Chật vật ở vùng tái định cư
Mấy năm qua, hai khu tái định cư (TĐC) Gò Dinh (Đại Hưng), Gò Hiu (Đại Lãnh, huyện Đại Lộc) đã bố trí TĐC, nhưng người dân đối diện với nguy cơ sạt lở và thiếu nước sinh hoạt.
Người dân vùng tái định cư vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn. Ảnh: H.LIÊN |
Thiếu nước sinh hoạt
Khu TĐC Gò Dinh rộng 6ha đưa vào hoạt động từ năm 2014, quy mô bố trí cho khoảng 80 hộ dân. Có thể nói, so với nhiều khu TĐC khác, người dân ở đây có phần thuận lợi khi mặt bằng TĐC cao ráo, rộng rãi. Một trường mẫu giáo vừa mọc lên sắp đi vào phục vụ cho việc học tập của trẻ em trong vùng; điện thắp sáng, bể nước sinh hoạt đã về làng. Song, bên cạnh niềm vui khi không còn chứng kiến và ám ảnh bởi lũ lụt, thiên tai đe dọa, người dân TĐC vẫn còn vất vả, khổ sở khi đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sạch. Cả thôn TĐC mấy chục nhà dân chỉ trông cậy vào bể hút chung với công suất nhỏ và hay bị sự cố dịp cao điểm.
Bà Lê Thị Bảy (55 tuổi) chia sẻ: “Khó khăn, bức thiết nhất là nước sinh hoạt lẫn nước sạch. Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ người dân về nguồn nước bởi bể hút tập trung chủ yếu hút, lắng thô nên nước về nhà nhiều bữa còn đục ngầu khiến việc sinh hoạt gặp khó. Hầu hết các nhà đều sử dụng nước bình để uống, ai không có điều kiện mua nước bình thì đi rất xa để xin nước”. Bà Hà Thị Tín (80 tuổi) kể: “Vừa rồi máy bơm ở bể hút bị hư đúng nửa tháng, cả làng không ai có nước, ai nấy tất tả đi gánh, đi chở nước, tôi thì cực gấp bội bởi tất tần tật đều phải nhờ, trông cậy vào sắp trẻ. Già rồi xách chẳng nổi”. Bà Bảy, bà Tín và nhiều hộ mong mỏi được hỗ trợ giếng đóng để cải thiện đời sống, sinh hoạt, an cư lạc nghiệp.
Theo ông Lương Tấn Bích - cán bộ địa chính xã Đại Hưng, hiện địa phương bố trí TĐC cho 44 hộ, phần lớn nhà cửa tạm ổn và 8 hộ khác thuộc thôn Thái Sơn và Chấn Sơn (xã Thạnh Đại) cũng được bố trí vào. Ông Bích nhìn nhận, khu TĐC gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, nước sạch bởi công suất bể hút và bơm áp lực quá thấp, thường xuyên hư hại khiến xã phải bỏ tiền sửa chữa rất tốn kém. Xã đã kiến nghị huyện và tỉnh hỗ trợ người dân đóng giếng nhưng chưa có nguồn. Trước mắt xã sẽ bỏ kinh phí xây dựng hai giếng đóng cấp nước phục vụ bà con. Nếu nguồn nước đảm bảo thì huyện sẽ hỗ trợ thêm một vài giếng nữa mới đảm bảo nhu cầu. Ông Bích cho biết, khu TĐC cần hoàn thiện hệ thống thoát nước chạy dọc các dãy nhà. Thiết kế của khu TĐC trước đó chưa bố trí hệ thống thoát nước sinh hoạt cho khu TĐC nên ô nhiễm môi trường là khó tránh khỏi...
Thấp thỏm lo lở núi
Người dân khu TĐC Gò Hiu không chỉ gặp khó vì nguồn nước sinh hoạt mà còn đối diện với nguy cơ sạt lở núi. Bà Văn Thị Lợi (60 tuổi) chuyển đến khu TĐC đã 2 năm nay. Bà Lợi cho biết, mỗi hộ TĐC ở đây đều được bố trí đất 7m ngang để làm nhà, không còn đất để làm vườn, chăn nuôi, nên nhiều người phải quay về làng cũ để làm ăn, sinh sống. Một phần người dân lo sợ nguy cơ đe dọa từ ngọn núi phía sau nhà bởi mùa mưa tới, đất đá từ ngọn núi này có thể đổ ập vào nhà bất cứ lúc nào. Như nhà ông Nguyễn Văn Hải, một trận mưa to khiến đất đá đổ ập vào nhà, may không thiệt hại về người. “Tưởng đã thoát nạn lũ lụt ai ngờ lên đây lo sợ núi lở, đổ vào nhà. Mong Nhà nước xây dựng bờ kè vách núi sau nhà. Nghe đâu có chủ trương san ủi luôn ngọn núi để tiếp tục bố trí TĐC nhưng khi nào san ủi thì vẫn còn là câu hỏi” - bà Lợi nói. Ông Trương Văn Tàu (60 tuổi) nói, hầu như hộ nào cũng phải mua nước bình về sử dụng rất tốn kém, lại chẳng mấy ai đủ điều kiện sắm bình lọc nước. Nhiều hộ lên dựng nhà rồi nhưng không ở nên vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ 20 triệu đồng. Nhưng nếu ở đây thì đi về làng cũ sản xuất quá xa, không tiện nên phần lớn về dưới kia sống.
Ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho hay, xã tính xây dựng bể chứa nước cấp cho người dân sinh hoạt nhưng với điều kiện là bà con phải lên vùng TĐC sống. Khu TĐC có quy mô bố trí cho 40 hộ dân nhưng hiện chỉ mới 20 hộ dời lên, chỉ có 10 hộ ở thường xuyên. Về sạt lở núi, ông Yến cho biết, lãnh đạo huyện và xã nhiều lần đến kiểm tra, đã nhiều lần kiến nghị tỉnh hỗ trợ phương án, kinh phí san ủi nửa quả đồi còn lại để đảm bảo an toàn cho dân, đồng thời có thêm mặt bằng TĐC cho nhiều hộ đối diện với nguy cơ nhưng nguồn lực còn khó khăn, nên mọi việc còn phải chờ.
H.LIÊN - P.PHƯƠNG