Người "gieo duyên" văn hóa Tây Tạng

TƯỜNG MINH 30/09/2018 00:39

Không gian văn hóa Tây Tạng ở nước mình không nhiều cũng không ít. Nhưng một không gian văn hóa Tây Tạng như Om Himalayas ở Sài Gòn thì gần như không giống ai. Bởi không chỉ là sự đa dạng mà mỗi sản phẩm là những câu chuyện “gieo duyên” rất thú vị, gắn liền với những trải nghiệm bản thân của Nguyễn Mạnh Duy, một… cựu nhà báo.

Nguyễn Mạnh Duy trong một lần ở Tây Tạng.
Nguyễn Mạnh Duy trong một lần ở Tây Tạng.

Lần đầu tiên bước chân vào Om Himalayas ở Sài Gòn, tôi sững người bởi cửa vừa mở, chủ nhân Nguyễn Mạnh Duy đã kéo tay tôi đi xem một đầu trâu yak (bò Tây Tạng) đẹp long lanh được treo ở trên tường nhà. Trâu yak – linh vật huyền thoại của người Tây Tạng xem ảnh thì nhiều nhưng có thể sờ mó được ngay ở Sài Gòn thì điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

“Lần đầu tiên thấy nó tôi mê mẩn đến mức quyết mua bằng được dù không biết có mang về Việt Nam được hay không và sau đó đúng là không mang về được thật vì kẹt lại ở sân bay. Phải đến lần thứ hai với rất nhiều thủ tục nhiêu khê nó mới về được đến đây” - Nguyễn Mạnh Duy bắt đầu bằng câu chuyện về “của một đồng công một nén”. “Có những sản phẩm ở đây giá mua bên đó chỉ 1 đồng nhưng mang về đến đây thì đội lên thành 3 đồng vì phải mất rất nhiều công sức và tiền bạc. Vậy nên ở đây có nhiều cái như đầu trâu yak, tôi chỉ trưng bày chứ không bán cho ai với bất cứ giá nào”.
Ngoài đầu trâu yak huyền thoại thì Om Himalayas còn gì khác?

Rất nhiều thứ bởi thực ra Himalayas là một sự chắt lọc, chắt lọc những gì tinh túy của văn hóa vùng đất này, ca ngợi bàn tay, sự khéo léo của người dân vùng Himalaya và tinh thần họ chuyển tải trong mỗi sản phẩm. Thế nên mỗi sản phẩm là một câu chuyện và kết nối những sản phẩm ấy lại thì người ta có thể hình dung phần nào về văn hóa Himalaya. Nếu bạn thích những bức tranh Thangka - họa phẩm đặc dụng của Phật giáo Kim Cương Thừa (Mật tông) được thêu hoặc vẽ bằng tay (đôi khi có cả sự trì chú của các bậc đại sư) thì ở đây nhiều không đếm hết. Còn nữa những tượng Phật, đồ pháp khí, hàng lưu niệm, đồ nội thất và kinh sách, văn hóa phẩm…

Ở Việt Nam, hiện những không gian văn hóa Tạng như thế này không ít, nhưng đa dạng như Om Himalayas thì có thể nói là chưa thấy. Chúng tôi hiện có 8 dòng và mỗi dòng có từ 30 - 100 đầu sản phẩm và được cập nhật, bổ sung thường xuyên. Nhưng chúng tôi không nặng về bán hàng mà mong muốn mang đến một không gian nhằm gieo duyên để nhiều người Việt Nam biết hơn về Phật giáo Mật tông Tây Tạng vốn còn rất xa lạ với số đông.

Bất ngờ nữa với tôi là Nguyễn Mạnh Duy - chủ nhân của Om Himalayas còn rất trẻ với nụ cười hiền đến mềm lòng cùng vẻ ngoài rất thư sinh là một cựu nhà báo. “Tôi được đào tạo ở giảng đường đại học để trở thành một nhà báo và lăn lộn vừa học vừa viết từ năm thứ hai khi cộng tác với nhiều tờ: Lao Động, Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Vietnamnet. Đến năm thứ 4 về thực tập ở báo Người Lao Động và gắn duyên với tờ báo này từ cuối năm 2006 cho tới lúc quyết định tạm dừng công việc viết báo”.

Nhưng rồi lý do gì khiến anh bỏ ngang nghề báo?

Với tôi, nghề báo là một nghề của trải nghiệm và tôi thích làm báo giống như một ký giả - viết nên một câu chuyện gì đó về cuộc đời chứ không đơn thuần là nghề đưa tin. Với tôi, 9 năm làm báo chuyên nghiệp chưa phải là dài nhưng cũng không phải là ngắn để có những hành trình với nghề. Nhưng hành trình ấy đến một thời điểm nào đó có thể trở thành một thói quen, một điều gì đó để kiếm sống chứ không phải là việc tạo ra giá trị mới thì nó thực sự khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều về một sự thay đổi. Để rồi tôi quyết định  chọn làm báo theo một cách khác, một cách rất tình cờ và rất lạ, bắt đầu bằng một chữ “duyên” rất lớn với Tây Tạng và Himalaya từ chuyến đi đầu tiên đúng một tháng cách đây 5 năm.

