Đà Nẵng và những mối lo về an toàn thực phẩm
(QNO) - Là thị trường tiêu thụ thực phẩm hàng đầu ở khu vực miền Trung, TP.Đà Nẵng đối diện với nhiều nguy cơ về thực phẩm mất an toàn vệ sinh và đang nỗ lực tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ vì sự an toàn của cộng đồng.
Nông sản sạch, nông sản hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng Đà Nẵng ưa chuộng. Ảnh: Q.T |
Nhiều nguy cơ
Theo thống kê, mỗi năm thị trường tiêu dùng của TP.Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 140 nghìn tấn rau, quả các loại; khoảng 37,5 nghìn tấn thịt thông qua việc nhập gia súc, gia cầm để giết mổ. Được biết, có 15 tỉnh, thành cung cấp rau, quả cho TP.Đà Nẵng, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với thành phố trong việc kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để quản lý an toàn thực phẩm ngoài tỉnh nhập vào thành phố, thời gian qua Đà Nẵng đã ký kết hợp tác với 5 tỉnh cung cấp chủ yếu rau, quả, thịt cho Đà Nẵng gồm: Quảng Nam, Tiền Giang, Lâm Đồng, Bình Định và Gia Lai. Theo ông Nguyễn Tứ - Phó Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng, việc ký kết hợp tác sẽ giúp giám sát an toàn thực phẩm từ các địa phương cung cấp cho Đà Nẵng và xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó cũng thực hiện truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn không cho nhập vào các loại thực phẩm qua kiểm tra giám sát phát hiện không an toàn.
Tuy vậy, trên thực tế vẫn có những trường hợp nông sản không đảm bảo được tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng. Trong tháng 5.2018, qua kiểm tra 17 cơ sở kinh doanh ớt bột trên địa bàn, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng đã phát hiện 14/17 mẫu được lấy nhiễm aflatoxin và nhiễm nấm men, nấm mốc (trong đó có 4 mẫu nhiễm aflatoxin - một độc tố gây ung thư gan). Trong 6 tháng đầu năm 2018, qua kiểm tra phát hiện 3 mẫu trái cây có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, 5 mẫu thủy sản tồn dư kim loại nặng (thủy ngân - Hg) vượt mức giới hạn cho phép.
Bên cạnh đó, tình trạng cơ sở sản xuất chưa có giấy phép kinh doanh, không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm sống và thức ăn chín dẫn đến ô nhiễm chéo, giấy chứng nhận sức khỏe cho người trực tiếp chế biến thực phẩm hết hạn sử dụng vẫn còn hiện hữu... Về vấn đề ướp u rê để giữ độ tươi cho sản phẩm dấy lên lo ngại của người tiêu dùng. Trong thời gian qua, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Đà Nẵng), Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng chưa phát hiện tàu cá chở phân u rê ra biển để bảo quản thủy sản khai thác.
Tăng cường kiểm soát, xử lý
Hiện nay trên địa bàn TP.Đà Nẵng có 1.291 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố quản lý. Trong 6 tháng đầu năm, ban đã thành lập 17 đoàn thanh, kiểm tra 751 cơ sở và phát hiện 26 cơ sở vi phạm, xử phạt hơn 80 triệu đồng. Đối với cơ sở do quận, huyện quản lý đã phát hiện 59 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 115 triệu đồng.
Ở chợ đầu mối Hòa Cường và chợ thủy sản Thọ Quang - nơi tập trung lượng lớn thực phẩm nhập vào TP.Đà Nẵng, hàng hóa nhập vào phải thực hiện cung cấp hóa đơn chứng từ về nguồn gốc xuất xứ cho ban quản lý chợ. Bên cạnh đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố sẽ thực hiện lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm, nếu phát hiện chất lượng không đảm bảo sẽ phối hợp với địa phương truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và xử lý vi phạm.
Trong 6 tháng cuối năm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố tiếp tục thực hiện các đợt thanh tra quản lý theo phân cấp, 1 đợt thanh tra trọng điểm trong dịp Tết Trung thu, kèm theo đó là các đợt thanh tra đột xuất.
Ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng thông tin: "Trên website của ban có đầy đủ thông tin về các cơ sở đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Mong người dân hãy tiêu dùng thực phẩm ở những cơ sở uy tín và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng vì sức khỏe của chính mình".
Tại hội nghị giao ban công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Đà Nẵng vào ngày 17.9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng Đặng Việt Dũng yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố phải tăng cường kiểm soát thực phẩm một cách tận gốc. Ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh: "Không để ký kết hợp tác xong rồi nhà sản xuất muốn làm gì thì làm. Phải nắm được thực phẩm khi được cung cấp thì luồng hàng hóa đến đâu, rồi đến người tiêu dùng như thế nào thì chúng ta mới quản lý được".
QUỐC TUẤN