Khai thác du lịch sinh thái bền vững
Trong vài năm gần đây, hoạt động du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, đem lại lợi ích không nhỏ cho cộng đồng và xã hội. Mặc dù vậy, cần tránh sự nhập nhằng giữa tính hoang sơ và sự hoang phí để du lịch sinh thái được phát triển một cách bền vững.
Cần giữ tính “hoang sơ” tại các khu vực có hoạt động du lịch sinh thái để thu hút du khách và phát triển bền vững. Ảnh: Q.TUẤN |
Cần giảm thiểu những tác động
Chỉ mới chừng 5 năm trước, vùng làng quê xã Cẩm Thanh (Hội An) vẫn còn là một địa chỉ xa lạ đối với hầu khắp du khách thập phương. Với chủ trương giãn khách ra ven đô để giảm tải cho khu vực phố cổ Hội An, Cẩm Thanh dần trở thành một điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái với không gian rừng dừa, sông nước, đồng lúa… thanh bình, thơ mộng. Nhưng thời gian gần đây, do lượng du khách tăng đột biến cùng với nhu cầu tham quan, giải trí của thị trường khách Âu và khách Á có sự khác biệt nên đã dẫn đến những xáo động trong hoạt động du lịch sinh thái ở Cẩm Thanh. Thực trạng đó dấy lên lo ngại về sự chệch hướng trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Cẩm Thanh bởi đây là loại hình du lịch phù hợp nhất, đáp ứng mục tiêu du lịch gắn với bảo tồn tại Hội An nói chung và Cẩm Thanh nói riêng.
Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban thư ký Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, rừng dừa nước và hệ sinh thái đất ngập mặn vùng hạ lưu sông Thu Bồn chính là nơi nuôi dưỡng và phát triển của gần 80% nguồn lợi thủy sản tại các rạn san hô ở Cù Lao Chàm và vùng biển ven bờ Quảng Nam. Điều này cho thấy tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh và mối quan hệ mật thiết của nó đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Việc phát triển du lịch sinh thái ở Cẩm Thanh là rất cần thiết bởi đã giúp một bộ phận không nhỏ cộng đồng cư dân địa phương có sinh kế cải thiện đời sống đáng kể. Vấn đề trăn trở ở đây là việc vừa giữ được hệ sinh thái rừng dừa, vừa phát triển các nét văn hóa độc đáo của cư dân địa phương phục vụ du lịch để người dân được hưởng lợi bền vững từ du lịch sinh thái.
Các giá trị sinh thái, văn hóa độc đáo mang đặc trưng bản địa giúp đẩy mạnh hoạt động du lịch sinh thái. |
Không riêng gì Cẩm Thanh, các địa điểm ven đô Hội An như làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà), làng An Mỹ (phường Cẩm Châu), xã Cẩm Kim… đang và sẽ phát triển mạnh du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Tính “hoang sơ” ở những khu vực này cần được đề cao để du khách thập phương cảm nhận được các giá trị văn hóa, thiên nhiên độc đáo của vùng đất này. Hiện nay, Hội An vẫn đang nỗ lực xây dựng hướng đến thành phố sinh thái, đề án “Hội An – nhân tình thuần hậu” để vận động cộng đồng phục hồi, gìn giữ các giá trị nhân văn của đô thị cổ nếu thực hiện thành công cũng là một đòn bẩy để phục vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng.
Giữ hoang sơ, giảm hoang phí
Xuyên suốt vùng hạ lưu sông Thu Bồn, xuất hiện chằng chịt những cồn bàu, nổng cát, kênh rạch… Theo nhiều chuyên gia, đây chính là thành tố quan trọng, là các giá trị to lớn về cảnh quan. Việc duy trì giá trị “hoang sơ” tại các khu vực này là tiền đề để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trong tương lai chứ không phải là sự “hoang phí”. Điều đáng quan tâm là tại các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như Cẩm Thanh, Cẩm Kim (Hội An), Triêm Tây (Điện Bàn), Trà Nhiêu, Mỹ Sơn (Duy Xuyên), Lộc Yên (Tiên Phước)… cần khuyến khích doanh nghiệp, cộng đồng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch hài hòa với thiên nhiên. Đặc biệt, cần kiểm soát, hạn chế những công trình can thiệp thô bạo vào tính “hoang sơ” của các điểm đến.
Đi kèm với giữ tính “hoang sơ” chính là việc không để “hoang phí” những địa điểm tiềm năng có thể thực hiện khai thác du lịch sinh thái. Có thể dễ dàng nhận thấy, ở một số vùng đất sở hữu cảnh quan thiên nhiên hữu tình bao gồm rừng dừa, đồi thông, sông, suối… như dọc sông Cổ Cò, đồi thông Bồ Bồ (Điện Bàn), các hố, thác ở huyện Núi Thành, Tiên Phước, vùng núi phía tây của tỉnh… Các địa điểm trên hàng năm đã đón một lượng khách du lịch lớn hoặc có tiềm năng, vị trí thuận lợi để tiếp cận du khách trong tương lai gần nhưng cộng đồng cư dân địa phương ở các điểm du lịch trên hầu như không thu được nguồn lợi gì từ hoạt động, dịch vụ du lịch. Phát biểu tại hội thảo về bảo tồn đa dạng sinh học tại TP.Đà Nẵng vào tháng 7.2018, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Cần rành mạch, khách quan giữa bảo tồn và phát triển trong hoạt động du lịch sinh thái, nếu không trong quá trình phát triển chúng ta sẽ phải sửa sai liên tục. Chúng ta cần xem xét là phải bảo tồn cái gì, xem xét những giá trị sinh thái, văn hóa, lịch sử cốt lõi nào phải giữ gìn còn dư địa nào cho nó phát triển được thì nên mở ra cơ hội để phát triển nhằm đem lại lợi ích cho nhiều phía”.
QUỐC TUẤN