Sự hài lòng
Thời tiết nắng nóng, chiều thường chuyển qua mưa dông bất chợt được cho là bất lợi với nghề nuôi tôm nước lợ. Mà thật ra, nhìn chung nghề này ít khi thuận lợi, không dịch bệnh hàng loạt thì cũng bấp bênh về giá; rồi vùng nuôi chủ yếu theo kiểu tự phát, “bất hợp pháp” nên nếu có lợi thì cũng trong tư thế phập phù. Còn nghề biển, gần đây lại liên tiếp đón nhận những thông tin không mấy sáng sủa: nghề lộng ở bãi ngang thất thu, tàu xa bờ làm ăn thua lỗ và mắc nợ, ngư dân bị kiện liên tục, tàu to thiếu lao động... Trong khi đó, vùng đông đang nằm trong cơn giải tỏa tổng lực, đất đai rối rắm, chuyện đi ở tạo ra những cảm xúc vui buồn lẫn lộn với nhiều người!
Vì tình hình không mấy thuận lợi nên nếu hỏi người dân vùng ven biển trong lúc này về chuyện hài lòng hay không với việc triển khai các chính sách liên quan, hoặc sự phục vụ của cấp chính quyền cơ sở thì dễ nhận được những cái lắc đầu. Vì sao không hài lòng? Người Quảng hay trả lời câu hỏi bằng… câu hỏi: Tại sao không cho bắt điện 3 pha để dân nuôi tôm thuận lợi? Nếu vì nuôi bất hợp pháp thì cấm, chứ tại sao lấy dịch vụ điện ra làm biện pháp để khống chế, gây khó khăn cho sản xuất? Tàu xa bờ phát triển ào ạt, cán bộ địa phương đi vận động dân tham gia chính sách, đến khi tàu lớn làm ăn khó khăn, ngân hàng đòi nợ thì cán bộ ở đâu? Cơ chế giải tỏa, bồi thường sao bất nhất?...
Tất nhiên, những câu hỏi thay câu trả lời của người dân không phải lúc nào cũng thỏa đáng, nhưng lắng nghe và đưa ra câu trả lời có thể khiến họ hài lòng là trách nhiệm của các cấp chính quyền trong nền hành chính phục vụ. Đặc biệt với chính quyền địa phương cấp cơ sở, nơi có nhiều cơ hội lắng nghe người dân thì càng phải có câu trả lời kịp thời, chính xác để giải tỏa sớm khúc mắc phát sinh trong quá trình quản lý xã hội. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chính quyền cấp cơ sở không có nhiều điều kiện thuận lợi để trả lời những câu hỏi. Ví dụ cán bộ ở cấp xã hiện nay thiếu và yếu; các chính sách phát triển xã hội được “áp” từ trên xuống, thực tiễn nảy sinh nhiều vấn đề. Các hiện tượng xã hội như ô nhiễm môi trường, phạm pháp gia tăng, tham nhũng xảy ra mà không phải cán bộ địa phương nào cũng có thể “lý giải” thuyết phục để tạo sự hài lòng cho người dân.
Sự hài lòng là chỉ số đo hiệu quả của dịch vụ hành chính công. Theo công bố của Bộ Nội vụ, năm 2017, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của Quảng Nam đạt 83,16%. Cùng với chỉ số cải cách hành chính sụt giảm đến 20 bậc trong năm qua, kết quả này không làm chính quyền tỉnh hài lòng. Nhiều cuộc họp được UBND tỉnh tổ chức gần đây nhằm rà soát, tìm biện pháp cải thiện các chỉ số cải cách hành chính đã nhận diện trở lực chủ yếu đến từ đội ngũ cán bộ phục vụ hành chính, nhất là cán bộ cơ sở. Dù SIPAS chỉ thực hiện khảo sát với 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, nhưng những câu trả lời của người dân và doanh nghiệp một phần nào đó cũng mang cảm xúc từ thực tiễn ở cơ sở. Chính vì vậy, cải cách cũng nên bắt đầu từ cơ sở, để sự hài lòng của người dân thực chất hơn!
C.B.L