Bên kia phố chợ
Trưa đứng bóng. Hơi nóng từ đường nhựa, vỉa hè, từ dãy nhà bê tông đủ màu thốc lên mặt rát cháy. Tôi đi qua khu phố chợ Nam Phước (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên), giữa cái nóng bức khó chịu ấy, chợt nghe thoảng trong gió một mùi hương rất quen, mùi hương của ký ức: mùi rơm cháy…
Khu phố chợ Nam Phước được xây dựng trên cánh đồng Biền cũ. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG |
1. Đống rơm cháy là của nhà ông Đỗ Bảy. Căn nhà cách phố chợ đúng một con đường nhựa, nằm ngay đầu hẻm bên hông nhà văn hóa của khối phố Long Xuyên 2 (thị trấn Nam Phước). Một cái cổng nhỏ dẫn vào nhà, mà chưa đến sân đã thấy… chuồng bò, hai cây rơm bự đùng vừa mới chất sau mùa gặt. Tự dưng thấy cảm mến vô cùng căn nhà nhỏ của ông Bảy, kiểu như mình mới bắt gặp một “bảo tàng” của làng từ trong ký ức, bởi nếp nhà, đồ đạc, tới mấy cái… bụi chuối cũng quen. Đống rơm thừa cùng lá cây được gom đốt, còn vương sợi khói lửng lơ lên trời, thơm ngái. Không biết có phải vì cái tình cảm mến dậy lên đó không, mà ngồi trong nhà nghe mát rượi. Ông già mới đi thăm đồng về, ngồi lui cui ghi chép. Bà vợ ông Bảy nghe có khách, xách ấm nước trà đi lên, buông một câu, ngày mô ổng cũng đi hết chú, thăm đồng cho cả xóm. Ông Bảy là chi hội trưởng chi hội nông dân khối phố, kiêm thêm “chức” thủy nông viên, từng đám ruộng của nhà nào, ở đâu, tốt xấu, ông biết cả. Khoát tay một vòng từ mái ngói xuống chiếc xe 68 dựng giữa nhà, cộng thêm… mấy tấm ảnh cưới của con treo trên vách, ông già cười, gấp cái sổ, với tay rót nước, nói: “bả nói thiệt đó!”.
Chúng tôi tìm không sai người. Ông Bảy làm ruộng từ thời bao cấp, riêng chỗ cánh đồng Biền, nơi là khu phố chợ Nam Phước bây giờ, một mình nhà ông làm cả mẫu ruộng. “Cánh đồng Biền hồi đó nằm thế thấp trũng, nơi này lại thường xuyên lụt, cứ sau mỗi mùa mưa là bèo tấp kín đặc. Hai mươi hai héc ta, thì gần như phải bỏ trắng 3 héc ta vì sình lầy. Nhiều người chê, tôi với bà vợ ra chợ Nam Phước mua 2 cái thau nhôm, lội xuống kéo lục bình. Cực dữ. Xe bò chở đất, chở phân lật xuống ruộng, người cắm mặt dưới sình không biết bao nhiêu bận. Kể, chắc mấy chú cũng không hình dung ra được. Nhưng mà đất chỗ đó tốt lắm, làm trúng miết” - ông kể.
Hai vợ chồng ông Bảy, làm ruộng “có số” trong xóm, có thời điểm gần hai mẫu ruộng. Năm 2010, huyện Duy Xuyên công bố quy hoạch khu đồng Biền thành phố chợ. Năm 2011 thì giao đất. Không ì xèo khiếu nại đền bù như nơi khác, ông Bảy kể, đợt đó, dân lên nhận đền bù, mừng vì nghe quy hoạch đường, làm phố chợ, có đường sá ngon lành. Nhà ông Bảy thời điểm đó giải tỏa 2 sào, vẫn còn lại 5 sào ruộng. Những hộ khác, ngoài cánh đồng Biền, thì vẫn còn ruộng ở đồng Huẩn, Cồn Mạn, không phải lo chuyện mất trắng đất. Con cái đi lập nghiệp ở xa, hai vợ chồng già vẫn đều đều làm ruộng nuôi bò, căn nhà nhỏ như chẳng vướng bận gì những ồn ào phố xá, đất đai tiền tỷ, cách nhà mình một con đường nhựa. Vụ đông xuân, ông làm ruộng của mình, nhận luôn mấy mảnh không ai làm, được hơn 3 tấn lúa, bán con bò vài chục triệu, tành tành lo cho con. “Không có ai làm thì tôi nhận làm, chừ làm ruộng quá sướng, máy móc chạy ro ro, mắc chi chê”.
