạm vi cả nước. Tổng cục Lâm nghiệp đang chỉ đạo các đơn vị xây dựng sổ tay hướng dẫn các mô hình thực hiện chi trả tiền DVMTR thông qua tài khoản ngân hàng, điện tử để các địa phương chủ động xây dựng phương án lộ trình thí điểm để nhân rộng; phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ tiền DVMTR được chi trả thông qua tài khoản ngân hàng, điện tử. Tổng cục Lâm nghiệp trình Bộ NN&PTNT ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các bên liên quan thực hiện chi trả tiền DVMTR đầy đủ, kịp thời thông qua tài khoản ngân hàng hoặc ứng dụng giao dịch thanh toán điện tử. Đối với các địa bàn không có khả năng tiếp cận hệ thống dịch vụ ngân hàng hoặc ứng dụng giao dịch thanh toán điện tử, cần có phương án tổ chức chi trả phù hợp, đảm bảo an toàn, đúng đối tượng và đúng mục đích.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU