Cà kê bên biển, bên sông
Chỉ cách phố cổ Hội An chưa đầy 5km về phía đông, phường Cẩm An sở hữu nhiều đặc trưng của vùng cuối sông, đầu biển. Bây giờ làng chài heo hút một thời này đã là một trong những vùng đất phát triển sôi động nhất ở Hội An và kéo theo đó là những câu chuyện tưởng cũ mà không cũ…
Biển An Bàng từ một bãi biển dân sinh vài năm trước đã trở thành điểm du lịch biển chủ lực của Hội An.Ảnh: QUỐC TUẤN |
1. Đứng trưa, nắng như đổ lửa nhưng bãi biển An Bàng vẫn dập dìu du khách. Có nhóm lững thững thả bộ thư giãn, có người ngả lưng trên ghế đọc sách. Xa xa, có cặp đôi đang vi vu trên chiếc ca nô rẽ sóng tung bọt trắng xóa. Chỉ tay về dãy nhà hàng đằng xa, Thanh Phúc - một người dân địa phương nhớ lại, cách đây chừng chục năm chỗ đó chỉ toàn dây rau muống biển và dương liễu thôi. Anh chàng còn lém lỉnh nói thêm: “Ba, bốn năm trước, cái hồi “Tây” mới tới đây, họ nằm phơi mình tắm nắng mà người dân ai cũng mắt tròn mắt dẹt. Bây giờ thì quá quen rồi”.
Quả thực, trước năm 2010, An Bàng chỉ là bãi biển dân sinh chứ không lọt “top này”, “top nọ” thế giới một cách mỹ miều như truyền thông nước ngoài ca tụng gần đây. Ghé hỏi chuyện anh Lê Ngọc Thuận, người quê Cẩm An, Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam, anh thủng thẳng mở lời: “Nếu chưa tưởng tượng được làng biển An Bàng cách đây chừng 10 năm ra sao thì cứ đi dọc một số làng chài khác còn heo hút ở tỉnh mình là hình dung được thôi”. Anh Thuận bộc bạch, hồi đó phần lớn người dân làng biển này đầu tắt mặt tối với mớ cá, con tôm nhưng khai thác gần bờ nên chỉ đủ sống tạm bợ qua ngày. Có ai biết “khái niệm” làm du lịch là cái gì đâu dù cách đó chỉ hai cây số biển Cửa Đại đã là bãi biển du lịch nổi tiếng thập phương.
Ở thời điểm 2012, anh Thuận định mở homestay khởi nghiệp ven biển An Bàng. Khi đó người thanh niên này tìm vị trí để thuê đất “dễ như bắt ốc” thậm chí người ta cho thuê mà còn mừng như “mở cờ trong bụng” bởi chẳng mấy ai định mướn đất để làm ăn ở đây. Chỉ sau vài năm, mọi thứ thay đổi chóng vánh khi đất đai ở Cẩm An quý hơn vàng. Quý hơn vàng là có thật bởi ở giai đoạn đầu năm nay, khi cơn “sốt đất” lên đến đỉnh điểm thì 1m2 đất mặt tiền đường ĐT603 chạy qua phường Cẩm An hoặc ven sông Đế Võng “bèo bèo” đã mua được cả một cây vàng. Xã Cẩm An trước kia thực chất đã lên phường ngay từ năm 2004 nhưng bộ mặt đô thị vùng này chỉ thực sự khởi sắc vài năm gần đây nhờ vào chủ trương giãn dân ra ven đô của Hội An và nhất là khi làn sóng du lịch “chạm ngõ” vùng cát tiêu điều một thời này.
2. Chớm chiều, cái nóng vẫn còn hầm hập. Ở mé cồn cát gần bãi biển An Bàng có mấy lao động lui hui chăm sóc cỏ Nhật. Người đàn ông trạc 60 tuổi đang làm cỏ cho hay, chỗ này có dự án cũng lâu lâu rồi nhưng bị “treo” nên gia đình ông và mấy hộ khác vẫn còn đất để trồng cỏ Nhật. Tôi cảm nhận được nét mặt… hồ hởi của ông khi nói về dự án bị “treo” bởi trong hoàn cảnh Hội An nói chung và Cẩm An nói riêng đất chật, người đông như hiện nay, nếu dự án triển khai thì đến lượt ông và một số hộ khác phải “treo” nghề trồng cỏ. Sực nhớ lại, trên tuyến ĐT603 mà tôi đi qua có nhiều nhà chỉ có khoảnh vườn nhỏ nhưng cũng tranh thủ trồng cỏ Nhật, có lẽ ai trong số những gia đình này cũng ước ao có một mảnh đất hoa màu tươm tất hơn để canh tác đàng hoàng với nghề trồng cỏ.
Nghề trồng cỏ đem lại thu nhập khá cho nông dân ở đây tuy nhiên diện tích canh tác còn rất ít ỏi. |
Ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An chia sẻ: “Trong xu thế phát triển đô thị du lịch của địa phương thì việc người dân còn rất ít đất để canh tác cũng là chuyện khó lòng tránh khỏi. Thực tế lâu nay, Cẩm An cũng không có nhiều đất đai thuận lợi để sản xuất nông nghiệp”. Bên cạnh đó, cũng như bao làng biển khác, nỗi lo về nhân lực nghề thủy, hải sản cũng luôn canh cánh, nói chi đến nơi ngành dịch vụ đang bùng nổ mạnh mẽ như Cẩm An, thì lượng ngư dân đi biển đang sụt giảm chóng vánh hơn. Trong số 3.643 lao động trên địa bàn phường hiện nay thì lao động ngư nghiệp hiện chỉ còn 639 người trong khi chừng hơn 5 năm về trước gần 4km dọc biển của Cẩm An vẫn còn là những làng chài “toàn tòng”, người dân chỉ biết bám biển để mưu sinh. Chuyện ông Năm gác lại thuyền thúng lên bờ phụ con cái giữ cháu, bán hàng cho khách du lịch, chuyện ông Tri giã từ nghiệp biển để lên bờ trồng cỏ không phải là thiểu số ở làng biển một thời nghèo khó này… Một anh bạn người địa phương chia sẻ rằng, ở đây thanh niên thích làm ở các resort, villas hay tự mở các dịch vụ kinh doanh hơn là theo nghề cha ông bám biển mưu sinh. Dẫu vậy, ít ra ở Cẩm An vẫn còn duy trì 3 tổ hợp tác đoàn kết sản xuất trên biển và nuôi trồng thủy sản cộng đồng, đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.
3. Từ lối rẽ ra biển An Bàng đi ngược vào thành phố chỉ mấy phút đi bộ là tới sông Đế Võng (tên gọi khác của sông Cổ Cò đoạn chảy qua Hội An). Buổi chiều, gió sông thổi lồng lộng. Đi qua con hẻm nhỏ nằm lọt thỏm dưới hàng dừa lung linh hoa nắng, tôi cứ ngỡ như đang lạc vào vùng quê nào tại Tam Hải (Núi Thành) vậy. Ở đây, dường như không có không khí phố thị. Trong sân những nếp nhà cũ kỹ, trẻ con túm tụm chơi đá cầu. Bên triền sông, mấy người đàn ông thong dong quay cần câu cá, chốc chốc họ lại ngoái đầu nhìn đôi khách du lịch đang chụp hình phía xa rồi bán tán xôn xao. Có vẻ ở đây chưa có nhiều du khách thăm thú, vãn cảnh. Phía bên tê sông là làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà). Ở đó, người dân đã biết học tiếng Anh bồi để giao tiếp, chỉ dẫn khách du lịch nườm nượp tham quan, homestay bên đó cũng quy củ và mọc rải rác theo bờ sông.
Nói về homestay, tôi lại chợt nhớ đến anh Lê Ngọc Thuận. Anh Thuận có thể xem là người khởi nguồn cho việc phát triển homestay tại địa phương bằng việc tận dụng lợi thế làng chài An Bàng để thu hút du khách khám phá văn hóa làng biển ngay từ năm 2012. Đến nay, lượng khách lưu trú ở homestay, villas của anh Thuận cũng như nhiều cơ sở lưu trú khác tại An Bàng vẫn duy trì ấn tượng nhưng người đàn ông này lại đau đáu một nỗi niềm. “Không ít cơ sở lưu trú mới xây dựng tại địa phương đang dần hướng tới tính hiện đại, ít chú ý tới lợi thế, đặc sắc văn hóa bản địa trong khi một vài cơ sở lưu trú mà tôi hỗ trợ thiết kế, vận hành rồi chuyển giao khá thụ động trong việc đổi mới để thu hút du khách” - anh Thuận bộc bạch. Mà thực ra, những người dân làng biển, thì mấy ai có đủ năng lực và tâm huyết để duy trì việc tổ chức các hoạt động, sản phẩm văn hóa phục vụ khách trong thời gian lưu trú?
Nghe người dân kể, hơn 7km sông Đế Võng ngoằn ngoèo chảy qua Cẩm An lâu nay vẫn duềnh doàng con nước. Dù cách đó không xa, ngược lên phía bắc ở khu vực giáp ranh với phường Điện Dương (Điện Bàn), đoạn sông này đã bị bồi lấp từ lâu và vẫn đang chờ đợi dự án hợp tác giữa Quảng Nam và Đà Nẵng nhằm nạo vét sông Cổ Cò để thông dòng. Giấc mơ về một ngày dập dìu trên bến dưới thuyền qua sông Cổ Cò như cách đây mấy thế kỷ vẫn còn xa lắm. Trong ráng chiều, ngước lên phía cầu An Bàng, hàng chục “tay máy” người nước ngoài đang tranh thủ lưu lại cảnh hoàng hôn lấp loáng trên sông. Con đường làng bên dòng Đế Võng vốn đã yên ả càng thêm trầm mặc hơn trong ánh chiều buông. Ở đây chỉ còn nghe những tàu dừa già xào xạc như chực rụng xuống, nghe tiếng đàn chim dáo dác ới nhau về tổ…
Ghi chép của QUỐC TUẤN