Quản trị nhà nước

C.B.L 12/09/2018 02:24

Lâu nay ta thường nghe “quản lý nhà nước” chứ ít gặp cụm từ “quản trị nhà nước” bởi cụm từ này nghe rất có “âm hưởng” doanh nghiệp. Tất nhiên mô hình nhà nước thì không thể giống doanh nghiệp, nên nếu dùng thì có thể người ta đã liên tưởng đến mối liên quan nào đó về sự điều hành của một hệ thống đang sản xuất ra của cải. Sự liên tưởng này thực ra đã có lý do của nó, đó là người dân đang nộp thuế để nuôi bộ máy nhà nước thì đòi hỏi ở họ là bộ máy đó phải được quản trị tốt, trong đó cán bộ nhà nước phải làm việc thật sự hiệu quả. Và nếu nhìn nhận bộ máy nhà nước như một công ty, người dân sẽ khó chấp nhận sự lãng phí về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất do quản trị không hiệu quả.

Thời gian gần đây, dường như cả xã hội đang “nhận thức sâu sắc” về thực trạng bộ máy cán bộ nhà nước quá cồng kềnh, hoạt động thiếu hiệu quả. Báo chí dẫn giải nhiều thống kê cho thấy gánh nặng của người dân trong việc “nuôi” cán bộ. Chẳng hạn, theo số liệu từ điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, tính đến hết quý IV.2017, có hơn 5,2 triệu người làm việc cho khu vực nhà nước. Nếu tính trên số dân gần 96 triệu người, chia ra thì tỷ lệ cán bộ trên dân là 1/19. Nói nôm na là cứ trong 19 người dân Việt Nam có 1 cán bộ khu vực nhà nước. Hay một thống kê khác, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có đông công chức, viên chức nhất Đông Nam Á, với tỷ lệ cán bộ trên tổng dân số là gần 5%... Do vậy, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu quả là chủ trương xuyên suốt trong thời gian dài, và gần đây đang được triển khai rất quyết liệt. Việc tinh giản biên chế và trả lương theo vị trí việc làm được cho là giải pháp hợp lý bởi dễ thấy được thực tế vị trí việc làm đó cần mấy người, ai là người thừa ra, làm việc không hiệu quả để tinh giản. Hoặc nếu làm ở vị trí đó thì sẽ được nhà nước trả bao nhiêu, chứ không phải chỉ hoàn toàn dựa vào thâm niên và ngạch bậc.

Ở một khía cạnh khác cũng cho thấy xã hội đang rất quan tâm về sự lãng phí của công. Một công trình, trụ sở mọc lên, giờ đây người dân đã quan tâm nhiều hơn đến tính hợp lý của nó ở góc độ chi tiêu ngân sách. Thậm chí người dân còn đổ xô đi tìm lý do của những công trình tiền tỷ bỏ hoang hay xét nét những ý tưởng có thể gây ra sự lãng phí tiền của. Một ví dụ rất sinh động là người dân đã tính được chiều dài thực tế của tổng những tờ tiền 500 nghìn đồng của một gói ngân sách 1.000 tỷ đồng. Độ dài ấy chính xác là 300km, bằng với quãng đường từ Hà Nội lên Hà Giang - địa phương vừa tái đề nghị Thủ tướng cho xây khu hành chính tập trung với tổng chi phí hơn 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, người dân lâu nay phải vật lộn với tuyến đường từ Hà Nội lên Hà Giang, và số tiền 1.000 tỷ đồng theo tính toán đủ để xây dựng tuyến cao tốc tương tự Nội Bài - Lào Cai cũng với khoảng cách 300km. Vậy có nên xây khu hành chính?

“Quản trị nhà nước” có thể là cụm từ cho thấy sự liên tưởng và so sánh giữa đầu tư với hiệu quả mà hướng đến là đánh giá hệ thống công quyền làm lợi nhiều hay ít cho xã hội.

C.B.L

C.B.L