Thời điểm đó, khi tôi khởi phát ý định đi Tây Tạng thì ở Việt Nam đã có rất nhiều người đi trước, rất nhiều người yêu và mê đắm vùng đất này và đã trở lại không ít lần. Vậy nên, để nói là chắc chắn sẽ tìm thấy một điều gì đó ở Tây Tạng thì bản thân tôi chưa thể nghĩ và hình dung được. Chỉ đơn giản là quyết định đi rất nhanh và phải đi thật “đã đời”, đi để thực sự “refresh” lại bản thân chứ không phải đi để “phượt” hay để chứng tỏ với bất kỳ ai.

Nhưng có một điều lạ là người ta thường ngay lập tức nhìn thấy nhiều rào cản khi nghĩ về việc “đi Tây Tạng”, tuy nhiên cá nhân tôi bây giờ khi nhớ lại thì thấy có lẽ hồi ấy Tây Tạng và Himalaya “gọi” tôi về. Bởi vậy ngay cả việc tìm nguồn tài chính phục vụ cho chi phí chuyến đi tôi cũng quyết định kiểu rất điên là... vay tiền ngân hàng bằng tín chấp lương nhà báo để có đúng 100 triệu đồng.

Và Om Himalayas ra đời?

Đúng vậy. Tuy nhiên, không gian văn hóa Tây Tạng Himalaya đầu tiên là một địa chỉ rất nhỏ bé nằm trên một con phố nhỏ trong khu phố cổ Hà Nội. Ra đời vào cuối năm 2014, ban đầu không gian này đã tạo được sự khác biệt. Nó không giống một cửa hàng hay một shop bán sản phẩm. Nó là nơi kết nối những tâm hồn yêu Tây Tạng nói riêng và vùng Himalaya nói chung.

Để làm được điều ấy cá nhân tôi phải là người truyền được cảm hứng và tinh thần Tây Tạng đến nhiều người. Công việc ấy không dễ một chút nào nếu không thực sự dấn thân. Sau chuyến đi Tây Tạng và Nepal lần đầu tiên kéo dài một tháng, tôi và hai cộng sự là những người sáng lập đã trở lại Nepal. Trở lại ngay sau chưa đầy 4 tháng và lần này không phải trở lại với tâm thế của một người “đi chơi” nữa mà tập trung vào quan sát, học hỏi và kiếm tìm… để hình thành cho mình một hướng đi.

Để rồi một công ty có tên Himalayas Việt Nam do tôi làm chủ tịch ra đời với mong muốn tạo ra những không gian văn hóa mang “life style” Tây Tạng và vùng Himalaya. Ở đó các hoạt động lợi nhuận và phi lợi nhuận sẽ cùng đi về một mục đích là phát triển tinh thần Phật giáo Tây Tạng. Và sau 3 năm, Himalayas Việt Nam đã phần nào làm được việc ấy với sự có mặt của mình ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng và sắp tới là một nhà hàng chay mang tên Pema ở TP.Yên Bái.

Nghe có cảm giác là anh thành lập những trung tâm văn hóa Tây Tạng như thế này không phải để kiếm tiền?

Nếu chỉ đơn thuần là kinh doanh kiếm tiền thì chắc chắn không ai chọn cách làm như tôi cả vì nó vừa khổ ải, vừa cho rất ít lợi nhuận. Và nếu làm công việc này mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận thì chắc chắn cũng sẽ không làm được! Còn nhớ thời gian đầu, có giai đoạn chúng tôi phải bù lỗ để cố gắng duy trì và có lúc tưởng sẽ không vượt qua được.

Nhưng nếu nói làm không vì tiền thì cũng không đúng. Chính xác là làm vì cả hai. Ngay những ngày đầu tiên, tôi đã xác định rất rõ là phải làm được hai việc khi đưa văn hóa Tây Tạng về Việt Nam: đó là phải chuyển tải được tinh thần Tây Tạng và phải có nguồn thu để mô hình phát triển. Và giờ thì Himalayas Việt Nam đã tạo ra được thương hiệu để “tự sống” sau những năm tháng khởi đầu đầy khó khăn và bất trắc...

Vậy tinh thần Tây Tạng được chuyển tải như thế nào?

Chuyển tải tinh thần văn hóa Tây Tạng về Việt Nam, không còn cách nào khác là thông qua các sản phẩm văn hóa và Phật giáo Tây Tạng kể và truyền thông điệp về một cuộc sống an lạc, thuần khiết dưới chân các ngọn núi tuyết. Mục đích là để nhiều người biết đến văn hóa Tây Tạng hơn, những người đã từng đến Tây Tạng và đã yêu vùng đất nóc nhà thế giới này thì sẽ có điều kiện tìm thấy những hình ảnh Tây Tạng ngay tại Việt Nam.

Chuyến đi đầu tiên đó cũng đã gieo nhân duyên để sau này tôi gặp được những người thầy tâm linh và trở thành một Phật tử đi theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, hay người ta vẫn gọi là Mật Tông, Kim Cương Thừa. Duyên đó đủ để giúp tôi có điều kiện để tiếp cận một cộng đồng những người thực hành Phật giáo Tây Tạng. Chính đạo hữu trong cộng đồng này là những người dần giúp tôi rõ được con đường mình đã, đang và sẽ đi như tôi đã nói: Tạo ra một cầu nối văn hóa ở đó tinh thần Phật giáo Tây Tạng được trở nên gần gũi hơn!

TƯỜNG MINH

TƯỜNG MINH