Kiện củ khoai

C.B.L 23/08/2018 01:39

Theo kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (được công bố tại phiên họp thứ 10 vào sáng qua 22.8), trong 3 năm 2015 - 2017 cả nước có 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện đến tòa án, chiếm khoảng gần 10% trên tổng số khiếu nại hành chính. Qua xét xử, tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tòa án tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần là 1.194. Quảng Nam là một trong những địa phương có tỷ lệ bị tuyên hủy chiếm cao với 55,76%. Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2015 là 10,71%; năm 2016 là 21,93 % và năm 2017 là 31,69%.

Đây là loại án người dân kiện chính quyền và người đứng đầu chính quyền. Đối với loại án này, người dân thắng kiện có khó không? Rất khó. Vì muôn ngàn lý do, trong đó có việc người dân không thể nắm rõ luật bằng chính quyền, không có công cụ trong tay như chính quyền. Trước đây, việc người dân kiện chính quyền rất hiếm khi xảy ra.

Khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 ra đời, việc giải quyết khiếu kiện bằng thủ tục tố tụng hành chính tại tòa được xem là bước tiến quan trọng trong tiến trình phát triển nền hành chính và tư pháp. Từ đây, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tham gia tố tụng, giải quyết khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính được luật hóa, quy định cụ thể và rõ ràng hơn. Có lẽ vì vậy mà tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia phiên tòa có xu hướng tăng qua các năm?

Bản thân quan hệ giữa nguyên đơn và bị đơn của loại án này đã hàm chứa sự bất bình đẳng. Phần nặng thường nghiêng về phía chính quyền, nên những người cầm cân công lý tại tòa phải thực sự công tâm và thượng tôn pháp luật thì mới có các phán quyết chính xác. Người yếu thế không hẳn lúc nào cũng đúng, nhưng họ cần được hỗ trợ, để thấy được sự nhân văn của nền pháp quyền mà Việt Nam đang thiết lập và xây dựng.

Ở Quảng Nam, cũng có những vụ án ở cấp huyện, xã đã được tòa tuyên án, chính quyền thua kiện nhưng không thi hành án. Báo Quảng Nam từng thông tin nhiều vụ chưa đến mức kiện ra tòa, nhưng người dân khiếu nại dai dẳng hàng chục năm đối với các quyết định sai của chính quyền. Người dân mòn mỏi gõ cửa khắp nơi còn chính quyền cấp huyện, xã thì loanh quanh tìm cách giải thích chứ không đưa được giải pháp sửa sai.

Nếu để dân ấm ức mãi, rồi tự than “con kiến mà kiện củ khoai”, tự dè bỉu mình là đồ “châu chấu đá xe” thì lâu dần sẽ sinh sự. Bởi dân gian cũng có câu rằng: “Nực cười châu chấu đá xe/ Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”. Vụ Thủ Thiêm là một ví dụ. Vậy nên, để đừng sinh sự, Quảng Nam phải bắt đầu bằng việc đưa ra các giải pháp nhằm giảm con số các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tòa án tuyên hủy với tỷ lệ 55,76% như hiện nay.

C.B.L

C.B.L