Dấu hiệu bất thường

C.B.L 20/07/2018 09:37

Vụ nâng điểm thi xuất phát từ Hà Giang có dấu hiệu lan rộng khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định thành lập thêm hai tổ công tác xác minh điều bất thường trong điểm thi THPT quốc gia của hai tỉnh Sơn La, Lạng Sơn. Tương tự Hà Giang, hai tỉnh Sơn La, Lạng Sơn cũng bất ngờ có nhiều thí sinh đạt điểm cao vượt xa một số địa phương có truyền thống học tốt. Như ở môn Vật lý, Sơn La có 13 em đạt từ 9 điểm trở lên, chiếm 0,97% trên tổng số gần 1.340 thí sinh dự thi, tỷ lệ này gấp 12 lần so với TP.Hồ Chí Minh.

Đó là dấu hiệu bất thường, và nếu được xác nhận như Hà Giang thì tính chất vụ việc nâng điểm này rất nghiêm trọng, không giống như kiểu nâng điểm học kỳ đang diễn ra tràn lan mà nhiều giáo viên xem là chuyện bình thường. Một giáo viên cho biết nâng điểm học kỳ không khó khăn gì và diễn ra hầu hết ở các môn. Khi xét thấy cần thiết, giáo viên có thể dễ dàng cho thêm điểm vào cột kiểm tra miệng, hoặc 1 tiết, hay bài thi học kỳ của học sinh cho dù vẫn thực hiện quy định chấm chéo như nhiều trường đang triển khai. Động cơ chủ yếu là nhằm nâng đỡ những học sinh yếu, vớt cho lên lớp hoặc “thêm một chút” để các em đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến. Đặc biệt ở cấp THCS, Quảng Nam đang phân luồng học sinh vào lớp 10 theo tuyến, xét dựa trên điểm học kỳ thì giáo viên càng có lý do để vớt cho học sinh của mình. Ban giám hiệu nhiều nhà trường không phải không biết chuyện này, nhưng cũng vì thành tích chung mà dễ dàng cho qua. Chuyện bất thường như thế diễn ra trong thời gian dài ở nhiều nơi, khiến nó trở thành điều bình thường trong tâm lý chung của nhiều người làm giáo dục.

Đó là từ phía người dạy, dấu hiệu bất thường của ngành giáo dục còn được nhìn nhận, phân tích ở khía cạnh người học, và cũng lắm chuyện bi hài. Ví như học sinh cá biệt. Không ít giáo viên than rằng, ở nhiều trường học cấp THCS, học sinh cá biệt phổ biến đến mức... không còn là cá biệt nữa. Ngoài quậy phá đua đòi, có em cá biệt theo kiểu rất sang là ngủ triền miên trên lớp. Vậy mà vẫn mỗi năm mỗi lớp. Rồi hầu hết học sinh bây giờ đang phải cuốn vào “guồng máy” dạy thêm học thêm, cảm giác các em như đang chạy đua với chính thành tích của bạn bè hơn là tích lũy kiến thức cho riêng mình, nhưng sao vẫn có nhiều em bị bỏ lại phía sau, đến mức phải vớt mới được lên lớp? Như các học sinh có điểm thi lẹt đẹt được nâng lên cao ngất ở Hà Giang, chắc không thầy cô, phụ huynh nào nghĩ rằng các em sẽ tự hào với thành tích đó và thoát khỏi âu lo ở giảng đường đại học, nhưng sao vẫn cứ nâng lên để bây giờ chính các em mới là đối tượng được đem ra mổ xẻ.

Trong một nền giáo dục đang chộn rộn vì cải cách, những dấu hiệu bất thường có thể sẽ còn phát sinh thêm!

C.B.L

C.B.L