Có hay không "Hoàng Thị Tòng - nữ anh hùng Việt Nam cận đại"?

LƯU ANH RÔ 13/09/2018 03:14

LTS: Lâu nay có nhiều ý kiến trái chiều trên các diễn đàn về nhân vật Hoàng Thị Tòng (người làng Thanh Lâm, huyện Tiên Phước). Có người khẳng định đây là nhân vật lịch sử có thật, một liệt nữ hiếm hoi trong phong trào Đông du; nhưng cũng có người hoài nghi, bởi tư liệu về bà Hoàng Thị Tòng lâu nay chủ yếu do dòng họ cung cấp, mà không thấy các nguồn có tính chính sử khác (cùng thời) nói đến. Báo Quảng Nam giới thiệu bài viết của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng - Lưu Anh Rô góp thêm những tư liệu lịch sử liên quan đến nhân vật Hoàng Thị Tòng.

Bài viết này, chúng tôi xin lần lượt giở lại toàn bộ hồ sơ “Hoàng Thị Tòng - nữ anh hùng Việt Nam cận đại” của chính quyền Sài Gòn, hiện lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, TP.Hồ Chí Minh.

Cổ thư hay ngụy thư?

Vào ngày 10.3.1971, ông Hoàng Đình Long (cháu bà Hoàng Thị Tòng) có đơn gửi Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn đề xuất cơ quan này xem xét, xuất bản sách “Việt Nam chống xâm lăng sử mà là dật sử cô Hoàng Thị Tòng, biệt hiệu Tùng Thoại, nữ anh hùng Việt Nam cận đại” (Phiếu trình số 147-QVK/VH/NVH/VP ngày 6.4.1971 của Quốc vụ khanh, chính quyền Việt Nam cộng hòa). Theo ông Hoàng Đình Long thì thông tin về bà Tòng, nhất là bộ “dật sử” là do hai vị tú tài Hán học xưa soạn thảo bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ Pháp, đóng thành ba quyển, cộng 1.706 trang cỡ nhỏ, rồi ông Long phiên dịch ra Quốc văn, đóng làm 12 tập, cộng 646 trang đánh máy.

Sau khi tiếp cận bộ dật sử, vài ý kiến ban đầu của Nha Văn hóa cho rằng đây là một tài liệu giả mạo, riêng ông Võ Long Tê trong công văn đề ngày 14.4.1971, cho rằng: “Về hình thức, nguyên tác là một thủ bản xưa cũ, không thể là một tác phẩm ngụy tạo. Phương chi đất Quảng Nam vốn là nơi phát xuất phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX, cô Hoàng Thị Tòng ắt là một nhân vật có thật”. Từ nhận định đó, ông Tê đề nghị: “Phủ Quốc vụ khanh nên mua tác quyền nguyên tác và bản dịch. Thành lập một hội đồng để duyệt lại bản dịch và sẽ cho xuất bản trong khuôn khổ tủ sách cổ văn của Ủy ban Dịch thuật” (Công văn đề ngày 14.4.1971, của Nha Văn hóa, do ông Võ Long Tê ký). Trước đề nghị của ông Tê, bút phê của ông Quốc vụ khanh tại văn bản này kết luận, cần phải: “Dò lại coi có đúng với nguyên bản không, hiệu đính chữ Quốc ngữ (viết sai chính tả, dấu không chính xác), sửa đổi cách trình bày, bỏ các phần chữ Tây (lỗi thời quá) mà để phần chữ Việt (phần dịch) thôi. Cần trao đổi với ông Hoàng Đình Long về vấn đề này” (Công văn đề ngày 14.4.1971, của Nha Văn hóa, do ông Võ Long Tê ký).

Dật sử đáng giá triệu đồng?

Tại Phiếu trình ngày 15.5.1971 của Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa gửi Phủ Quốc vụ khanh trình bày về việc mua bản quyền bộ dật sử để xuất bản thì: “Trong thư đề ngày 6.5.1971 gửi Phủ, ông Long cho biết: Cuốn này là bửu vật của dòng họ ông, lại thêm tốn công dịch thuật mà nhượng tác quyền cho Phủ thì xem như ông chỉ được hưởng có một lần thôi. Do đó, ông ra hiệu giá một triệu đồng. Có lẽ cho ông không ước lượng được mức giá trị của cuốn sách cũ này đến đâu, nên đã hiệu giá quá cao ngoài khả năng mua được của Phủ. Thật ra, với 12 tập đánh máy bản dịch 650 trang, nếu tính theo giá biểu của Ủy ban Dịch thuật thì giá toàn bộ sẽ là 195.000$00. Nhất là, bản dịch này còn nhiều khuyết điểm cần phải hiệu chỉnh, lại đặt ra cho Phủ một mục chi phí ít ra cũng phải bằng phân nửa tiền mua bản dịch. Nên “Phủ chỉ có thể mua với số tiền 200.000$ cả nguyên tác và bản dịch”. Nếu ông Long không thuận thì xin hoàn nguyên giao để ông tùy nghi” (Phiếu trình ngày 15.5.1971, của Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa).

Đến ngày 26.11.1971, ông Hoàng Đình Hoằng (cháu ông Hoàng Đình Long, ở số nhà 58 Phan Đình Phùng, Đà Nẵng), có thư gửi cho Quốc vụ khanh nêu rõ: “Về việc bác chúng tôi là ông Hoàng Đình Long, hiến dật sử bà chúng tôi, là bà Hoàng Thị Tòng. Gần đây, tôi có mượn 12 bản dịch dật sử Hán văn ra Quốc ngữ xem, đồng thời đọc lại cho bà con nghe, thì bà nội tôi (bà Nguyễn Thị Thơm, gọi bà Tùng Thoại bằng chị chồng, nhỏ hơn bà Tùng Thoại 4 tuổi), có kể rằng, sanh tiền ông cố tôi hay kể: Khi bà Tùng Thoại qua Quảng Đông đem Chương trình Hội Duy tân cứu quốc về, thì cụ Tán Thuật (tức Hà Đình Nguyễn Thuật), có khen tặng bà một bài thơ (bài thơ này tôi thấy trong dật sử của bà Tùng Thoại đã có chép), đồng thời cụ Thuật có gửi bài ca Á Tế Á do cụ sáng tác, bảo bà đem về phổ biến trong nước. Khi bà Tùng Thoại ở nước ngoài về, ông cố của tôi đến thăm, thấy có tấm ảnh chụp khi bà đương diễn thuyết tại nước Đức, ông cố xin đem về cất kỹ (tôi sang gửi kèm theo đây). Ngày bà tạ thế thì 3 cụ: Cử Lịch, Tú Phát, Cai Thức họp tại nhà ông cố, để đặt bài văn truy điệu bà. Khi đó ông cố lấy bản thảo cất kỹ, còn bản chính đọc xong trong lễ truy điệu thì đốt liền khi đó tại Thạnh Bình (chúng tôi nhấn mạnh - NV). Chúng tôi mong Chánh phủ sớm xuất bản sử bà chúng tôi, rồi gởi cho bác chúng tôi một ít sử, để cho lại mỗi gia đình con cháu chúng tôi một quyển” (Thư của ông Hoàng Đình Hoằng gửi Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa. Tài liệu lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, TP.Hồ Chí Minh).

(Còn nữa)

LƯU ANH RÔ

LƯU ANH RÔ