Băn khoăn tinh giản biên chế ngành giáo dục
Tin liên quan
|
(QNO) - Cho ý kiến thảo luận, góp ý vào nội dung Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2018 - 2021, hầu hết các ý kiến đại biểu bày tỏ thống nhất cao với lộ trình đề ra, nhất là đối với thực hiện tinh giản biên chế công chức. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những ý kiến băn khoăn về tinh giản biên chế ngành giáo dục trong những năm tới.
Đại biểu tham gia thảo luận tại tổ sáng 18.7. Ảnh: N.Đ |
Băn khoăn con số giảm bao nhiêu?
Theo báo cáo tổng hợp thảo luận tại tổ của Thư ký kỳ họp, về tinh giản biên chế viên chức sự nghiệp, nhất là sự nghiệp GD-ĐT, nhiều đại biểu cho rằng, theo Chỉ thị 02 của Thủ tướng và Chỉ thị 10 của UBND tỉnh, đối với lĩnh vực giáo dục, y tế thì tùy theo tình hình thực tế mà cân nhắc số biên chế phù hợp, không cứng nhắc phải luôn đặt vấn đề giảm biên chế ở lĩnh vực này. Do đó, đề nghị xem xét, cân nhắc xác định số lượng theo quy mô trường lớp, học sinh từng địa phương, không nên cào bằng giảm 10% như nhau.
Theo Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2018 - 2021, để đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% so với biên chế HĐND tỉnh phê duyệt năm 2015 thì biên chế viên chức tỉnh phải giảm ít nhất trong 4 năm (giai đoạn 2018 - 2021) là 2.623 biên chế (đến năm 2021 là 30.545 biên chế), bình quân giảm ít nhất 656 người/năm so với biên chế viên chức do HĐND tỉnh phê duyệt năm 2017 (33.168 biên chế). |
Hiện nay cả tỉnh còn thiếu hơn 1.200 giáo viên nhưng vẫn giảm số giáo viên theo lộ trình trong năm 2018 là chưa hợp lý, sẽ ảnh hưởng học sinh, dễ gây xung đột xã hội. Ở một số địa phương nhiều khu công nghiệp nên dân số cơ học đông nhưng cơ sở vật chất, định mức giáo viên chưa tính các yếu tố này. Do vậy, chỉ thống nhất chỉ tiêu biên chế sự nghiệp GD-ĐT trong năm 2018. Từ năm 2019 trở đi, đề nghị tiến hành giảm theo lộ trình sau khi thực hiện rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp.
Nhiều ý kiến thảo luận cũng cho rằng, thời điểm tổ chức thi viên chức giáo dục chưa hợp lý, cần tổ chức thi trong hè để tránh xáo trộn. Nên giao cho cấp huyện tổ chức tuyển dụng để phù hợp đặc thù của cấp huyện, Sở GD-ĐT chỉ tổ chức tuyển dụng giáo viên THPT theo phân cấp.
“Một số ý kiến đại biểu cho rằng định mức giáo viên theo số học sinh trên thực tế thiếu rất nhiều, cần tiếp tục tổ chức thi tuyển để đáp ứng nhu cầu giảng dạy vì số học sinh tăng và đã có cơ sở vật chất để phục vụ. Trường hợp chưa tiếp tục thi tuyển thì nên cho phép địa phương hợp đồng. Việc bắt buộc giảm 10% theo tỷ lệ chung là chưa phù hợp” - Thư ký kỳ họp cho biết.
Tính toán để cân đối
Tại phiên thảo luận chung tại hội trường, đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ đã có giải trình làm rõ thêm các nội dung còn có ý kiến khác nhau, cũng như băn khoăn của các đại biểu.
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, tình trạng thiếu giáo viên là có thật. Trong hai đợt thi tuyển viên chức ngành giáo dục năm 2017, tỉnh đã tuyển được 1.318 giáo viên, như vậy so với nhu cầu thì đã đạt ngưỡng hơn 91%. Các kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục vừa qua được tổ chức nghiêm túc, chất lượng đội ngũ giáo viên được dư luận đánh giá cao. Sở GD-ĐT tổ chức hai kỳ thi như nói trên là chấp hành đúng theo chủ trương và sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Việc thiếu giáo viên trong các năm học tới, có mấy vấn đề đặt ra là vừa thiếu giáo viên ở bậc học mầm non, vừa thiếu giáo viên do quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương số 19 (khóa XII) về sắp xếp lại hệ thống trường lớp. Vì vậy, chuẩn bị cho năm học sắp tới, ngành sẽ xin ý kiến và bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh để tháo gỡ tình trạng này, và cả những năm tiếp theo.
Với vai trò là cơ quan giúp việc soạn thảo Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2018 - 2021, ông Trần Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tiếp thu các ý kiến thảo luận; đồng thời cho biết trong thời gian qua, thực hiện ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm. UBND tỉnh đã phân công 4 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn 4 tổ công tác thực hiện thẩm định các đề án vị trí việc làm ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Đề án vị trí việc làm chính là cơ sở nền tảng quan trọng nhất cho việc xác định biên chế công chức của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua thảo luận hầu hết ý kiến đại biểu bày tỏ thống nhất cao với nội dung này của đề án.
Đối với việc tinh biên chế viên chức, ông Trần Ngọc Hòa khẳng định, trong những năm qua, HĐND tỉnh, UBND tỉnh chưa bao giờ để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp đến mức phải ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Có chăng ở nơi này nơi khác, lúc này lúc khác xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Nguyên nhân cơ bản là tính dự báo chưa thật chuẩn sát với tình hình thực tế ở năm liền kề và những năm tiếp theo (đương nhiên không thể tuyệt đối được).
Mặt khác trong quá trình dự báo cũng còn mang tính dự phòng, đưa con số dự phòng lên rất cao, cho nên hầu hết các địa phương đều chưa sử dụng hết biên chế giáo viên được giao. Vấn đề này tiếp tục đặt ra để các địa phương xem xét lại. Theo chủ trương chung phải giảm 10% biên chế công chức, viên chức đến năm 2021. “Sau khi được HĐND tỉnh thông qua Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2018 - 2021, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét cụ thể từng trường hợp một, từng địa phương một để có giải pháp giải quyết. Có thể ở địa phương này thừa, nhưng ở các địa phương khác thiếu biên chế giáo viên thì sẽ có sự tính toán để cân đối hợp lý” - ông Hòa nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, những ý kiến mà các đại biểu nêu ra, còn có sự băn khoăn đối với việc tinh giản biên chế viên chức ngành giáo dục là có cơ sở. Vì vậy, các ngành liên quan, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện, cũng như thống nhất về quan điểm, cách làm để HĐND tỉnh có cơ sở xem xét, quyết định.
NGUYÊN ĐOAN