Hàng chục người làm việc trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị chậm lương
(QNO) - Một nhóm công nhân người H're (xã Ba Tô, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) xuống làm tại công trình cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với lời hứa sẽ trả lương 200.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, cả tháng nay họ không nhận được đồng lương nào. Thậm chí phải vất vưởng ăn nhờ, ở đậu tại một số nhà dân địa phương ở thôn Bích Ngô Đông (xã Tam Xuân 2, Núi Thành).
Những công nhân tỉnh Quảng Ngãi phản ánh sự việc. Ảnh: DƯƠNG VINH |
Theo phản ánh của anh Phạm Văn Công (38 tuổi), nhóm 8 người của anh từ Quảng Ngãi ra Quảng Nam để lao động cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi từ hơn một tháng trước, theo lời mời của một người tên Tân.
“Lúc đầu, họ cam kết 20 ngày sẽ trả lương một lần để chúng tôi có tiền trang trải cuộc sống cũng như gửi tiền về cho gia đình. Tuy nhiên, qua hơn 1 tháng chúng tôi vẫn chưa nhận được đồng tiền nào nên đã nghỉ việc gần tuần nay. Giờ chỉ ngồi chờ nhận tiền công để về nhà thôi” - anh Công cho biết.
Hiện nay, chủ thầu vẫn đang nợ tiền anh Công 46 ngày công (theo cam kết mỗi ngày công 200 nghìn đồng). “Ngoài ra, còn có 47 giờ tăng ca, 38 đêm giữ vật liệu..., tổng cộng họ đang nợ tôi hơn 16 triệu đồng” - anh Công nói thêm.
Đó cũng là tình trạng chung của các công nhân trong nhóm anh đang gặp phải. Trong đó, có trường hợp của em Phạm Văn Quỳnh (17 tuổi) là học sinh lớp 11, tranh thủ thời gian nghỉ hè để đi làm kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình cho năm học tới. Nhưng đến nay, khi năm học mới sắp bắt đầu thì em vẫn đang ngồi chờ thanh toán tiền lương để về nhà.
Theo nhẩm tính của Quỳnh, tính cả 29,5 ngày công, tiền tăng ca, tiền trực đêm... thì phía nhà thầu đang nợ em hơn 11 triệu đồng. “Nhà em nghèo nên tranh thủ làm được đồng nào phụ giúp cho ba mẹ mua sách vở, áo quần thì tốt chừng đấy. Nhưng chờ mãi không thấy họ thanh toán để em về nhà, đành phải ở đây chờ thôi” - Quỳnh nói.
Mời bạn đọc xem clip:
.
Theo bà Mai Thị Hường (69 tuổi, thôn Bích Ngô Đông, xã Tam Xuân 2), nhà của bà được một người tên Tân thuê cho 8 công nhân này ở với mức 500 nghìn đồng/tháng. “Cả tuần nay, khi mấy anh em này nghỉ việc do không được trả lương thì không còn tiền để ăn cơm. Thấy tội, bà con chòm xóm ở đây góp người ít gạo để tôi nấu cho họ ăn qua ngày. Tiền thuê nhà 2 tháng nay, ổng (ông Tân - PV) cũng đã trả tôi đâu”- bà Hường cho hay.
Không chỉ riêng các công nhân từ Quảng Ngãi bị chậm trả lương, mà ngay cả những lao động địa phương cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Theo ông Nguyễn Văn Ba (50 tuổi, thôn Bích Ngô Đông), ông làm cho nhà thầu này được hơn 76 ngày công, trong đó đã ứng được 8 triệu đồng, còn nợ lại hơn 10 triệu đồng.
“Họ cứ hẹn miết, cứ nói cuối tuần là trả nhưng không biết bao nhiêu cuối tuần rồi vẫn chưa thấy đâu. Vì thấy không chắc chắn nên chúng tôi cũng đồng loạt nghỉ việc” - ông Ba nói. Ngoài ra, trong thôn Bích Ngô Đông còn có 4 người khác cũng có hoàn cảnh giống như vậy, tổng số tiền nhà thầu đang nợ những lao động tại đây hơn 50 triệu đồng.
Công trường nơi những công nhân Quảng Ngãi làm việc. Ảnh: DƯƠNG VINH |
Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã trực tiếp đến gặp đơn vị chủ đầu tư và được biết, người đứng ra thuê những công nhân này làm việc là Hoàng Trọng Tân, là một phụ thầu nhỏ trong công trình cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phụ trách hàn, bắt vít, lưới ở lan can và giải phân cách trên đường cao tốc (kéo dài khoảng gần 10km đoạn cuối TP.Tam Kỳ vào xã Tam Xuân 2).
Trao đổi với chúng tôi, ông Tân cho rằng, việc chậm chi trả lương cho công nhân tại các công trình là chuyện... bình thường vì phải phụ thuộc vào công ty mẹ. “Thường thì cuối tháng là công ty chuyển tiền vào để thanh toán tiền lương cho công nhân, nhưng 2 tuần qua không biết có việc gì nên chưa chuyển tiền kịp nên tôi chưa thể trả lương cho những công nhân này. Việc này có gì to tát đâu !?” - ông Tân nói.
Cũng theo ông Tân, theo kế hoạch thì chiều nay (3.8), khi công ty mẹ chuyển tiền vào thì ông sẽ thanh toán tiền lương đang nợ cho các công nhân. “Trường hợp nếu tiền không vào kịp thì trễ nhất 1 tuần nữa sẽ có tiền” - ông Tân nói.
Như vậy, vẫn chưa thể biết chắc chắc bao giờ thì lương được chuyển và những công nhân này lại lay lắt sống nhờ ở đậu không biết đến bao giờ mới được thanh toán tiền lương.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho biết, hiện vẫn chưa nhận được trình báo của người dân về tình trạng này. Tuy nhiên, theo ông Xuân, Công ty CP Đầu tư xây dựng Lương Tài (đơn vị nhận thầu thi công các hạng mục đoạn đi qua địa bàn xã trên tuyến cao tốc) trong quá trình làm việc, đơn vị này có nhiều vướng mắc với chính quyền cũng như người dân địa phương. “Hiện công ty vẫn chưa thanh toán số tiền trên 100 triệu đồng về khắc phục, hoàn thổ những hỏng hóc do trong quá trình thi công gây nên. Bên cạnh đó, những hậu quả do công ty này gây ra cho địa phương là khá lớn, tuy nhiên qua nhiều lần kiến nghị vẫn chưa khắc phục được, cả về việc đền bù cho người dân hay thì công làm hỏng các tuyến đường dân sinh”- ông Xuân nói. Riêng về việc chậm chi trả lương cho người lao động, ông Xuân cho biết, chỉ cần nhận được kiến nghị của người dân thì chính quyền sẽ lập tức có phương án can thiệp để bảo vệ người lao động. “Khi vào địa phương làm việc thì công ty này có đăng ký về tạm trú, tạm vắng, nhân công lao động với chính quyền xã. Nên khi có thông báo về những vấn đề như Báo Quảng Nam phản ánh, chính quyền sẽ liên hệ với đại diện của công ty để giải quyết vướng mắc” - ông Xuân nói thêm. |
NGUYỄN DƯƠNG - PHAN VINH