Giải quyết hậu quả
Đồn Công an Tam Lãnh (Công an huyện Phú Ninh) vừa lập biên bản hành chính và tạm giữ nhiều hung khí của một nhóm thanh niên đi ô tô đang trên đường vào khu vực thuộc mỏ vàng Bồng Miêu. Thông tin này vừa đăng tải trên các phương tiện báo chí khiến nhiều người giật mình. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình an ninh trật tự tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu đang rất phức tạp. Mảnh đất vàng này giờ đây lại trở thành địa bàn khai thác trái phép của nhiều nhóm thổ phỉ. Từ khi Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu ngừng hoạt động, chính quyền địa phương và người dân đã lường trước tình huống này, nhưng để giải quyết hậu quả, không phải là chuyện một sớm một chiều.
Cũng liên quan đến chuyện giải quyết hậu quả, gần đây báo chí lại “bàn cãi” xung quanh các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng dở dang, mà cụ thể là Dự án đường nối tuyến ĐT603 với ĐT607 ở thị xã Điện Bàn được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Bách Đạt làm nhà đầu tư. Chưa nói đến chuyện dự án này “lời lỗ” ra sao, chỉ thấy sự nham nhở của tuyến đường thi công trong nhiều năm cũng đủ nhận ra những hậu quả cần gấp rút giải quyết. Những góc quay cận cảnh của Đài Truyền hình Việt Nam về những cái bẫy dọc đường còn nói lên được tinh thần hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp của thương vụ BT này đến nay đã nhạt nhẽo như thế nào. Đây cũng là lý do để nhiều người hình dung, hậu quả của dự án còn lâu mới có thể giải quyết được.
Hai trong nhiều ví dụ như trên cho thấy, các doanh nghiệp đã tạo ra “vết xước” khó khắc phục trên “chiếc thảm đỏ” từng được trải ra mời họ. Thậm chí, không ít trường hợp, khi thực hiện dự án, doanh nghiệp chỉ nhắm đến cái lợi trước mắt của mình mà không tính đến cái lợi lâu dài cho xã hội; hoặc bỏ qua những cam kết và tạo ra hậu quả khiến người dân phải gánh chịu. Đặc biệt, vàng và đất đai là những thứ tài nguyên cần được khai thác theo một phương án hài hòa, mà nếu không khai thác lúc này thì chưa hẳn đã mất đi giá trị. Trong khi đó, đây là những lĩnh vực đầu tư được cho là khó kiểm soát, doanh nghiệp dễ có điều kiện qua mặt các cơ quan quản lý. Một ví dụ được nhiều người nhắc đến là sau khi các công ty vàng nợ thuế, bỏ của chạy lấy người thì cơ quan quản lý nhà nước mới xác nhận, không thể kiểm soát nổi lượng vàng khai thác và quá trình tiêu thụ. Hay như các dự án BT, nhiều người lo ngại quá trình lập và nhận dự án, thiết kế thi công... chủ yếu là sân chơi của doanh nghiệp, nên Nhà nước rất khó kiểm soát để tính đến bài toán đem lại hiệu quả cao nhất cho xã hội.
Quảng Nam từng có nhiều bài học về tình trạng mất tài nguyên, đánh đổi môi trường, nên trong quá trình thu hút đầu tư đã dần loại bỏ nhiều nguy cơ. Dù vậy, trong nhiều trường hợp, vẫn khó lường trước các nguy cơ phát sinh, gây nên những hậu quả khó giải quyết.
C.B.L