Di tích... 1 ngày tuổi

C.B.L 01/08/2018 02:14

Ngay ở thủ đô Hà Nội, ngôi đình Lương Xá 300 tuổi dựng trên đất Ứng Hòa đùng một cái bị tháo dỡ, đúc mới với các cột bê tông. Nhiều bản tin đăng tải hôm qua 31.7 cho biết Sở VH-TT TP.Hà Nội đã cử đoàn thanh tra xuống làm việc và đề nghị tạm dừng thi công. Cũng có bài báo dẫn ý kiến chuyên gia gợi ý 2 phương án xử lý những cấu kiện gỗ quý giá lỡ bị tháo rời: Bộ phận nào có giá trị thì có thể gắn lại trên khung kiến trúc cũ, gắn không được thì… mang về Bảo tàng Hà Nội.

Từ một di tích 300 tuổi, đình Lương Xá đã “cải lão hoàn đồng” đầy bất ngờ, đến nỗi cơ quan quản lý và địa phương gặp nhau khi chuyện đã rồi. Đành rằng ngôi đình chưa xếp hạng, nhưng đã được kiểm kê di tích thì mọi ứng xử đều phải thực hiện theo quy định, phải báo cáo cơ quan quản lý trước khi tu bổ.

Diễn biến này nhắc nhớ lại chuyện Chùa Cầu 400 năm cũng suýt biến thành di tích 1 ngày tuổi, nếu không có những ý kiến phản biện mạnh mẽ. “Phương án” hạ giải toàn bộ Chùa Cầu để trùng tu từng được đưa ra hồi năm 2016, nhân hội thảo quốc tế tại TP.Hội An. Một trong những người phản biện mạnh mẽ là ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An. Bởi trong 7 đợt sửa chữa, tu bổ Chùa Cầu trước đó, chính ông Sự từng tham gia chỉ đạo gia cố Chùa Cầu năm 1996 và sau này ông tự nhận là mình đã… làm liều khi cho cấp tốc chống đỡ cây cầu đang nghiêng mà chả hề hỏi ý kiến các nhà khoa học. Quan điểm của ông về trùng tu là phải làm sao để di tích khỏe ra, chứ đừng “trẻ” ra.

Nhiều cán bộ bảo tồn ở Quảng Nam sau thời gian làm việc với chuyên gia Nhật Bản về trùng tu nhà cổ nhận ra đồng nghiệp nước bạn cực kỳ cẩn thận, chuyên nghiệp trong công đoạn đo vẽ, khảo tả trước khi hạ giải. Đây là lối ứng xử phù hợp. Xin nhắc lại, Báo Quảng Nam từng phát hiện một chi tiết thú vị: Từ ngày 26.7.1932, một cư dân Hội An gửi đơn đến quan Công sứ Pháp chỉ để xin phép sửa chữa “một đôi chỗ lặt vặt trên mái ngói và gạch lót trong nhà tọa lạc trên đường cầu Nhật Bổn số hiệu nhà 185”. Người viết đơn là ông Huỳnh Cẩm Thành, làm nghề buôn bán ở Faifo. Bốn ngày sau, viên chủ sự công chánh phê đồng ý, quan Công sứ cũng ký cho phép, ít ngày sau nữa viên chủ sự cảnh sát tiếp tục ký tên đóng dấu…

Kể chuyện xưa để thức tỉnh chuyện nay. Ngôi nhà 185 đường cầu Nhật Bổn kia lúc ấy hẳn chưa “xếp hạng” hay “kiểm kê” di tích, mà chủ nhân đã ý thức cao đến vậy và chính quyền sở tại cũng quản lý chặt. Còn bây giờ, thi thoảng lại nghe di tích này bị phá, di tích kia tân trang…, rồi lại phải loay hoay “báo cáo”, “xử lý”. Hãy ngừng “xu hướng” làm mới, làm trẻ di tích!

C.B.L

C.B.L