2. Làng thành khối phố, vẫn giữ cái tên cũ: Long Xuyên 2. Trừ khu phố chợ phần lớn là dân nhập cư buôn bán, nếp làng vẫn hiện hữu. Anh Nguyễn Văn Hiền - Bí thư chi bộ khối phố, trẻ măng, nhưng tuổi thơ cũng ám màu cơ cực thuở còn theo cha đi cày ruộng ở cánh đồng Biền. “Một người kéo hai người đẩy xe bò, mà cũng cắm đầu xuống ruộng như thường. Tôi thấy, giải tỏa đồng Biền, hình như không thấy ai kêu ca vì nhà nào cũng còn ruộng. Dân làng không bị chông chênh trong giai đoạn chuyển từ nông dân thành thị dân, vì cái gốc lớn nhất, là văn hóa làng cứ như vậy. Họ sống thân tình, như kiểu ông Bảy, sẵn sàng đi coi ruộng cho xóm, đám nào sâu rầy, khô nước, ông tới nhà kêu nhắc họ. Nhiều nhà xoay lưng ra ruộng, giờ có đường mới, họ đập sửa nhà xoay ra hướng phố. Nhưng vẫn là nhà cũ đó thôi” - anh Hiền kể.
Hai ụ rơm lớn ông Bảy vừa chất sau vụ hè thu. Ảnh: C.V |
Đô thị hóa, nỗi lo không ở chuyện đất đai, mà lớn hơn là những xô bồ biến dịch trong tâm thức, đời sống. Như kiểu của Hội An, du lịch ầm ào, tới từng ngõ ngách, cái gì cũng thành tour, từ cày ruộng, bơi thuyền thúng, quăng chài, dắt trâu. Nhưng có hề chi, nhiều nơi bảo tồn rất tốt, thậm chí còn đẻ ra tiền, nhờ văn hóa. Rộng ra, là nhờ cái nếp làm, thói quen canh tác, sản xuất song hành, thậm chí cộng hưởng với du lịch, thành sinh kế mới. So sánh với Nam Phước có lẽ còn nhiều khập khiễng, vì chuyện du lịch còn xa vời quá. Nhưng để nói, nếp làng kia còn, thì sẽ giảm đi nhiều nỗi lo. Mấy hộ dân được cấp đất tái định cư nơi phố chợ, chuyển từ làm nông sang… cho thuê mặt bằng, mà đám đình giỗ tiệc xóm cũ không bao giờ thiếu vắng. Họ dựa vào nhau. Nam Phước giờ thay đổi chóng mặt, nhưng làng không mất. Văn hóa đô thị không nằm trong những khối bê tông. Làng Long Xuyên 2 đủ sức đề kháng với nếp sống “thị dân lên đời” ở nhiều vùng khác, một kiểu làng trong phố vừa thân thuộc, vừa mặc nhiên. Thì cái thau nhôm kéo bèo ở cánh đồng Biền thời ông Bảy còn dầm dưới sình vẫn còn đó thôi. Đụn rơm cao lút đầu, con bò bên gốc chuối, quê kiểng không bao giờ lạc lõng, với phố chợ bên kia.
3. Xung đột văn hóa, liệu có xảy ra giữa một bên là phố chợ sầm uất với những quán xá của người nơi khác nhập cư, với một bên là những nông dân không rời bỏ ruộng? Tôi hỏi ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước, về những đổi thay của vùng đất “tứ giác nước”, và về đời sống của họ, khi cánh đồng giờ chẳng còn hấp dẫn nữa. Ông Hưng nói tỷ trọng nông nghiệp đã giảm đáng kể, theo cách rất tự nhiên: những người trẻ rời xa gốc rạ. Quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, lao động phổ thông chọn nhà máy, xí nghiệp và buôn bán thay vì làm ruộng mà cha ông họ đã một thời đổ bao mồ hôi tưới tắm cho lúa. “Dựa trên thực tế đó, chúng tôi chủ trương dồn điền đổi thửa, những cánh đồng sản xuất không hiệu quả thì chuyển đổi mục đích sang xây dựng khu dân cư, cụm công nghiệp. Nam Phước đã tích tụ thành công cánh đồng rộng 121ha, dành cho 5 thôn, khối phố, đáp ứng hơn 1.100 lao động với 14.000 thửa đất nằm liền kề khu phố chợ Nam Phước. Tức là chúng tôi đang xây dựng một địa phương đô thị nhưng vẫn giữ tỷ trọng nông nghiệp bền vững” - ông Hưng nói. Có va chạm nhỏ về nếp sống giữa người đô thị mới và thôn quê cũ, nhưng chỉ là những thói quen dễ điều chỉnh, mà chính quyền cũng đang tập trung tuyên truyền, vận động, kiểu như bà con hay thả rông trâu bò trong phố. Nếp làng như một lá chắn đủ bền cho những xung đột, thật may mắn vẫn đang còn hiện hữu ở nơi này…
Bóc đi lớp hào nhoáng trong hình khối của những ngôi nhà bên kia phố chợ, những ngôi nhà xưa, mảnh vườn quê tựa lưng nhau bốn phương tám hướng để làng cũ vẫn nguyên hình hài. Tôi đi khỏi nhà ông Bảy, vương vất trong sợi khói ký ức kia, có chút niềm vui len lén dậy lên, sau khi đã gặp quá nhiều những bi kịch ồn ào khi làng lúa lên đời thành phố thị. Nhưng mà biết đâu đấy, sau này lại có những con đường quy hoạch như nhát chém vô tình, cắt ngang dọc Long Xuyên 2, trong giấc mơ phố thị đang rất gần. Vừa mừng, vừa lo...
Ghi chép của THÀNH CÔNG - PHAN VINH