Chọn cách ứng xử nào?

C.B.L 07/08/2018 01:56

Đến 17 giờ hôm qua 6.8, hầu hết các trường đại học đã công bố điểm chuẩn theo thời hạn mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Hai thái cực buồn - vui được nhắc đến hôm qua và nhiều hôm sau nữa đều xoay quanh hai chữ đậu - rớt.

Đậu đại học, thì kèm theo niềm vui là băn khoăn trăm ngàn thứ phải lo cho một sinh viên nhập học. Nhưng rớt là buồn, thất vọng thậm chí tuyệt vọng. Cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra. Nói thì đơn giản vậy nhưng với những bạn rớt đại học, điều đó không hề dễ chịu chút nào. Nhưng rồi, lối vào đời sẽ mở - phải mở vì con người ta phải sống. Theo con số mà VnExpress thống kê: “Năm 2017, hơn 260 ngàn sĩ tử đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng không đạt được nguyện vọng. Nhưng năm 2018, chỉ có 53 ngàn thí sinh tự do đăng ký cho kỳ thi THPT quốc gia. Có 80% sĩ tử chọn cách không thi lại”. Nghĩa là ít ra, rớt đại học sau đó đã không còn là vấn đề của mọi vấn đề. Quan trọng là ta chọn cách ứng xử nào cho đời ta, cách nào để chính bạn không cảm thấy kém cỏi nhất.

Khi bạn bè chộn rộn đậu - rớt, thì hàng trăm học sinh ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong vụ gian lận thi cử (mà đến lúc này vẫn chưa kịp nguội, vì mỗi ngày mỗi nảy sinh tình tiết mới trong điều tra) sẽ như thế nào? Các em đang loay hoay ra sao? Tôi không có mặt ở đó, nên tự nghĩ ra hàng trăm câu trả lời về những gì các em đang đối diện. Chợt nhớ đến cách tra tấn khủng khiếp được một số nhà tù phương Tây áp dụng: biệt giam trong những căn phòng cách âm trắng toát; mọi thứ mà tù nhân tiếp xúc đều là màu trắng, kể cả bữa ăn. Cách tra tấn này để lại hậu quả vô cùng nặng nề như khiến tù nhân ảo giác, phát điên, thậm chí muốn chết. So ra, có lẽ các em cũng đang đối diện với màu trắng ấy, khi mọi thứ phía trước không có gì. Các em phải chọn cách ứng xử nào cho đời mình?

Gõ từ khóa “gian lận thi cử” trên Google, trong vòng 0,22 giây sẽ cho ra 12,9 triệu kết quả. Vậy nhưng, đến khi áp lực dư luận gần như đỉnh điểm thì mới thấy người đứng đầu ngành nói một câu “nhận trách nhiệm”. Khi mọi sự quan tâm của cả xã hội đang đổ dồn về phía cuộc thi, về các cuộc họp bàn xoay quanh kiểu thi “2 trong 1”, những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát phương án tổ chức thi THPT quốc gia, thì cuối tuần qua, dư luận lại dậy sóng với tin “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dự khánh thành ngôi trường hơn 400 tỷ đồng ở Tây Nguyên”.  Cách ngôi trường ông thăm hơn 50km, gần 600 giáo viên có nguy cơ mất việc do Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc ký bừa, tuyển dụng sai quy định vẫn chưa biết về đâu. Và, cũng chưa thấy bộ trưởng “vi hành” đến đây.

Cách ứng xử của các học sinh trước ngưỡng cửa đại học - được cho là ngưỡng cửa cuộc đời thì chỉ ảnh hưởng đến đời của chính các em; nhưng của một người đứng đầu ngành giáo dục cả nước như bộ trưởng thì lại khác - nó ảnh hưởng đến rất nhiều thế hệ.

C.B.L

C.B.L